Nhà văn Lê Lựu: Tôi thấy mình là đứa con bạc bẽo

Chủ Nhật, 28/10/2007, 09:55
Khi mẹ tôi mất, tôi không có nhà. Tết năm 1978, tôi theo vợ lên quê vợ ăn tết cùng với bố vợ. Lẽ ra mồng 4 tôi về nhưng nhà ông chú mồng 6 cưới con, tôi quyết định ở lại để dự đám cưới. Đêm mồng 5 mẹ tôi mất, cụ gọi tên tôi mãi. Hôm sau biết tin, hai vợ chồng mượn được cái xe máy chở nhau về đến nhà thì gia đình đã chôn mẹ từ chiều rồi.

-Thưa ông, mẹ của những nhà văn chắc hẳn phải là những bà mẹ đặc biệt, bởi dòng máu của họ đã sản sinh ra những con người đặc biệt. Nhà văn là một nghề đặc biệt đòi hỏi tài năng thiên bẩm?

- Tất cả các bà mẹ trên thế gian này đều giống nhau khi hoài thai, ấp ủ và sinh nở những đứa con. Còn những đứa con sinh ra và bước vào cuộc đời không giống nhau. Tất cả chúng có một tính cách riêng, một số phận, và một cách để đi đến cuộc sống này không giống ai cả. Trong đó những đứa trẻ ngây thơ nhất, ngu ngơ nhất, và yếu đuối nhất sẽ trở thành những kẻ viết văn dở hơi như tôi đây... (cười).

- Rất ít khi thấy ông kể về mẹ mình?…

- Mẹ tôi tên là Lê Thị Túc. Một người đàn bà nông dân thuần khiết. Bà làm vợ của một ông đồ nho nổi tiếng ở Khoái Châu, Hưng Yên, được nhiều sắc phong của nhà vua ban tặng. Ông đồ nho suốt ngày đi cho chữ thiên hạ nhưng vợ mình thì lại mù chữ.

- Có nghĩa là các cụ xưa cũng không "hoà hợp" nhau lắm vì sự cập kênh trong trình độ văn hoá?

- Cha mẹ tôi không bao giờ cãi nhau. Cha tôi suốt ngày đi cho chữ, uống rượu say, về nhà không biết làm bất kỳ việc gì. Ông có hai bà vợ, cả hai bà ở hai nhà gần nhau, sinh con và mỗi bà tự nuôi lấy lũ con của mình. Ông hiền lành như đất, hai bà có phàn nàn la mắng, ông cũng làm thinh cấm cãi lại vợ bao giờ. Ông sống cùng với bà cả là mẹ tôi, gá thêm với bà hai sinh thêm hai người con trai.

- Có phải sự chịu đựng, hy sinh mà ông nói về mẹ mình bắt đầu từ hoàn cảnh "riêng tư" ấy?

- Không, trong ký ức tuổi thơ của tôi, mẹ và "dì ghẻ" sống với nhau hòa thuận lắm. Mẹ tôi rất hiền, bà dì thì có sắc sảo hơn mẹ nhưng tốt tính và quý tôi lắm. Ấn tượng của tôi về mẹ sâu đậm nhất là cả một khoảng thời gian dài, đận mùa đông, rét giáp hạt năm 1947 - 1948, cả làng đói, đói rã cả ruột. Vừa đói vừa rét, gió cứ thổi thông thống từ bụng thổi ra.

Cả nhà tôi, 4 cha con nằm co quắp trong nhà tránh rét, đợi mẹ tôi đi bộ 20km, cầm đôi lọ độc bình đổi lấy mấy cân gạo nếp về cứu đói. Hôm ấy, phải tối muộn lắm mẹ mới về, bà mang cái áo tơi, quấn dây thừng ngang bụng, đầu đội non nửa thúng gạo nếp.

Cả người bà lạnh ngắt, tái nhợt vì đói và rét. Bà vào nhà, để nguyên quần áo ướt, vội vàng gạt nửa bát gạo nếp đổ vào nồi nấu cháo. Tôi nhớ bát cháo múc ra loãng như nước cơm, cả mấy cha con húp xoàn xoạt, mẹ tôi nước mắt trào ra nhìn mấy cha con húp cháo.

Làng tôi có cái ao to, cả làng thường ngâm đay ở đó. Mùa đông, nước ao do ngâm đay đặc quánh lại, thối hoắc. Mỗi lần theo mẹ đi vớt đay là mỗi lần tôi rùng mình kinh hãi. Nước thối thế mà mẹ vấn tóc lên cao, lặn xuống ao vớt đay. Cả mấy ngày sau, người mẹ dù cọ rửa kỹ vẫn nguyên cái mùi thối hoắc ấy. Kể chuyện về mẹ, thương lắm, kể không xuể được…

- Và mẹ chính là độc giả đầu tiên của con trai khi ông trở thành nhà văn?

- Không, bà không biết tôi viết văn, không biết tôi làm gì ở trong quân đội. Chuyện tôi viết văn như là chuyện của ai đó, bà không để ý. Ngày xưa trong quân đội, mỗi lần đài phát thanh đưa tin: "Theo tin của đồng chí Lê Lựu ở đơn vị x, y, z..." mẹ tôi sung sướng lắm, cứ bảo với cả nhà thằng Lựu làm gì ngoài mặt trận mà biết nhiều chuyện thế nhỉ, được nhắc tên trên đài suốt.

Sau này khi tôi về Văn nghệ quân đội, viết tiểu thuyết "Mở rừng"... lúc đó mẹ vẫn còn, lần nào tôi về, mẹ cũng hỏi: "Phệnh ơi, dạo này mày làm gì mà tao thấy trên đài người ta không nhắc tên mày nữa". Năm 1975, tôi và anh Nguyễn Khoa Điềm là hai nhà văn trẻ đầu tiên được đi Bulgaria.

Anh trai tôi chở mẹ tôi ra tiễn ở sân bay, sau khi máy bay cất cánh, mẹ ôm lấy anh trai tôi nức nở: "Thế nó bay lên trên trời rồi hả con, nó đi mất rồi hả con?".

- Tôi nghĩ, ông là người con may mắn vì đã sớm thành đạt đủ để báo đáp ơn nghĩa sinh thành của mẹ…

- Nhắc đến chuyện này, tôi ân hận lắm. Khi mẹ tôi mất, tôi không có nhà. Tết năm 1978, tôi theo vợ lên quê vợ ăn tết cùng với bố vợ. Lẽ ra mồng 4 tôi về nhưng nhà ông chú mồng 6 cưới con, tôi quyết định ở lại để dự đám cưới. Đêm mồng 5 mẹ tôi mất, cụ gọi tên tôi mãi. Hôm sau biết tin, hai vợ chồng mượn được cái xe máy chở nhau về đến nhà thì gia đình đã chôn mẹ từ chiều rồi.

Anh trai tôi khóc bảo tôi: "Về làm gì nữa, mẹ đợi mày mãi, cả nhà đợi mày, cả làng đợi mày, đợi không được đành phải chôn mẹ vì không biết bao giờ mày về".

Cái số phận của tôi làm sao ấy. Ba năm sau, đúng vào hôm cải táng mộ cho mẹ, cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, tôi không thể về được. Lúc về đến nơi thì mộ mẹ đã cải táng xong.

- Vô tình thành ra ông là người con bạc bẽo.

- Đó là những nỗi đau khổ lớn nhất của tôi. Đúng thật, với mẹ, tôi là đứa con bạc bẽo.

- Thì tất cả chúng ta với riêng mẹ, đều là những đứa con vô ơn và bạc bẽo, những đứa con luôn có lỗi trước mẹ. Nhưng lòng mẹ bao dung luôn luôn thứ tha cho các con, vì thế các con của mẹ mới trưởng thành, nên người. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này

Dương Thục Anh (thực hiên)
.
.
.