Nhà văn Đỗ Chu: Càng viết càng thấy bơ vơ

Thứ Bảy, 01/01/2005, 07:02

Khi người ta đã quên một Đỗ Chu tài hoa và rực sáng thì lộ trình nhà văn của ông chừng như mới bắt đầu, với những Cánh đồng không có chân trời, Mảnh vườn xưa hoang vắng, Mê lộ… Năm 2004, Một loài chim trên sóng nói riêng và những đóng góp nói chung của Đỗ Chu cho nền văn học nước nhà đã được trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á.

- Thưa nhà văn Đỗ Chu, sau 40 năm cầm bút ông nghĩ gì về công việc này?

- Nghĩ thì nhiều thứ nghĩ lắm, tôi chỉ nói một kết luận nho nhỏ rút ra sau gần 3 tháng “ngồi với” tập tùy bút Tản mạn trước đèn. Càng viết càng thấy bơ vơ, càng thấy cô đơn và những đêm thức mới dài rộng yên ả làm sao. Đây là những đêm không có nhiều lắm trong một đời văn, đây là cái bơ vơ trong lúc đi tìm kiếm, cái cô đơn không hề lẻ loi của một kẻ yêu chúng bạn và gắn bó thiết tha với nghề, nó là sự cô đơn pha chút kiêu ngạo. Nhà văn rất nên có những khoảng trống bơ vơ đó, phải có nó để tự đẩy mình nhảy vào dòng xoáy của sự sáng tạo đầy bí mật, thật sự là hết sức nhọc nhằn.

Có một hình ảnh tôi “tự nhìn thấy”, rất thường hiện ra trước mắt tôi: Lấp ló đằng kia, sau những thân cây gầy guộc là một trái hồng treo lơ lửng đỏ lựng như máu, đỏ như một nhát chấm phá xuất thần của họa sĩ tài năng nào đó trong một bức tranh ấn tượng. Một chuyến về thăm quê giữa xóm nghèo trên vùng núi Lục Ngạn, tôi đã gặp chính trái hồng ấy. Sao các cháu không trẩy, tôi vừa ngắm nó vừa lơ đãng hỏi đám trẻ, mấy đứa cùng nhao nhao trả lời, quả hồng điên, quả hồng ma, chát lắm không ai ăn nổi. Nhưng đúng là nó rất đẹp, rất thảng thốt khơi gợi. Trong vẻ đẹp của nó chứa đựng nhiều bất thường, nhiều vô lý và có lý, như chính nghệ thuật vậy. Vì vẻ đẹp ấy mà những người làm nghệ thuật nói chung và nhà văn nói riêng phải vượt qua và có thể vượt qua được nhiều điều…

- Theo ông vì sao "Một loài chim trên sóng" được trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2004?

- Năm nay có 9 nhà văn từ 9 nước trong khu vực đến Bangkok nhận giải, 2 bà và 7 ông. Họ được xem là đại diện của các nền văn học có tác phẩm hay được dư luận trong nước đánh giá cao trong vòng 3 năm trở lại đây và đều đã có bề dày trong sự nghiệp sáng tác. Bề dày ở đây không có nghĩa là số trang đã viết phải nhiều, càng không phải là phải có nhiều năm vào nghề; bề dày của mỗi tác giả ở đây phải được hiểu là uy tín văn học, là những đóng góp đáng kể cho nền văn học từng đất nước.

Một loài chim trên sóng là tập truyện ngắn được NXB Văn học in năm 2002, năm 2003 nó được Hội Nhà văn trao giải thưởng cao, được dư luận đánh giá là một tác phẩm khá. Nó được chọn cùng với quá trình viết văn của tôi chăng?

- Cảm nghĩ của ông về giải thưởng? Về các đồng nghiệp trong khối ASEAN cùng được giải?

- Giải thưởng Văn học Đông Nam Á đã có từ 26 năm nay, Việt Nam mới chỉ tham gia được 8 năm kể từ ngày trở thành thành viên Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ủy ban giải thưởng này có cơ quan hoạt động ở Bangkok gồm nhiều thành viên, Hoàng thân Mom Ra Sukhumbhanparibatra làm chủ tịch. Hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn thay mặt hoàng gia trực tiếp chủ trì buổi lễ trao giải thưởng. Sang trọng và hiếu khách, đó là cảm nhận của tôi về Bangkok qua chuyến đi nhận giải.

Việc được nhận giải thưởng này đối với tôi là một vinh dự. Mặc dù là một giải thưởng có quy mô khiêm tốn nhưng với thời gian nó đã trở thành vẻ đẹp của tình hữu nghị, trở thành tiếng nói chung trong thời đại hội nhập và hợp tác toàn diện vì sự phồn vinh và bình yên cho khu vực và cho toàn thế giới.

Còn về các đồng nghiệp thì… nhà văn ở đâu cũng vậy thôi, đều “bất thường” và thú vị. Trong số 2 bà, tôi có khả năng trò chuyện được với 1, nữ sĩ Tôn Ái Linh. Bà này chừng trên 40 tuổi, viết văn xuôi, nhà văn Singapore, gốc Hoa. Cũng vì gốc Hoa của bà mà tôi nói chuyện được bằng vốn chữ Hán học hồi nhỏ, tiếng nào quên thì viết ra. Sách viết nhiều. Dạy văn học và triết học, người Hoa mấy ai không dính đến triết học? (Cười lớn, khàn khàn và rất... nghịch).

Ông Aquino Ready, nhà văn Philipines, giáo sư một trường đại học, là một nhà phê bình văn học, đồng thời cũng là một tác giả văn xuôi. Chừng 50 tuổi, là một người rất… đáng kể. Nhìn tôi, ông ta bảo: “Tao cảm thấy mày là người Phật tĩnh”. Phật tĩnh? Nghe rất phấn khởi. Trong 7 ngày gặp gỡ chúng tôi có nhiều cuộc đi chơi, đi đâu thì đi nhưng cứ hễ trưa là Aquino Ready ra gốc cây ngồi thiền.

Gustf Sakai, nhà văn Indonesia, thường lơ vơ và bỏ họp. Có các buổi họp tập trung mấy anh em, lúc người ta quây quần thì ông cứ mờ mịt và đi nhữngđâu đâu ấy, vậy là có một cô gái Thái hết sức xinh đẹp chuyên phải đi tìm nhà văn này… Gustf Sakai viết được nhiều thể loại, từ tiểu luận, truyện ngắn đến thơ, ông đều có đóng góp.

Chey Chap, nhà văn Campuchia biết rất nhiều nhà văn Việt Nam, đặc biệt mê ông Phạm Tiến Duật nhà mình. Chey Chap ăn rất khỏe và chuyện rất vui. Ông mới sang Việt Nam, có ghé chơi nhà tôi…

Trong 7 ngày sống bên nhau, tôi có nhiều dịp trò chuyện trao đổi thân ái với các nhà văn của các nước cùng tới Bangkok nhận giải thưởng lần này, mặc dù mỗi nước một ngôn ngữ, hiểu biết về tác phẩm của nhau chẳng được bao nhiêu, nhưng qua câu chuyện lại có thể hiểu nhau rất nhiều. Đối với tôi, đó là một phần thưởng vô giá.

- Xin được chia sẻ với ông điều này. Nhưng tôi cũng tò mò muốn biết một giá trị khác của giải thưởng và cái cách ông dùng nó?

- (Cười, vẫn tiếng cười lớn khàn khàn và nghịch ngợm): 70.nghìn bạt, cho con gái một nửa, công nó đi theo làm phiên dịch, còn mua rượu, thuốc lá về mời bạn bè, sau nữa thì… biếu vợ.

- Sau Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, ông dường như lại có niềm vui mới, 2.500 bản in Tản mạn trước đèn là một con số hơi nhiều so với số lượng xuất bản thường thấy ở sách văn học nước ta? Nhà nước bao cấp chăng?

- Sách dày 350 trang, in đẹp. Sau 2 tháng, bây giờ ở nhà chỉ còn mươi cuốn, tôi đã tự gánh sách đi bán và đã bán hết. Thời bao cấp qua rồi không nên làm phiền và cũng không nên trông đợi nhiều vào nhà nước trong việc này, nhưng sự ủng hộ của bạn bè gần xa, lòng quý trọng và yêu mến của đông đảo bạn đọc thì mỗi nhà văn không bao giờ được phép xem nhẹ. Tôi cũng muốn chị biết một tin vui, tôi lại sắp cho in nối bản tập tùy bút này.

- Xin chúc mừng Nhà văn và xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thật cởi mở này

Nguyễn Thị Phương Thảo
.
.
.