Nhà văn Anh hùng Chu Cẩm Phong: Sống mãi giữa bạn văn

Chủ Nhật, 18/04/2010, 21:36
Hy sinh ở chiến trường Quảng Nam ngày 1/5/1971, Chu Cẩm Phong đã để lại những trang viết có giá trị sâu sắc. "Nhật ký chiến tranh" của ông đã được trao tặng thưởng của Hội nhà văn, và chính tác giả cũng đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Vừa qua, nhà văn Chu Cẩm Phong được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những ngày tháng tư này cả nước đang hướng về một ngày trọng đại, kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, có biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Một trong rất nhiều những cái tên đã góp phần làm nên chiến thắng của đất nước là nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong.

Dường như cái tên Chu Cẩm Phong chính là cái cớ để các cựu sinh viên khóa V Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp tổ chức cuộc họp mặt trước ngày kỷ niệm 30-4. Họ, nay đều là những cán bộ về hưu, đã tóc bạc da mồi, gặp lại nhau rưng rưng xúc động. Trong ký ức của những người bạn thời sinh viên sôi nổi và lãng mạn, Chu Cẩm Phong dường như vẫn đang hiện diện với hôm nay. Ông chưa hề đi vắng trong cuộc đời này...

Khóa V, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có 48 người, nhưng cuộc họp mặt sau hơn 50 năm chỉ vỏn vẹn có 11 người, gồm có: nhà thơ Trần Nhật Lam, nguyên Trưởng ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam; PGS. TS Vũ Tuấn Anh, Trưởng ban Văn học hiện đại, Viện Văn học; TS ngôn ngữ Hoàng Thị Châu, giảng viên Trường Đại học Tổng hợp; nhà thơ Cao Đức Cẩn, Trần Thị Minh Tâm, nguyên cán bộ NXB Hà Nội; Nhà phê bình văn học Ngô Thảo, GS Lê Huy Tiêu, nhà văn Mai Quốc Liên...

Nhà văn Chu Cẩm Phong (hàng sau, thứ hai từ phải sang) và các bạn học cùng Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp.

Nhắc về những người vắng mặt và những người đã mất, những thành viên trong buổi gặp mặt đặc biệt tưởng nhớ hai người bạn là nhà thơ Nguyễn Trung Thu (tác giả bài thơ nổi tiếng "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc), và nhà văn Anh hùng Chu Cẩm Phong. Mỗi người một công việc trong đời, nhưng tất cả đều cảm thấy vô cùng tự hào vì đã từng có những năm tháng được cùng sống và học tập với những người bạn nhà văn mà tên tuổi đã đi vào lịch sử văn học.

Nhà văn Ngô Thảo xúc động kể lại: "Khi còn ở trường đại học, Trần Tiến (tên thật của nhà văn Chu Cẩm Phong) là một trong những sinh viên giỏi nhất. Trong lúc nhiều bạn bè say mê nghiên cứu văn học hiện đại thì anh lại đặc biệt thích thú với văn học cổ. Luận văn tốt nghiệp năm thứ 3 của Chu Cẩm Phong có đề tài: "Từ nhân vật Thúy Kiều của Thanh Tâm tài nhân đến Thúy Kiều của Nguyễn Du: sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ dân tộc". Đến năm thứ 4, Chu Cẩm Phong còn "chạm" vào một đề tài khó hơn, là "Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du"... Anh có một vốn liếng kiến thức về văn thơ chữ Hán thật đáng nể, nhất là đối với một thanh niên tuổi 20 lúc bấy giờ”.

“Như các bạn đã biết, Chu Cẩm Phong vốn là một học sinh miền Nam, theo cha là cán bộ chỉ huy quân sự Quảng Nam tập kết ra Bắc. Mẹ anh cũng là cán bộ cách mạng hoạt động bí mật tại thị xã Hội An trong kháng chiến chống Mỹ. Vào trường đại học, Chu Cẩm Phong luôn là một sinh viên gương mẫu. Anh được kết nạp Đảng từ khi là sinh viên năm thứ 3. Với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, anh nằm trong danh sách những người được đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhưng quê hương miền Nam, nơi có mẹ già đang chờ đợi anh còn chìm trong khói lửa, anh đã chọn con đường ra mặt trận. Khoác ba lô lên đường, Chu Cẩm Phong trở thành một nhà báo, một nhà văn chiến sĩ”.

“Tôi nhớ là trên góc đầu cuốn Nhật ký ghi chép của Chu Cẩm Phong, sau này được tìm thấy từ một sĩ quan quân đội Sài Gòn có hai câu thơ mà anh xem như một phương châm sống của mình: "Văn vô sơn thủy phi kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài" (Tạm dịch là: Văn không có sơn thủy không có được khí lạ/ Người không từng trải phong sương khó mà có tài lớn). Điều này giải thích vì sao Chu Cẩm Phong lại chọn con đường xông pha trận mạc, thực hiện nghĩa vụ công dân của một đất nước đang bị xâm lược thay vì ra nước ngoài bình yên học tập, nghiên cứu. Đời văn của Chu Cẩm Phong quá ngắn, chỉ khoảng 3 năm rưỡi, chắc chắn là chưa đủ dài để phát  lộ đầy đủ những trang chói sáng nhất. Nhưng, chỉ với những dòng nhật ký anh để lại cũng đã cho bạn đọc cùng thời, và cả bạn đọc trẻ hôm nay một khối tư liệu phong phú về cuộc chiến tranh khốc liệt mà dân tộc ta đã phải trải qua. Phải là một tài năng lớn thì những ghi chép cá nhân của anh mới vượt qua những dòng nhật ký thông thường để chứa đựng một giá trị văn học độc đáo như chúng ta đã thấy”.

“Cá nhân tôi, là một người làm nghiên cứu phê bình, và là bạn học của Chu Cẩm Phong thì ấn tượng nhất với những dòng ghi chép đề ngày 24/3/1970 của anh: "Trong hoàn cảnh chiến tranh này, mình đã nghĩ đến những gì tàn nhẫn nhất có thể đến. Nhưng cái cuối cùng ngưng tụ lại trong lòng mình, trong suy nghĩ của mình, lóng lánh, óng ả những sắc màu và ấm áp khôn cùng là hạnh phúc của tình yêu sáng ngời trong những hy sinh gian khổ". Lý tưởng ấy của một nhà văn chiến sĩ sẽ mãi như ngọn đèn thắp sáng những người còn đang sống hôm nay".

Nhà thơ Trần Nhật Lam, bồi hồi nhớ về người bạn cùng lớp Chu Cẩm Phong: "Từ những năm đầu tiên của đại học, Chu Cẩm Phong đã là một Bí thư chi đoàn của lớp, cán bộ Đoàn thanh niên của trường rất mẫu mực. Anh sống hòa đồng và khiêm nhường, đặc biệt rất say mê nghiên cứu văn học Hán Nôm. Vào chiến trường cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là một lý tưởng cao đẹp của thế hệ chúng tôi mà Chu Cẩm Phong là một tấm gương tiêu biểu. Tôi đã vô cùng xúc động khi đọc những dòng nhật ký đầy dự cảm của Chu Cẩm Phong: "Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ chừng nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương. Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống: dũng cảm, say sưa quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng hạnh phúc lắm thay!". Phương châm sống: "Dũng cảm, say sưa, quên mình" của Chu Cẩm Phong là tiêu biểu cho tư tưởng của tuổi trẻ không chỉ thời đại đã qua mà cả hôm nay. Nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong đã có mặt ở những nơi cam go, ác liệt nhất để vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa viết những trang thấm đẫm tính nhân văn...".

Bà Trần Thị Minh Tâm nhớ về người bạn Chu Cẩm Phong với những ký ức rất đẹp: "Tôi nhớ là Chu Cẩm Phong rất hiền. Anh sống gương mẫu và chừng mực và mọi người ai cũng quý mến anh. Không dễ dàng gì để có thể từ chối suất đi du học ở nước ngoài để chọn chiến trường làm nơi thử thách ý chí và lòng can đảm. Nhưng Chu Cẩm Phong đã lựa chọn con đường ấy một cách vô tư nhất. Với phương châm: "Sống là dâng hiến, là quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người", Chu Cẩm Phong đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho Tổ quốc. Những người bạn lớp chúng tôi đều rất tự hào về anh. Những trang viết mà anh để lại chính là một tài liệu sống về một thế hệ nhà văn chiến sĩ đã dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Đó là những trang viết mang tính thời đại, nó chứa đựng nét tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên, như nhận xét của nhiều người. Chu Cẩm Phong nằm xuống khi chưa kịp làm đám cưới với người bạn gái đã trao lời ước hẹn. Anh cũng không kịp về gặp mẹ của mình. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi là tôi đã thấy trào nước mắt". 

Ai đó đã từng nói rằng, người chết chỉ thực sự mất đi khi họ không còn trong ký ức của người đang sống. Nhà văn Anh hùng Chu Cẩm Phong chưa bao giờ vắng mặt với cuộc đời. Trong câu chuyện của những người bạn cùng lớp gặp lại nhau sau một nửa thế kỷ bao nhiêu thăng trầm, hình ảnh Chu Cẩm Phong vẫn còn tươi rói như tuổi 20 đẹp đẽ ngày nào. Ông trở thành niềm tự hào của những người đang sống, những người đã từng có may mắn được gần gũi ông...

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.