Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “

'Có những câu thơ tôi không hiểu vì sao mình viết được'

Thứ Hai, 22/12/2014, 09:25
Nhắc đến cái tên nhà thơ Trần Đăng Khoa, không mấy ai không biết đến “Thần đồng thơ” nổi tiếng từ khi mới 8 tuổi. Năm 10 tuổi, Trần Đăng Khoa đã có tập thơ đầu tiên “Từ góc sân nhà em”. Những câu thơ của Trần Đăng Khoa rất trong trẻo, hồn nhiên và tinh tế, mang đến cảm giác thiên nhiên, con người, tất cả mọi thứ đều thi vị và đều có thể bước vào thơ anh thật dễ dàng với góc nhìn trẻ thơ, để rồi, hiện lên vừa giản dị, gần gũi vừa rất đỗi thân thương. Gần đây, “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa bỗng “trút” bỏ các chức danh quản lý, chỉ “tròng trọc” giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy VOV, rồi tập trung cho sáng tác và “đẻ” liền mấy cuốn sách, lại còn đảm nhiệm nhiều chuyên mục cho các báo tuần. Có lẽ vì thế, chúng tôi mới may mắn có cuộc trò chuyện cùng anh, thay vì hàng chục lần hẹn vẫn không thành bởi các cuộc họp triền miên “ngáng trở”.

+ Cho đến nay, tác phẩm “Con bướm vàng” vẫn được nhiều nhà xuất bản in lại, cho thấy sức sống bền bỉ của thơ anh. Với tác phẩm đầu tay này, trong ký ức của hẳn anh còn nhiều kỷ niệm, đặc biệt là với một trí nhớ phi phàm như anh-“thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (NT TĐK): Lúc ấy tôi mới 8 tuổi. Người xấu xí, đen trũi và gầy quắt như một con nhái bén. Buổi trưa, bố mẹ đi làm vắng, tôi đang ngồi nấu cơm trong bếp gianh, thì có con bướm vàng chao qua cửa bếp, chắc đến từ vườn cải phía sau bếp. Hồi đó đang mùa cải, hoa nở vàng rực và thơm đến nao lòng. Con bướm đẹp quá. Thế là những câu thơ cứ bật ra, rất hồn nhiên: “Con bướm vàng/Con bướm vàng/Bay nhẹ nhàng/Trên bờ rào” ... Chữ cuối của cả bốn câu này đều dấu huyền, vần bằng cả. Thế là con bướm sà xuống rồi, chứ không phải bướm bay. Thế là tôi phải “bịa ra” cái bờ cỏ để làm bối cảnh không gian cho con bướm vút lên: “Con bướm vàng. Con bướm vàng. Bay nhẹ nhàng. Trên bờ cỏ. Em thích quá. Em đuổi theo. Nó vỗ cánh. Vút lên cao”... Mải mê với con bướm thơ, tôi đã để nồi cơm trương phình, nên bị mẹ mắng cho một trận: “Mày làm cái gì mà cái mặt cứ vênh lên, đần thối như mặt trâu ỉa thế kia…”. Thoát xác đến thế mà bài thơ vẫn chẳng có gì xuất sắc, nó chỉ là sự hồn nhiên, thấy gì kể đấy. Rất vớ vẩn. Đúng là nói về con bướm thật, nhưng cũng không phải chỉ có thế. Nó còn là cái gì đó, giống như tuổi thơ của chúng ta, đến rồi đi, có cố gắng đuối theo níu kéo cũng chẳng được.

+ Anh từng kể có một độc giả nhí chê bài thơ này? Chuyện đó có là thật?

NT TĐK: Thật chứ! Đó là lần tôi đến thăm nhà cô bạn học cũ. Cô bạn hãnh diện giới thiệu với cậu con trai lên 8 tuổi: "Đây là bác Khoa - nhà thơ nổi tiếng- bạn học ngày xưa của mẹ đấy”. Không ngờ, cậu bé « choang » luôn cho bác một phát búa như trời giáng: “Ai chứ bác Khoa thì con biết rồi. Bác ấy chuyên làm thơ con cóc”. Cô bạn bàng hoàng trước câu nói thật của con, và cũng ngượng với khách, vì không ngờ « niềm tự hào » của mình lại bị thảm bại như thế. Nhưng tôi lại thấy thật vui sướng : “Không phải mẹ cháu là bạn bác mà chính cháu mới đúng là bạn bác đấy. Cháu hãy nói cho bác nghe xem bác đã làm thơ con cóc như thế nào ?”. "Bác có bài thơ y hệt bài Con cóc: “Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đấy, con cóc nhảy đi”... Bài thơ của bác cũng lần lượt từ việc con bướm đến, con bướm đi... y như... con cóc vậy”.

Tôi ngỡ ngàng nhận ra, hình như cậu bé nói đúng. Sự thẳng thắn của cậu bé khiến tôi không chỉ yêu mến mà còn kính trọng. Ở tuổi cậu, tôi mới chỉ làm được những câu thơ thật thà, vụng dại. Còn cậu, đã có phát hiện và cách nghĩ riêng táo bạo, đầy cá tính. Tất nhiên, cậu bé không biết, khi con cóc đã có đôi cánh của con bướm thì con cóc cũng không còn là con cóc nữa rồi...

+ 10 tuổi, anh đã có tập thơ đầu tay mang tên “Từ góc sân nhà em” với những bài thơ giàu cảm xúc và những ý tưởng rất tinh tế. Điều gì đã mang lại cho anh nhiều cảm hứng thơ khi mới ở lứa tuổi trẻ con đến như thế?

NT TĐK: Có cả sự tác động của thực tế và sách vở. Ngày bé, gia đình tôi rất nghèo, nhưng anh trai tôi-Trần Nhuận Minh, đi dạy học mãi ở Quảng Ninh nhưng lại có hẳn một tủ sách rất to ở nhà. Chìa khóa, anh ấy bí mật nhét trong bức tượng M. Gorki đặt trên nóc tủ, nên tôi mò vào đọc trộm, toàn đọc sách cấm. Mà sao hồi ấy có lắm sách cấm thế. Đầy cả một ngăn. Có cuốn bác ấy còn ghi : « Đài báo nói đây là sách đọc hại ». Vì sách độc hại nên tôi mới tò mò đọc. Hay vô cùng. « Thơ mới ». « Thi nhân Việt Nam », « Truyện núi đồi và thảo nguyên », « Số đỏ » của Vũ Trọng Phụng. Lúc tôi bắt đầu làm thơ, vị sư ở chùa Làng là Thích Thanh Tịnh rất thích. Đi cúng ở đâu về, ông cũng tạt qua, cho tôi chuối, oản. Ông còn cho tôi cái tủ đựng sách, vốn là cái tủ treo vẫn dùng đựng kinh. Ông còn giúp tôi rất nhiều khi tôi viết trường ca “Trừng phạt”, dựng cả một thế giới âm ty, địa ngục. Ông còn khuyên tôi đi tu. Nếu tu, tôi còn viết hay hơn nữa.

+ Trong những bài thơ đã có, tác phẩm nào anh cảm thấy tâm đắc nhất?

NT TĐK:  Tâm đắc thì chả biết thế nào. Mỗi bài gắn với một kỷ niệm. Nó cũng như con mình. Dù xinh đẹp hay sài đẹn, khuyết tật gì thì nó cũng vẫn là con mình, do mình vắt ruột đẻ ra. Nhưng có một bài, tôi thấy bây giờ, tôi không thể viết lại được. Tôi cũng không hiểu tại sao ngày xưa, mình còn ú ớ vịt giời, mà lại viết được nó. Đó là bài  “Trăng sáng sân nhà em”. Bài thơ chẳng có cái quái gì, chỉ có mấy câu, cứ lặp đi lặp lại, rất vớ vẩn, nhưng rất khó viết. Khó viết bởi nó chẳng có gì, lại rất vớ vẩn. Đã thế còn lặp đi lặp lại. Rất khó viết. Thế mà tôi viết được. Không hiểu vì sao… +Là một nhà thơ nổi tiếng từ rất sớm, theo anh, thành công của người cầm bút là do tài năng hay may mắn?

NT TĐK: Tôi cho là cả 2. Văn chương lạ lắm. Có những người có tài năng bẩm sinh, nhưng nếu không tự nuôi dưỡng, rèn luyện, đào tạo, bồi đắp sẽ tự mòn đi và rồi bỏ cuộc. Vì thế, nhiều “thần đồng” thơ đã không còn phát triển. Cùng thời với tôi, còn có các “thần đồng thơ” như Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Đoàn Mai Thanh, Cẩm Thơ, Chu Hồng Quý vv…Trong cả một dàn thế hệ vàng các nhà thơ “nhí” ấy, Hoàng Hiếu Nhân là tài nhất. Nhân viết rất ít, chỉ 7 bài thôi. Bài nào cũng tài. Trong các nhà thơ ấy, tôi chưa từng gặp Hoàng Hiếu Nhân và Nguyễn Hồng Kiên. Tôi rất muốn gặp họ, cũng muốn nói với họ rằng, trong cái đám lau nhau chúng ta hồi đó, các bạn rất có tài, hãy quay lại với văn học đi, vì các bạn thực sự có tài. Tài năng thời nào cũng rất hiếm.

+ Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Các tác phẩm chính của Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa gồm: tập thơ “Góc sân và khoảng trời” (đã tái bản khoảng trên 100 lần, được dịch sang nhiều thứ tiếng); trường ca “Khúc hát người anh hùng”; « Trường ca Trừng phạ »t, tập thơ “Bên cửa sổ máy bay; tiểu luận phê bình “Chân dung và đối thoại”; tập truyện - ký “Đảo chìm” (tái bản 25 lần). « Người thường gặp » Anh vừa xuất bản tuyển tập thơ văn “Trường Sa” và đàm thoại văn học “Hầu chuyện thượng đế”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ba lần được tặng giải nhất  thơ của báo Thiếu niên Tiền phong, Giải nhất Thơ báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước (năm 2000). Giải thưởng Sủn Thon phu - Thái Lan năm 2013.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.