Nhà thơ Thợ Rèn: 50 năm "Chuyện lớn... Chuyện nhỏ..."

Thứ Sáu, 09/06/2006, 08:30

Nhà thơ Thợ Rèn, một tên tuổi quá quen biết đối với nhiều bạn đọc yêu chuộng thơ trào phúng, châm biếm. Ông thuộc số rất ít những nhà thơ trào phúng cao tuổi nhất hiện nay.

Nhà thơ Thợ Rèn có tên khai sinh là Phạm Văn Huyến. Ông còn có các bút danh: Dương Cung (dành cho mục “Mũi tên nhọn”) và Phạm Lê Văn (dành cho thơ văn trữ tình). Ông sinh ngày 1 tháng 5 năm 1923 tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là con út một nhà nho không thành đạt. Bỏ khoa thi chữ Hán, thân phụ ông chuyển sang học Quốc ngữ và tiếng Pháp. Từ năm lên năm tuổi, Thợ Rèn theo bố đi học, ông say mê tham dự các buổi bình văn. Ông học đại học rồi bỏ dở. Năm 1944, ông vào Thanh niên cứu quốc, tham gia phong trào sinh viên, học sinh.

Thời kháng chiến 9 năm chống Pháp ông làm Trưởng ban Công tác chính trị Tỉnh đội Thái Bình đến tháng 1 năm 1953. Chính vào những tháng năm này, sống với nông dân, tập làm ca dao, hò vè và văn xuôi ngắn nhằm tuyên truyền, kêu gọi quần chúng chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Từ tuần lễ Vàng, phong trào tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, ông làm vè, viết kịch bản.

Từ năm 1954, nhà thơ Thợ Rèn công tác ở báo Nhân Dân và góp phần chính khai mở và duy trì mục “Chuyện lớn... Chuyện nhỏ...”. Là một chuyên mục đặc biệt, đăng mỗi kỳ báo hằng ngày một bài thơ phê bình, “Chuyện lớn... Chuyện nhỏ...” tồn tại trên báo Nhân Dân đã hơn năm mươi năm. Với tư cách vừa là nhà báo, vừa là nhà thơ, Thợ Rèn viết cho mục này là chủ yếu và chính “Chuyện lớn... Chuyện nhỏ...” đã làm nên tên tuổi ông. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ khoá đầu tiên, năm 1957.

Nhà thơ Thợ Rèn (giữa) và hai nhà văn Kim Lân (trái) và Văn Linh.

Sau hơn 50 năm sáng tác, ngoài hơn ba nghìn bài thơ trào phúng, châm biếm và ca dao, khoảng 50 tiểu phẩm văn xuôi đăng báo, nhà thơ Thợ Rèn còn  có bốn tập thơ đứng tên riêng.

Nhà thơ Thợ Rèn ít phát biểu quan niệm nghề nghiệp. Trong bài tham luận tại Đại hội Nhà văn lần thứ nhất, ông cho rằng: “Làm thơ châm biếm trong nội bộ nhân dân tức là phê bình và tự phê bình bằng phương pháp nghệ thuật. Đã là phương pháp nghệ thuật thì người viết phải luyện nghề, không ngừng nâng cao chất lượng thành phẩm của mình. Cái thành phẩm nghệ thuật của “chất xám” có khác với sự khéo léo thông thường của nghề thủ công. Nó là sản phẩm tâm hồn, trí tuệ, tình yêu, niềm ước mơ và hy vọng, đạo lý làm người và mục đích đi đến.

Viết thế nào đây cho tuyệt đại đa số người đọc đồng tình: người ấy, sự ấy, việc ấy nêu lên là phải; người viết quả là có thiện chí; chê bai, chế giễu đôi khi tức giận nhưng không vùi dập, ác ý. Với kiểu nghệ thuật ấy, nó tất mang cái tính Việt Nam, cái hồn Việt Nam, cái cách Việt Nam ta. Cho nên đọc một số bài thơ đả kích của nước ngoài tôi đều cảm thấy có cái gì chưa thật phù hợp với Việt Nam mình”.

Ông bà Phạm Văn Huyến (Thợ Rèn) cùng các con (ảnh chụp cách nay khoảng 40 năm)

Cách sống, lý trí và vốn trải nghiệm của Thợ Rèn có vẻ như thiên về chất lịch lãm, tài hoa của lớp người Tây học. Tuy nhiên, tâm hồn, xúc cảm của ông thể hiện trong sáng tác lại dường như thấm nhuyễn tinh thần dân tộc và phương Đông. Cái hóm ở thơ ông đậm trữ tình, nhuốm phong vị dân gian, gợi nhớ đến truyện nôm khuyết danh, Truyện Kiều, thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương. Ca dao của Phạm Lê Văn mượt mà, duyên dáng, uyển chuyển, đẩy đưa, rất đồng quê, phảng phất chất Nguyễn Bính

.
.
.