Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Khổ đau không ủ rũ

Chủ Nhật, 22/06/2008, 10:46
Có hai lý do để tôi gọi Đoàn Ngọc Thu trong ngày 21-6. Một là đang Euro, chị đang trở thành cây bút bình luận quen thuộc trên báo, có nhiều fans từ thơ và bóng đá. Hai là chị đang trở thành "của hiếm" vì là một trong những phóng viên nữ đầu tiên theo dõi và viết sắc sảo về công nghệ thông tin của Thông tấn xã Việt Nam. Đời người đàn bà làm vợ, làm mẹ, làm báo và làm thơ… biết bao biến động, biết bao khổ đau, nhưng Đoàn Ngọc Thu chưa một lần ủ rũ…

- Thức đêm xem bóng đá, viết bài về bóng đá nhưng thấy chị vẫn… tươi quá, có vẻ như ngày tháng này là hạnh phúc nhất với chị?

- Tôi cũng không rõ nữa. Nhưng đúng là mùa Euro 2008 thật nhiều say đắm, thật lắm bất ngờ. Tôi đã không còn ngại ngần hay mệt mỏi, không hề cảm thấy buồn ngủ như những mùa trước. Cũng có thể mình đã không bị phân tâm nhiều vì những chuyện đang phải nghĩ suy bế tắc. Mình chỉ có trái bóng là niềm đam mê lớn.

Những năm trước, như mùa bóng 2006 chẳng hạn, tôi xem trong trạng thái thật là buồn ngủ, và luôn bất an vì điều gì đó trong cuộc sống. Đến cơ quan là mình vật vờ chứ, thế mà đồng nghiệp bảo: "Trông chị thật mơ màng". Với lại có thể bây giờ tôi… lớn tuổi rồi, giấc ngủ nó ngắn lại và ít đi…

- Một bà mẹ có con nhỏ, lại mê bóng đá, thời gian nào dành cho con, thời gian nào cho các cầu thủ?

- Tôi có ba đứa con. Thằng lớn 18 tuổi, nó đi học nước ngoài mất rồi, chứ mọi năm hai mẹ con hay xem với nhau, nó mê Italia, còn tôi mê Đức, hai mẹ con tranh luận cứ loạn cả lên. Cậu thứ hai 13 tuổi, nó chả mê bóng đá, học xong chơi game là đi ngủ. Còn em bé mới sinh được vài tháng, đêm em ý ngủ say lắm, cho nên mẹ cứ thoải mái mà xem, thoải mái gõ máy tính, thoải mái nhắn tin cho… đồng đội. Sáng ra thì lại là mẹ thôi, thay tã, bú mớm, rồi chạy lên cơ quan. Nói chung, vẫn bình thường như mọi ngày…

- Lại nói đến đội Đức, chị mê họ vì điều gì?

- Vì lịch sử. Và vì sự tấn công kiên cường của họ. Đồng nghiệp của tôi bảo, chị mê Đức làm gì, đá nhạt nhẽo lắm, sao không mê Italia đi. Tôi bảo, nếu nói như em thì phụ nữ là giống loài hư hỏng. Em đã yêu một cô gái rồi, mà cô ấy chẳng may tai nạn sứt môi hay là đại loại hình dáng không đẹp như trước nữa, là em bỏ đi hay hết yêu sao?

Tôi không thế. Đã yêu ai là yêu đến tận cùng. Hơi cực đoan đấy, nhưng bóng đá là cái gì nếu không phải là sự tụ họp của cảm xúc con người?

- Vậy với chị, đội tuyển Đức là "người tình số một"? Và họ sẽ là những nhà vô địch trong lòng chị?

- Đúng vậy. Đức hiện giờ không phải là đội mạnh nhất mà tôi vẫn có niềm tin vững vàng lắm đấy. Có thể họ vô địch lắm chứ.

- Chị có thể dự đoán một chút về trận đấu đêm chủ nhật, Italia và Tây Ban Nha?

- Người Italia mạnh hơn nhiều. Tôi nói bằng phân tích của mình chứ không phải vì các cầu thủ Italia đẹp trai đâu. Tôi nói chuyện này, vui thôi, nhưng tôi luôn là người dự đoán đúng. Rất nhiều bạn bè hay hỏi tôi về tỷ số. Nhưng trò tôi ghét nhất là cá cược. Có nhiều gia đình đã tan vỡ vì cờ bạc. Tôi là người thấu hiểu rõ điều này.

- Quay trở lại với nghề báo, chị là phụ nữ, lại là nữ nhà thơ, sao lại chọn toàn mảng kinh tế, công nghệ thông tin hay thể thao, những lĩnh vực của đàn ông?

- Đó là do số phận. Thời sinh viên văn khoa, mơ ước lớn nhất của tôi là trở thành cô giáo, nhưng không được. Thế là đi làm báo. Rồi cơ quan phân công làm mảng kinh tế. Khi phân công tôi làm mảng công nghệ thông tin, tôi òa khóc. Tôi có biết cái gì đâu.

Tôi đã nghĩ mình nên bỏ nghề vì chỉ cần đọc những thuật ngữ viễn thông thôi, tôi đã thấy toát mồ hôi. Nhưng không còn con đường nào khác, mình không được quyền thất nghiệp, phải sống và nuôi con mình. Tôi lọ mọ đi học, đi đọc, rồi tự mày mò mà thành. Về cơ bản tôi đã làm việc tay phải với chuyên môn của người tay trái.

- Làm thơ là công việc mang nhiều cảm tính. Làm báo, mảng đề tài của chị là số liệu và lý tính. Chúng có bao giờ "đánh nhau" trong đầu chị?

- Viết báo khi làm thơ ư? Làm gì có ai hâm đến thế. Còn làm thơ khi viết báo? Có. Có những khoảnh khắc, những chi tiết trong bài báo, mình đã chắt lọc được thành thơ. Nhưng hiếm hoi lắm. Bây giờ là thời buổi chuyên môn hóa, bạn làm gì cũng được nhưng bạn phải làm trọn vẹn nhiệm vụ của mình.

Tôi làm báo về công nghệ thông tin, nhưng tôi không chạy theo các sự kiện bề nổi. Tôi không tính toán theo số học. Tôi muốn nhìn từ cội rễ và từ đó vạch được một lằn ranh cho riêng mình. Ví dụ, người ta sẽ đi vào các scandal, những bất cập hay những sự kiện nổi bật. Tôi cũng sẽ tìm hiểu về những điều đó, nhưng tôi sẽ không đưa tin đơn thuần.

Tôi muốn hiểu vì sao những điều đó xảy ra, vì sao những cơ hội đó lại đến và vì sao chúng ta lại có được những điều đó hay chúng ta lại phải đối mặt với những thách thức.

Có lẽ vì những điều đó mà những người làm công nghệ thông tin quý mến tôi. Và có lẽ cũng vì thế mà tôi hiểu, thơ ca giúp tôi rất nhiều trong việc làm báo, nó không ảnh hưởng đến công việc của tôi.

- Chị có làm thơ về bóng đá hay về… máy tính không?

- Tôi chịu. Tôi chỉ làm thơ tình. Đàn bà có gì thạo bằng yêu đâu, làm thơ tình cho người ta đọc, nó dễ chịu hơn.

- Vậy có điểm gì chung giữa bóng đá và thơ không?

- Có. Đó là hai thứ cần cảm xúc ở mức tối đa. Người ta nhận ra ngay những bài thơ xếp chữ vô hồn. Và người ta sẽ phỉ báng những trận đấu được dàn dựng vì lợi lộc tiền bạc.

- Có điều gì đó mang tính… hai mặt trong chị. Một phụ nữ hồn nhiên nói cười. Và một người đàn bà đầy đau khổ. Nhưng tất cả được giấu giếm trong sự tự tin hiếm thấy. Điều gì tạo nên sức hút ấy?

- Ngày mai tôi sẽ chuyển sang mảng báo điện tử, sẽ không làm báo viết nữa. Cô đồng nghiệp bảo, thế là từ nay không được nghe chị cười giòn tan nữa rồi. Tôi là thế. Tôi ít khóc và không ủ rũ, bởi có ủ rũ thì đau khổ cũng có hết được đâu. Vậy thì xếp lại, tĩnh tâm giải quyết từng thứ một. Vui vẻ nó giúp mình rất nhiều, có thêm sức lực và cả… sắc đẹp nữa.

Ai cũng nói tôi là người đi trên dây. Những người đọc tinh tế, họ đọc trong những bài khô khan nhất cũng nhận ra sự chông chênh ấy. Và họ nhắn tin, họ chia sẻ. Tôi có nhiều bạn nhờ viết về công nghệ thông tin và bóng đá, chứ không phải vì tôi là nhà thơ.

- Chị giờ đây có mọi thứ, công việc tốt, bạn bè tốt, có những đứa con ngoan và đêm đến có cả người đàn ông cùng thức xem bóng đá với mình. Chị có thấy quá thừa tiêu chuẩn của hạnh phúc không?

- Hạnh phúc là cái gì đó thật mù mờ. Tôi không muốn kể lại những sóng gió trong đời mình. Nhưng đúng là bây giờ tôi có nhiều thứ thật. Nhưng làm sao nói với người khác những đổ vỡ trong lòng mình. Làm sao nói được mình đã thất vọng ra sao về ai đó. Và làm sao ai biết được mình đã buồn ra sao. Tôi nghĩ là thôi, cứ sống và yêu, còn chuyện đời mình cứ phó thác cho ông trời lo giúp. Như vậy mới cười tươi được…

- Cảm ơn chị!

Toàn Nguyễn (thực hiện)
.
.
.