Nhà thơ 86 tuổi từng là cán bộ giao liên

Chủ Nhật, 06/03/2011, 15:04
Năm nay tròn 86 tuổi, việc đi lại đã khó khăn, nhưng sức làm việc của nhà thơ Văn Công (tức Cao Xuân Thiêm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nguyên quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) vẫn thật đáng nể. Ông vừa xuất bản cuốn "Các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên" - cuốn sách thứ 15 trong sự nghiệp cầm bút của một người vẫn xem văn chương là nghề tay trái.

Ở tuổi 86, nhà thơ Văn Công vẫn không ngừng sáng tác về đề tài kháng chiến.

Trong câu chuyện với chúng tôi,  nhà thơ Văn Công xa xăm: "Một trong những kỷ niệm lớn nhất của đời tôi là làm cán bộ giao liên trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng ở miền Nam". Và với chất giọng xứ Nghệ nằng nặng, ông đưa chúng tôi trở về  những ngày gian khó nhưng hào hùng ấy.

Nhiệm vụ đột xuất

Sau hiệp định Geneve, ông được lệnh ra Diêu Trì (Bình Định) để tập kết ra Bắc. Khỏi phải nói khi đó ông vui như thế nào. Vậy là đã tròn 8 năm, kể từ ngày có mặt trong đoàn quân Nam Tiến vào chiến đấu ở chiến trường Phú Yên, gắn bó với miền Tây của tỉnh, ông sắp được về thăm lại vùng đất Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An quê ông - vùng đất nghèo mà hiếu học, nơi có đền Cuông nổi tiếng, thờ An Dương Vương. Thế nhưng, có một sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời ông.

Cuối tháng 11/1954, Khu ủy Khu 5 tổ chức cuộc họp ngắn ngày tại Diêu Trì do đồng chí Võ Chí Công, đại diện Khu uỷ trực tiếp chủ trì. Lúc này, do địch khủng bố quá dữ, người đứng đầu Tỉnh uỷ Phú Yên lúc đó là đồng chí Lê Đài, Phó Bí thư Tỉnh ủy và một số đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đang tạm lánh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy cuộc họp phải chậm lại mấy hôm.

Trong lúc loay hoay chưa tìm được người vào chuyển lệnh và dẫn đường cho đồng chí Lê Đài, thì có đồng chí chợt nhớ đến ông - người đội trưởng vũ trang công tác 250, rất thông thạo địa hình miền Tây tỉnh Phú Yên. Vậy là ông được lệnh quay trở lại Phú Yên gấp.

Hơn 10 ngày soi đường, băng rừng, lội suối, cuối cùng ông cũng hoàn thành nhiệm vụ của một giao liên, đưa đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và một số cán bộ lãnh đạo bị lạc trên núi ra vùng tập kết an toàn. Sau thành tích ấy của ông, Tỉnh ủy Phú Yên thấy rằng, trong tình hình hiện nay, công tác giao liên vô cùng quan trọng, nên đã quyết định giữ ông ở lại làm cán bộ giao liên chuyên trách đường dây bí mật từ Phú Yên ra đường dây Khu 5 và các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai. Ông nói, nhìn chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ tập kết ra Bắc, lòng ông không khỏi bâng khuâng, nhất là trên tàu có mang theo lá thư ông gửi  người con gái mà dự định ra Bắc lần này sẽ làm lễ cưới.

Những con đường dài theo đất nước

Suốt 6 năm phụ trách đường dây bí mật (từ 1954-1960), để thuận lợi công tác, ông đã để tóc dài, quấn khố, lấy tên là Ma Pốp, Ma Xí, Ma Xong, thực sự sống cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Ông không nhớ mình đã đi qua bao cung đường, bao cây số. Chỉ nhớ rằng từ trạm Ma Dú ở căn cứ Thồ Lồ, huyện Đồng Xuân về Tỉnh ủy, ra đầu mối đường dây liên khu cả đi và về mỗi chuyến mất 6 ngày. Mỗi tháng ông đi 3 chuyến.

Giữa núi rừng âm u, với một chiếc gùi, tấm ni lông, chiếc võng vải, hộp quẹt, sống nhờ cơ sở, nhờ củ rừng, rau rừng, nước suối, ông đã bền bỉ soi đường, bám đường, kịp thời chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ từ khu vào, từ tỉnh ra. Ông cũng không nhớ đã bao lần giáp địch, bao lần đối mặt với cái chết. Có những lần, mà đến bây giờ kể lại với tôi, ông vẫn không tin vì sao mình vẫn còn sống.

Đầu tháng 1/1956, trong một chuyến công tác, Ma Tư - một đồng chí trong đường dây giao liên - rủ ông về nhà mình ở buôn Ma Ngoe, thuộc căn cứ Thồ Lồ ngủ lại. Không ngờ, một đại đội địch từ Vân Canh (Bình Định) xuyên rừng trong đêm, đi thẳng vào buôn. Địch đã đến rất sát, không thể thoát ra ngoài, nhưng nếu ở lại trong nhà sẽ bị bắt và cả buôn sẽ bị đốt, bị tàn sát. Trong lúc nguy cấp, cô con gái đầu lòng của Ma Tư là H'Ngoe mới 20 tuổi, vừa mới "bắt" chồng, nảy ra sáng kiến: "Ma Pốp với tui phải làm giả vợ chồng mới thoát được!". Vừa nói cô vừa ấn mạnh ông xuống sàn. Bọn lính lên cầu thang, rọi đèn pin, thấy "đôi vợ chồng" đang ôm nhau ngủ say, không nghi ngờ gì bèn sang sục sạo nhà khác.

Một lần khác, vào mùa lũ, nước sông dâng cuồn cuộn, ông lần theo sợi dây rừng sang bờ bên kia. Không may, sợi dây bị đứt, cuốn ông trôi theo dòng nước. Ông không nhớ là bị cuốn đi bao xa, chỉ biết khi tỉnh dậy thì đã nằm trong một lùm cây ven bờ. Rất may là tài liệu mang theo không hề hấn gì.

Lại một lần khác, trong khi soi rừng, vô tình ông dính băng cung (bẫy thú rừng của đồng bào dân tộc thiểu số). Mũi lao làm bằng gỗ cứng bật khỏi cung, cắm thẳng vào ông. Rất may là nó cắm phải chiếc cà mèn ông mang bên hông. Thật hú vía!

Tri ân đồng đội

Trong hệ thống tổng, trạm, tổ giao liên ban đầu và ngành giao bưu của Phú Yên sau này, đã có hàng trăm chiến sỹ mãi mãi nằm lại với đại ngàn. Ngay ở trạm Ma Dú - Ma Choi do ông phụ trách cũng có người hi sinh. Họ hy sinh để giữ vững con đường kiên trung, bất khuất, con đường giao liên huyền thoại.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù ở cương vị nào: Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch UBND tỉnh, hay đã về hưu, hễ có dịp là ông lại về với vùng căn cứ Thồ Lồ - Phú Mỡ. Ông nói: "Về để nhớ lại một thủa giao liên, thăm lại núi rừng, thăm lại đồng bào, soi vào đó mà giữ vững lòng mình, phấn đấu không ngừng vì dân, vì Đảng".

Ông sống một cuộc đời giản dị mà thanh thản. Sau khi chia tách tỉnh Phú Khánh, ông trả nhà ở TP Nha Trang, về lại Phú Yên. Có vị lãnh đạo gợi ý cấp lại ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng lúc đó cho ông, nhưng ông từ chối.

Trong số những tác phẩm của ông đã xuất bản, miền Tây Phú Yên luôn là đề tài chủ đạo. Theo đề xuất của ông và một số đồng chí, tỉnh Phú Yên đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ma Tư (tức Ma Ngoe) -  một già làng kiên trung, người bạn chiến đấu của ông.

Ông đọc tôi nghe bài thơ "Đường bí mật" mà ông làm từ năm 1959. Bài thơ có đoạn: Đường nối liền hai miền Nam Bắc/ Ta với đường gắn bó đến hôm nay/ Nét ưu tư năm tháng dạn dày/ Bình minh mọc đường trải dài mở rộng/ Con đường cho ta niềm tin, sức sống.

Con đường năm xưa vẫn tiếp tục truyền sức sống cho ông hôm nay

Phan Xuân Luật
.
.
.