Nhà thơ - Danh và Thực

Chủ Nhật, 20/07/2008, 21:50
Khoảng mười năm trước, khi Nguyễn Duy lần đầu tiên tổ chức triển lãm thơ trên phố Hàng Bài có rất nhiều người đến xem. Xem rồi, người thì thích thú, người thì lắc đầu và tủm tỉm cười. Thậm chí có người nói với tôi rằng Nguyễn Duy triển lãm là để bán thơ.

Tôi không biết Nguyễn Duy có bán được nhiều hay không, song bằng vào quan sát của tôi tại triển lãm, thì anh lại tặng nhiều hơn bán. Nằm trong số những người thích thú, tôi tỉ mẩn đọc hết mọi câu thơ, ngó nghiêng tất cả thúng mủng giần sàng, và tôi nhận ra Nguyễn Duy chơi thơ hơn là… làm kinh tế.

Ý tưởng độc đáo cộng với đặc sản lục bát Nguyễn Duy kết hợp với nhau đã làm nên điều không thể lặp lại ở người khác, nếu có, thì chỉ lặp lại ở chính Nguyễn Duy mà thôi. (Nói đến đặc sản của Nguyễn Duy, tôi nghĩ chắc nhiều người không biết anh còn một đặc sản khác, không kém độc đáo.

Chẳng là một lần đi cùng vào Thanh Hóa, anh đưa chúng tôi đến nhà hàng của em gái anh. Tính vốn háu đói và hay tò mò, tôi không ngồi uống nước cùng mọi người mà lỉnh vào bếp. Vào trong bếp, tôi trố mắt nhìn một chiếc thớt gỗ nghiến đường kính cỡ một mét, dày quãng gang tay đứng bệ vệ trên chiếc giá sắt to tướng, lại có bốn anh chị đang đứng bốn góc chiếc thớt và băm chặt thoải mái.

Sau hỏi mới biết chính Nguyễn Duy đã sắm chiếc thớt này cho nhà hàng. Lại nghĩ, nếu trên đời có một "giấc mơ hình chiếc thớt" thì có lẽ đó mới là chiếc thớt xứng đáng với một giấc mơ!).

Thành công của triển lãm thơ Nguyễn Duy, ngoài ý tưởng độc đáo, còn được bảo đảm bởi tiếng tăm của một nhà thơ thành danh. Ai đó có suy nghĩ như thế nào thì vẫn không thể phủ nhận Nguyễn Duy là nhà thơ tài năng, và mấy chục năm qua anh đã có công chúng của mình, họ thuộc thơ anh và chờ đợi ở anh những sáng tạo mới.

Ngày còn học cấp III ở nơi sơ tán, tôi biết Nguyễn Duy qua Bầu trời vuông. Sau năm 1975 từ đơn vị về nhà, qua Trường Đại học Tổng hợp, anh bạn cùng đi chỉ cho tôi mấy anh bộ đội đang đứng phì phèo thuốc lá cạnh cổng và bảo: "Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm đấy!".

Tôi kính trọng nhìn các anh rồi quay sang nể ông bạn, không hiểu tại sao hắn có thể nhận ra. Hỏi thì hắn nói là đã xem ảnh trên báo, thế thì thua hắn thật. Còn bây giờ thì hắn lại nể tôi, vì thấy tôi quen Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Duy. Cuộc đời oái oăm thế đấy!

Thời tôi lớn lên, thơ văn là món ăn tinh thần hàng ngày. Tôi cũng hí hoáy làm thơ, nhưng bị anh trai chê dở nên không làm nữa. Nhưng, nhất là từ thời vào quân đội, tên tuổi của nhiều nhà thơ đã in dấu rất sâu đậm vào tâm trí tôi, cùng vui cùng buồn.

Ngày ấy sổ tay của anh lính nào cũng chép thơ, trang nhất thường được bắt đầu bằng hai câu "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - Mặt trời chân lý chiếu qua tim". Nhiều bài thơ được chủ nhân tỷ mẩn trang trí hoa văn xanh đỏ tím vàng tùy theo sở thích và hoa tay của mỗi người. Anh nào chép được bài thơ "tiền chiến" thì dấm dúi đọc, chỉ sợ bị phát hiện. Nhưng thơ của các anh chị đã và đang mặc áo lính là chúng tôi hâm mộ nhất.

Tôi nghĩ, có được điều đó vì nỗi niềm trong thơ của các anh chị đã không còn là nỗi niềm riêng tư, nó gặp gỡ với nỗi niềm của nhiều người. Trưởng thành từ nơi chiến trận và làm thơ, các anh chị không chiều theo thị hiếu của người đọc nào, cũng chẳng làm thơ để chứng tỏ bản thân là ai. Từ giây phút chờ súng nổ, từ những tháng ngày đói rét giữa đại ngàn Trường Sơn, từ những đêm khắc khoải nhớ thương người mẹ già ở nơi quê nhà,… các anh chị đã làm thơ vì đồng đội, vì những người thân yêu trong ngày xa cách. Và bạn đọc đã tìm thấy từ thơ của các anh chị sự cộng cảm tinh thần.

Những vần thơ của một thời đã có vị trí của nó, đã trở thành tài sản tinh thần của nhiều thế hệ, đó là sự thật không thể phủ nhận, dù hôm nay có người cho rằng nền thơ ấy đã cũ, đã hết thời. Tại Đại hội thi đua Quyết thắng của Tổng cục Xây dựng kinh tế tổ chức vào mùa thu năm 1977 tại Thậm Thình (Phú Thọ), tôi gặp anh Phạm Tiến Duật khi cùng tắm bên cái giếng nước đá ong dưới chân đồi.

Lúc ấy tôi đâu biết anh là Phạm Tiến Duật, dù đã thuộc lòng Tiểu đội xe không kính của anh. Mấy anh em đùa nghịch, nói cười ầm ĩ. Tắm xong lại tới ngồi cạnh mấy bụi sim, vừa cuốn thuốc lá sợi vừa nói đủ chuyện dưới biển trên trời.

Đến tối anh Phạm Tiến Duật lên sân khấu đọc thơ, tôi mới biết đó là ông anh đã tào lao với mình suốt buổi chiều. Sáng hôm sau tôi đến nhà khách tìm Phạm Tiến Duật, đề nghị anh chép tặng cho một bài thơ. Anh Duật chép ngay. Bài thơ này tôi giữ suốt mấy năm trời, tới khi lên biên giới Lạng Sơn thì không biết tại sao lại mất.

Ấy là trong những ngày tôi và đồng đội nằm hầm, đi giày vải há mõm, hai đứa chung nhau một chiếc áo bông, đứa mặc buổi sáng đứa mặc buổi chiều, ăn cơm độn sắn khô chan với canh nấu bằng sắn tươi. Rồi đêm đêm lại rì rầm kể với nhau về các ước mơ, mà ước mơ khi đó thường chỉ là được ăn một bữa thịt no nê và mong sớm có ngày trở về Hà Nội để tiếp tục học hành…

Nhắc đến các nhà thơ mặc áo lính, tôi nhớ một lần nhà thơ Vương Trọng kể với tôi là sau ngày anh công bố bài thơ Hai chị em, có đôi vợ chồng dắt theo cậu con trai đến tận nhà để cảm ơn anh. Anh chị đã định chia tay, nhưng vì đọc bài thơ của Vương Trọng, họ thấy không thể để đứa con bị rơi vào tình cảnh của "hai chị em", nên quyết định không ly hôn nữa.

Nhà thơ cảm động lắm, vì thấy thơ mình có ý nghĩa cho đời. Còn cảm động hơn là hơn 20 năm sau, đứa trẻ ngày ấy đã thành một anh phóng viên, hôm mới rồi vừa đến phỏng vấn Vương Trọng. Chuyện chỉ có thế thì chẳng sao, đằng này tôi lại tò mò hỏi bố mẹ anh phóng viên, dè đâu đó lại là người tôi biết, tôi ngứa mồm nói luôn: "Mấy năm sau họ lại chia tay nhau rồi bác ạ!".

Vương Trọng buồn, còn tôi thì ân hận vì đã làm suy giảm niềm vui của anh. Kể chuyện này để biết, chứ Vương Trọng là người tôi rất kính trọng. Anh là người có tài thơ, nhân cách đàng hoàng, lại hóm hỉnh, trí nhớ tuyệt vời. Say mê Truyện Kiều, Vương Trọng là một người hiếm hoi thuộc lòng cả Truyền Kiều, hỏi câu nào trả lời câu ấy, thậm chí anh có thể đọc Truyện Kiều ngược từ dưới lên trên!

Nếu cần ví dụ về ý nghĩa xã hội của thơ, thì tôi xin nói rằng chỉ với hai bài Bên mộ cụ Nguyễn Du và Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc, Vương Trọng đã làm được hai việc hữu ích cho văn hóa nước nhà. Ngày nay, đến chân núi Trọ Voi viếng mộ các chị liệt sĩ thanh niên xung phong, mọi người đều đem theo gương, lược, cặp tóc, chùm bồ kết để thắp hương các chị.

Liệu có mấy ai biết mỹ tục ấy đã ra đời từ những câu thơ: "Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang..." của Vương Trọng. Năm nọ, bài thơ Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc đã được khắc trên bia đá dựng ở nghĩa trang liệt sĩ nơi Ngã ba Đồng Lộc, thử hỏi mấy thi sĩ nước Nam có được vinh dự như nhà thơ Vương Trọng, và người làm thơ còn mong điều gì hơn?   

Còn bây giờ thì nhiều khi tôi rất ngại gặp một số nhà thơ. Vì gặp ở đâu là họ khoe thơ ở đấy, rồi chứng minh thơ mình hay thế này, thơ mình sáng tạo thế kia. Nếu không khoe thì họ quay sang chê thơ người khác, hoặc lèm bèm tay này không đáng nhận giải, tay kia "chạy" để được trao.

Trong các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ làm thơ, theo tôi Trương Đăng Dung là người có tài thơ hơn cả, đọc chùm thơ của anh trên Tạp chí Thơ mới đây, tôi tin nhiều nhà thơ sẽ phải giật mình. Còn thì tôi gặp một số vị được (tự) giới thiệu là nhà thơ, song trên cạc-vi-dít lại thấy danh hiệu nhà thơ đứng dưới, học vị, chức danh, chức vụ đứng cả dãy phía trên, nhìn mà hãi. Riêng thơ của họ thì quả là… không dám bình luận!

Lại có nhà thơ hễ đăng tiểu sử ở đâu là liệt kê cả dãy giải thưởng, cả giải hạng bét lẫn các cuộc thi thơ không nằm trong bộ nhớ của người đời. Có vị lại lập lờ theo tinh thần chủ nghĩa bình quân, nhận giải khuyến khích (vẫn được gọi là "giải an ủi") cũng nống lên dưới hình thức khá trừu tượng là Giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm…, Giải thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm…

Mới đây Văn nghệ Trẻ tổ chức cuộc thi thơ tình. Trong khi ai chẳng biết Báo Văn nghệ là Báo Văn nghệ, Báo Văn nghệ Trẻ là Báo Văn nghệ Trẻ thì có người đoạt giải lại lố đến mức… cố đấm ăn xôi, xông lên Internet cãi nhau với độc giả, gân cổ để chứng minh giải của mình là giải của Báo Văn nghệ hẳn hoi!

Các giải thưởng rồi sẽ qua đi, nhất là giải thưởng văn chương thời nay, mỗi lần trao là một lần ồn ĩ. Nhưng với một số tác giả thì đó lại là dấu son để đời, là biểu hiện của tài năng. Quan hệ xã hội hết chỗ khoe, có người tự khoe trên blog. Một lần, đọc blog của một nhà thơ có bài tường thuật hội thơ ở một trường đại học.

Tác giả liệt kê tên tuổi các nhà thơ gọi là "nổi tiếng" tham dự hội thơ, trong danh sách đó, loanh quanh thế nào lại có cả tên của… chính người tường thuật. Tự thấy bản thân xứng đáng là nhà thơ nổi tiếng thì chắc là phải tự tin lắm lắm. "Hữu xạ tự nhiên hương", lĩnh hội được ý nghĩa của câu thành ngữ ấy, đối với một số người có lẽ là điều khó lòng "tiêu hóa" nổi.

Sự vơi mỏng niềm tin của bạn đọc đối với thơ, ngoài chất lượng của thơ, phải chăng còn do một số người làm thơ đã và đang tự làm suy giảm hình ảnh của mình trước công chúng, trước xã hội? Về phần mình, nhiều lần tôi được nghe câu hỏi của người quen, tỷ như: ông X có phải là nhà thơ không mà văng tục khiếp thế?

Hoặc: thơ anh A chị B có hay hay không mà nói năng vênh váo nhỉ?... Gặp trường hợp như vậy, tôi đành chọn giải pháp ậm ờ, hoặc nói theo lối cần thông cảm rằng nhà thơ thì phải như thế mới có thơ hay. Chứ chẳng lẽ lại… nói xấu nhà thơ!

Nguyễn Hòa
.
.
.