Nhà soạn nhạc thể nghiệm Vũ Nhật Tân: Đôi mắt cho một ngày mới

Chủ Nhật, 11/06/2006, 08:27

Trong một số bản thảo của Tân, xuất hiện một loại ký hiệu nhạc khá kỳ dị - những nốt tròn to tướng, đen sì. Hỏi, ký hiệu đó nhạc công phải thể hiện như thế nào. Tân trả lời: "Đấm vào nhạc cụ". Và Tân giương mắt lên, mặt lạnh te, cái đầu trọc lốc, trông như một nắm đấm. Tôi bèn gọi ký hiệu nhạc đó là "nốt đấm".

Mới tiếp xúc, có cảm giác Tân hiền khô, điềm đạm. Nhưng có đến gần, mới hiểu đó chỉ là vẻ ngoài của một quả núi lửa luôn sẵn sàng phun nham thạch. "Sức nóng ấy có lẽ một phần được/bị tích tụ từ những cú va đập trong quá khứ" - Tân thừa nhận. Đã có thời kỳ, đời Tân "cà phê đen không đường không đá đun sôi sùng sục" đến mức "lì đòn" như anh mà cũng sợ mình có thể phát điên.

Hai người bạn hiếm hoi còn lại của Tân khi đó là nghệ sĩ Đào Anh Khánh và nhạc sĩ Sơn X cũng bị áp lực bởi những lời tuyên bố kiểu: "Có Vũ Nhật Tân thì không có bọn tôi". Ngay cả những người thân yêu nhất của anh khi đó cũng phiền muộn, thất vọng vì anh. Còn các nhạc công từ chối chơi nhạc của anh vì cho là anh "không biết viết nhạc"...

Chỉ khi tiếng vang của những buổi trình diễn của Tân tại những sân khấu uy tín của âm nhạc đương đại thế giới dội lại Việt Nam, người ta mới bắt đầu "tắt" các luận điệu "không biết viết nhạc", "không phải là âm nhạc" dành cho Tân và âm nhạc của anh.

"Anh có thể nói anh thích hay không thích nhạc của tôi, nếu không thích, anh có quyền từ chối nghe nó. Nhưng đừng vì âm nhạc của tôi khác với sở thích, thói quen thẩm âm của anh mà kết tội nó "không phải là âm nhạc", là "độc hại", và đòi cấm nó. Thái độ kỳ thị hẹp hòi, ác ý như vậy sẽ rất có hại cho nền nghệ thuật vì nó sẽ là môi trường lý tưởng cho những virus mang tên Đơn Điệu, Lạc Hậu, Tẻ Nhạt. Sự cởi mở của một xã hội phải được thể hiện bằng một đời sống tinh thần nhiều màu sắc" - Tân nói.

Câu chuyện chiếc bơm dầu

Tại sao anh lại cứ phải sáng tác một thứ âm nhạc gây sự như vậy, phải chăng chỉ cốt gây lạ? Tân không trả lời thẳng vào câu hỏi mà kể tôi nghe về chiếc bơm dầu. Tân khám phá được thứ "nhạc cụ" này trong một buổi lang thang rồi ngồi quán trà xu vỉa hè phố Hàng Thiếc. Cầm chiếc bơm dầu kéo thử, Tân lập tức bị mê hoặc bởi một thứ âm thanh "chát" đến mức "chúa" luôn giữa dàn âm thanh chát chúa suốt dãy phố của các anh thợ gò thiếc.

Về phòng thu, Tân đã kết hợp thứ "nhạc cụ" mới này với máy tính xách tay và nhạc cụ… cổ truyền, và còn biểu diễn một tác phẩm độc tấu dành cho… cái bơm dầu trong một buổi hòa nhạc tại Hội đồng Anh. Tác phẩm trình diễn không cần bục sân khấu, không một lời giới thiệu, nhưng chỉ sau mấy phút đã đông đặc khán giả. Cách đây chưa lâu, buổi biểu diễn này đã là ví dụ duy nhất về những thành công của âm nhạc thể nghiệm ở Việt Nam được đưa ra trong một buổi thuyết trình tại Hội đồng Anh về nghệ thuật đương đại.

"Tác phẩm dự định là 30 phút, nhưng chơi được khoảng 10 phút thì tôi kết thúc bằng cách đập mạnh chiếc bơm dầu xuống sàn. Lý do kết thúc sớm như vậy là do tôi không thích khi một trong số những người tổ chức hôm đó đã muốn mang tác phẩm của tôi ra để kéo sự chú ý của cử tọa vào buổi hòa nhạc. Tôi không phải người thổi kèn quảng cáo. Âm nhạc của tôi có giá trị nhiều hơn là một sự lạ" - Tân bực bội nói.

Bàn tay chơi piano, bàn tay… quấn pháo

Tân sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc (anh là con trai "độc cành" của GS.TS - nhà nghiên cứu và lý luận âm nhạc dân tộc Vũ Nhật Thăng). Lớn lên trong thời bao cấp nhọc nhằn, suốt tuổi hoa niên, đôi bàn tay của anh vừa gắn bó cùng những phím dương cầm, vừa phải lăn lộn với đủ thứ nghề để kiếm sống: quấn thuốc lá, in túi cói xuất khẩu, làm guốc, rán tóp mỡ thuê, làm sữa chua, làm pháo…

“Cái hồi làm pháo, có khi dưới gầm giường nhà tôi chất đến nửa tạ thuốc pháo, may mà cả nhà chưa ai mất mạng. Hồi đó, đúng là đói quá hóa liều" - Tân nhớ lại. Câu chuyện về tuổi thơ nhọc nhằn ấy đã được Tân kể lại trong bản "Ký ức" - tác phẩm đã đem về cho anh giải nhất cuộc thi về âm nhạc đương đại tại Pháp năm 1995, khi anh vừa tròn 25 tuổi. Và từ đó đến nay, các tác phẩm khí nhạc của Tân vẫn được đều đặn vang lên tại khán phòng nhiều nước trên thế giới.

Một vài ví dụ gần đây: "Nhịp đơn nhịp kép" (cho sáo, clarinet, violin, viola và cello) - một sáng tác đặc biệt khó chơi - năm 2002 đã được trình diễn tại IRCAM-Centre Pompidou Paris - một trong những trung tâm hàng đầu thế giới của âm nhạc đương đại. "Phác thảo" cho sáo và "Trăng" cho cello - tham dự Festival âm nhạc đương đại tại Louisiana (Mỹ-năm 2002). "Đoạn trắng" và Dong Ai (cho piano) - trình diễn tại Backery Artrage art center (Australia-2003). "Áo đơn áo kép" (cho sáo, bassoon, violin, cello, double bass, guitare và percurssion - Festival âm nhạc châu Á tại Nhật Bản-2003)…

Nhưng cho đến giờ, trong làng nhạc Việt Nam, Vũ Nhật Tân vẫn là "kẻ độc hành kỳ dị".

Nốt… đấm

Trong một số bản thảo của Tân, xuất hiện một loại ký hiệu nhạc khá kỳ dị - những nốt tròn to tướng, đen sì. Hỏi, ký hiệu đó nhạc công phải thể hiện như thế nào. Tân trả lời: "Đấm vào nhạc cụ". Và Tân giương mắt lên, mặt lạnh te, cái đầu trọc lốc, trông như một nắm đấm. Tôi bèn gọi ký hiệu nhạc đó là "nốt đấm" (xin được đề cử nốt nhạc mới này cho Guinness, trước hết là Guinness Việt Nam).

Một nghệ sĩ nói với tôi: "Cả cái mặt lẫn thứ âm nhạc của nó đều giống như giương lên một nắm đấm, cái nắm đấm đó chưa dính vào mặt mình, nhưng đương nhiên là gây khó chịu".

"Tôi không bài xích gì những tác phẩm du dương để nghe trong các quán cà phê, phòng trà, hay những bản nhạc tươi vui rất hợp với các bữa tiệc cưới. Nhưng thật bất bình thường khi cả một nền âm nhạc, thậm chí là cả một nền nghệ thuật cứ triền miên một thứ tác phẩm đèm đẹp, được sử dụng như những vật dụng trang trí. Nghệ thuật xứng đáng được tôn trọng hơn rất nhiều" - Tân nói.

Và Tân đặt những sáng tác của mình đối thoại với đời sống tình cảm và trí tuệ của người nghe, để "họ" trao đổi, có khi là chia sẻ với nhau, có khi là tranh luận, thậm chí cãi cọ, làm nhau khó chịu, bực bội. Tác phẩm của Tân không "dìu" người nghe vào những "giấc mộng đẹp". Nó làm người ta bứt rứt. Mất ngủ.

Tiếng va đập của kim loại. Tiếng xe cộ trên đường phố. Tiếng rao hàng. Tiếng cạo gỗ. Tiếng miết bàn… Tân không "từ" một thứ tiếng động nào có trong cuộc sống hàng ngày để làm giàu cho âm nhạc của mình.--PageBreak--

Không chỉ mở rộng khái niệm nhạc cụ, Tân còn muốn "định nghĩa" lại chân dung của những nhạc cụ cổ điển và cổ truyền bằng cách khám phá ra những phong cách biểu hiện với chúng. Với sáo, Tân không chỉ thổi mà còn vỗ. Với những nhạc cụ dây như violon, đàn bầu, đàn nguyệt… vốn chỉ dùng để kéo, gẩy nên những âm thanh nuột nà, da diết thì Tân bứt, rứt, giật dây đàn.

Những âm thanh vừa lạ vừa quen bật lên, không kém độ sâu, đằm đặc trưng của từng nhạc cụ nhưng bội phần làm ta kinh ngạc vì lối biểu cảm trực diện, mãnh liệt, đôi khi như những câu hỏi riết xoáy, những con sóng ngầm cuồng nộ. (Và nói về cách biểu diễn nhạc cụ cho âm nhạc của Tân, xin đừng quên bổ sung những động từ như "đấm", "đập", "đá"…).

Nhưng cái làm âm nhạc của Vũ Nhật Tân "nghịch nhĩ" nhiều người nhất có lẽ là cấu trúc tác phẩm. Vũ Nhật Tân gọi thứ cấu trúc âm nhạc đó là "cấu trúc Vũ Nhật Tân", và gọi công việc của mình là "Sắp đặt âm thanh", trong đó, các khối âm thanh được sắp đặt theo một quy luật khác lạ, phá vỡ các quy ước kinh điển. Lạ nội dung, lạ cả hình thức, mấy CD anh mới tự thu ở studio cá nhân mang những cái tên mà có khi chính Tân cũng… không đọc được (do vị trí đặt dấu hoặc cách kết hợp dấu với nguyên âm), có thể tạm dịch là "Búng" (gồm: búng, bùng, bung, bủng), "Vạc" (gồm: vác, vàc, vạc, vảc), và "Xổm".

Cả 3 CD này đều là kết quả của sự "xe duyên" giữa các nhạc cụ Việt Nam cổ truyền, máy tính và nghìn lẻ một các nguồn âm thanh - tiếng động khác của cuộc sống thường nhật. (Khi thu âm "Xổm", Tân đã cố tình mở toang các cửa sổ để "tận thu" từ tiếng xe máy, tiếng kéo cửa, tiếng quét rác, tiếng gọi ời ời của lũ trẻ…).

"Anh đã bao giờ nản lòng, muốn từ bỏ con đường âm nhạc của mình?" - Tôi hỏi. "Không" - Tân đáp, đôi mắt mở to, cương nghị, trong trẻo. Cái đầu trọc lốc, trông như một nắm đấm.

1. "Tôi là Vũ Nhật Tân. Tôi sinh ra ở Việt Nam. Tôi muốn kể câu chuyện của mình. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật mà tôi gần gũi. Theo cách mà tôi định đoạt" - Đó là thông điệp của chàng trai 36 tuổi - nhà soạn nhạc tiên phong trong lĩnh vực nhạc thể nghiệm ở Việt Nam.

 

2. Vũ Nhật Tân sinh năm 1970, tại Hà Nội, là nhà soạn nhạc chuyên về nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, độc tấu nhạc cụ và soạn cho nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, nhạc điện tử. Hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật đương đại khác có liên quan tới âm nhạc. Nghiên cứu về âm nhạc và âm nhạc cổ truyền.

 

+ Một số giải thưởng âm nhạc:

- Giải 3 cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc năm 1992

- Giải nhất cuộc thi Saint-German-en Laye năm 1995.

- 4 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1998 và 2001, 2003.

- Giải thưởng của Hội đồng Văn hóa châu Á năm 2002.

+ Tác phẩm đã được biểu diễn tại Australia, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mông Cổ, Thụy  Sĩ, Mỹ và Việt Nam.

+ Trình diễn nhạc thể nghiệm, nhạc ngẫu hứng và nhạc điện tử trong nhiều sự kiện âm nhạc quan trọng tại châu Âu, Mỹ, Australia và châu Á...

- Hiện là giảng viên Nhạc viện Quốc gia Hà Nội.

Vũ Phan Phương Uyên
.
.
.