Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở “Tiếng chuông chùa” của nhà văn Hữu Ước

Thứ Hai, 31/10/2005, 06:30

Khi cái se lạnh đầy thi vị của Hà Nội dịu dàng về trên từng góc phố cũng là lúc "Tiếng chuông chùa" của nhà văn Hữu Ước ngân khúc dạo đầu trong Nhà hát Tuổi trẻ. Những tiếng cười, niềm hân hoan trên gương mặt đạo diễn và các diễn viên trong lễ khai sàn làm ấm cả không gian nghệ thuật, dự báo mối "nhân duyên" tâm đầu ý hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ với một nhà văn luôn đau đáu về hình tượng người chiến sĩ Công an trong từng trang viết.

Không phải không có lý do khi một nhà hát có uy tín bậc nhất cả nước chọn dựng "Tiếng chuông chùa". NSƯT Anh Tú - Trưởng đoàn kịch I của Nhà hát Tuổi trẻ, đầy phấn khích: "Nhà hát đặc biệt coi trọng chất lượng kịch bản nên thật may mắn khi phát hiện "Tiếng chuông chùa". Thời điểm hiện nay, có được kịch bản văn học chất lượng tốt như "Tiếng chuông chùa" là rất hiếm. Vì thế, chúng tôi đã đặt vấn đề dựng vở với tác giả".

Những năm qua, với chất liệu cuộc sống đương đại ngồn ngộn trong các tác phẩm đậm chất văn học, giàu kịch tính, Hữu Ước đã là một kịch tác gia đắt khách. Khi xem các vở "Vòng xoáy", "Vòng vây cô đơn", "Khoảnh khắc mong manh" v.v… do Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn kịch nói CAND dàn dựng, NSƯT Anh Tú đã rất mê và mong muốn sẽ có ngày dựng vở của nhà văn Hữu Ước. Duyên kỳ ngộ đã tới khi anh đọc kịch bản "Tiếng chuông chùa". Cả NSƯT Anh Tú lẫn NSƯT Xuân Huyền đều "say", đến nỗi, đạo diễn Xuân Huyền tài hoa và khó tính cũng không giấu nổi hài lòng: "Đây là một trong những kịch bản hay nhất về đề tài Công an".

Câu chuyện chạy quota còn nóng hổi tính thời sự sẽ là cái cớ cho tác giả trải lòng trước một quan điểm nhân sinh sâu sắc và mới mẻ: "Có việc làm tưởng là ác nhưng thật ra là thiện. Ngược lại, có việc tưởng là thiện nhưng lại rất ác. Muốn đoán định thiện, ác phải xem cái dụng tâm của nó, đừng nhìn vào hiện tượng". Điều mà nhà văn Hữu Ước gửi gắm cũng là tâm đắc của đạo diễn Xuân Huyền: Khi phát hiện Trần Cảnh (Đức Khuê), Giám đốc Sở Thương mại lợi dụng chức quyền để cùng con trai - Trần Hoạt (Xuân Tùng) "chạy" quota, Đại tá Lê Đức - Giám đốc Công an TP quyết tâm xử lý đúng pháp luật. Đại tá Lê Đức đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của vợ (NSƯT Minh Hằng) và con gái (Kim Oanh). Họ cho làm thế là thất đức, bởi Trần Cảnh là ân nhân của gia đình và con gái ông đã yêu Trần Hoạt. Trong giằng xé, đau đớn và xót xa vì người thân yêu nhất cũng không hiểu mình, Lê Đức vẫn phải dẹp ơn nghĩa cá nhân sang một bên để làm tròn nhiệm vụ, chấp nhận bi kịch gia đình. Vở kịch kết thúc trong tiếng chuông chùa ngân vang, rền rĩ một cách ám ảnh, đánh thức người xem hãy hiểu đúng quan niệm nhà Phật: Độ lượng, nhân từ nhưng không thể nương tay với tội ác - "Phật giáo luận về thiện, ác không đơn giản như bà nghĩ đâu…

Bắt một người, giết một người để cho muôn triệu người được sống bình yên thì đằng nào hơn? Chẳng lẽ cứ để bọn chúng tồn tại, tác yêu tác quái, ám hại bà con ta mãi à?". Đại tá Lê Đức đã đau đớn hy sinh ân nghĩa gia đình để làm được điều lớn lao là bảo vệ cán cân công lý cho xã hội. Niềm tin mà ông vịn vào để hướng tới tương lai cũng không dễ dàng tìm được cảm thông. Vấn đề đặt ra đi từ tâm chứng truyền thống nhưng vẫn nóng bỏng tính hiện đại để khán giả phải suy ngẫm, trăn trở trước nỗi niềm của người cán bộ Công an: "Mô Phật! Chẳng lẽ chúng tôi đã săn lùng diệt trừ cái ác để cho chúng sinh được sống thanh bình, hạnh phúc là trái với đạo Phật ư? Không đúng! Đức Phật tổ không dạy thế!".

Đạo diễn Xuân Huyền sẽ khai thác tối đa kịch bản văn học, bởi "Tiếng chuông chùa" đã cập nhật được đời sống với những vấn đề hiện hữu đầy đặn trong từng vai diễn; cấu trúc kịch bản chặt chẽ, hình ảnh chắt lọc, ngôn ngữ kỹ lưỡng, giàu văn chương, mở đất cho đạo diễn và diễn viên tung tẩy sáng tạo. Với NSƯT Anh Tú, vai Đại tá Lê Đức là một vai diễn hay và khó nên càng có sự hấp dẫn. Anh bảo, đọc kịch bản đã thấy thích vì vai diễn rất thật, không khiên cưỡng, áp đặt một chiều như hình tượng người Công an của nhiều tác giả khác. Chi tiết Đại tá Lê Đức cùng các cán bộ họp bàn về vụ án cha con Trần Cảnh - Trần Hoạt, chợt đau xót nhận thấy có ánh mắt nghi ngờ mình, được đạo diễn Xuân Huyền và NSƯT Anh Tú thích thú vì rất đời thực nên rất đắt giá. Tình tiết đặc sắc đòi hỏi sự tinh tế của diễn viên này chắc chắn sẽ được Anh Tú xử lý bằng kinh nghiệm cùng với cảm xúc để lột tả nỗi đau thẳm tận tâm can của người cầm cân nảy mực trong sáng, nhưng lại bị cấp dưới nghi ngờ. Khai thác sâu chi tiết này chứng tỏ mối giao cảm sâu sắc trong sáng tạo nghệ thuật giữa tác giả và đạo diễn. Với "Tiếng chuông chùa", NSƯT Minh Hằng, Đức Khuê, Kim Oanh, Xuân Tùng… có cơ hội thể hiện màu tính cách phong phú trong vai diễn của mình.

Sự "hợp lưu" của kịch bản hay, đạo diễn giỏi và dàn diễn viên có đẳng cấp với công nghệ sản xuất ưu việt là mơ ước của bao đoàn nghệ thuật, đã cho dự báo về tính hấp dẫn của "Tiếng chuông chùa" khi ra mắt công chúng vào cuối tháng 11 này. Đặc biệt, với quan điểm mới mẻ, có tính bứt phá trước những quan niệm đã tồn tại hàng trăm năm, "Tiếng chuông chùa" sẽ là vở diễn để người xem ngẫm ngợi và lay thức..

Thanh Hằng
.
.
.