Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở “Tiếng chuông” của nhà văn Hữu Ước

Thứ Hai, 16/01/2006, 06:54

Đêm cuối tuần, cái lạnh như thấu đến từng thớ thịt, vậy mà những dòng người đến với Nhà hát Tuổi trẻ vẫn nhộn nhịp, đông vui. Hình như người ta quên đi cái rét của những ngày giáp Tết để nao nức đến với buổi ra mắt vở kịch "Tiếng chuông" (tác giả: nhà văn Hữu Ước; đạo diễn: NSƯT Xuân Huyền) do Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

Đứng đón khách ở ngay tiền sảnh, Phó Giám đốc Nhà hát Trương Nhuận không giấu nổi niềm vui qua nụ cười. Không cổ súy cho nạn phe vé, nhưng trước giờ biểu diễn khoảng 30 phút, tình cờ đứng ở cổng, chúng tôi đã chứng kiến nhiều người đến hỏi mua lại vé. Đây có thể là một tiêu chí ban đầu đánh giá sự quan tâm của dư luận đối với vở diễn, bởi như nhiều người nhận xét: Không chỉ có tính thời sự nóng hổi, kịch của nhà văn Hữu Ước luôn mang hơi thở thời đại, như chính cuộc đời thật đang diễn ra đằng sau tấm màn nhung lóng lánh kia. Đặc biệt, truyền được hơi thở nồng ấm đó đến khán giả là một dàn diễn viên sân khấu hàng đầu mà chỉ nghe nhắc đến thôi đã khiến người xem háo hức, đợi chờ…

Mặc dù vướng bận chuyện gia đình nhưng NSƯT Xuân Huyền vẫn đạo diễn vở "Tiếng chuông" một cách thành công, bởi đây là vở diễn mà ông rất tâm đắc. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu Xuân Huyền dựng vở về hình tượng người chiến sĩ Công an nên ông tỏ ra chắc tay trong xử lý từng tình huống. Cảnh trí đơn giản mà hiệu quả, hành động kịch giàu biểu cảm, các chi tiết, sự kiện được lựa chọn đặc sắc, tạo những điểm nhấn trong vở diễn. Chỉ bằng động tác những bàn tay nắm lấy bàn tay của các chiến sĩ Công an, rồi cùng xoay lưng lại, không để cho kẻ phạm tội có cơ hội luồn lách, trốn thoát, người xem đã hiểu được điều mà đạo diễn muốn nói trước cảnh Trần Cảnh vẫy vùng tìm đường trốn tội.

Những câu hỏi xói lòng của người vợ dẫu đã 30 năm đầu ấp má kề mà vẫn không hiểu công việc của chồng là nỗi đau vô hạn với Đại tá Lê Đức, Giám đốc Công an thành phố. Tạo hóa thật trớ trêu khi cho bà làm vợ một người Công an mẫu mực, trọn đời hi sinh vì đất nước, kiên quyết gạt tình riêng, dù vô cùng nhức nhối bởi "ngàn lần không muốn thế", còn bà lại quá nặng lòng với ân nghĩa đời thường, chỉ biết đến "giới hạn là quyền lợi của gia đình".

Cách xử lý của đạo diễn đã đẩy đến tận cùng nỗi đớn đau, day dứt khi tiếng chuông chùa vang lên khắc khoải, xót xa đưa bước chân người vợ của Lê Đức vào chùa, đúng vào lúc ông hoàn thành nhiệm vụ. Gia đình tan vỡ ngay trước chiến công là sự hi sinh không gì so sánh được của người chiến sĩ Công an trên mặt trận đấu tranh với tội phạm cổ cồn trắng, đã tạo ấn tượng rất đậm với người xem. Cuộc chiến bảo vệ hạnh phúc cho nhân dân không thể tránh khỏi tổn thất, nhưng mỗi hi sinh, mất mát càng tôn thêm phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an.

Tính nhân văn xuyên suốt trong những tình tiết hấp dẫn, tiết tấu kịch nhanh và sự phụ trợ thành công của âm nhạc đã lắng lại trong người xem bao rung động sâu sắc. Khán giả đã tìm thấy ở vở diễn sự tri âm để giải thoát khỏi những ẩn ức vốn căng đầy trong đời sống thường nhật và được thắp lên niềm tin về cuộc sống, khi cuối cùng cái thiện đã chiến thắng cái ác, như khao khát của tác giả luôn gửi gắm trong mỗi kịch bản của mình. Chả thế mà, tiếng vỗ tay trong mỗi đoạn cắt cảnh cứ vang lên, rộn rã…

Khắc họa nhân vật bằng chiều sâu tâm lý, lối biểu cảm tinh tế, kỹ thuật bứt phá và đài từ đẹp, các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã thực sự thổi hồn vào vở diễn. NSƯT Anh Tú như hóa thân vào nhân vật, để sống trong những cảm xúc rất thật của Lê Đức trong sự dằn vặt, giằng xé nội tâm trước khi đi đến quyết định bắt cha con Trần Cảnh, ân nhân của gia đình, chấp nhận phải chịu đựng "ân nghĩa càng dày" với kẻ phạm tội. Vốn rất yêu thích vai diễn Lê Đức, đây là cơ hội để Anh Tú được thỏa ước mong xây dựng một tượng đài cao đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng khán giả, bằng kinh nghiệm, tài năng cùng tình cảm chân thành của chính anh.

Trong vai Trần Cảnh, nghệ sĩ Đức Khuê cũng đã xóa sạch dấu ấn của một "bệnh nhân lắm lời" từng đoạt giải "Diễn viên xuất sắc" trong Gala cười. Hoàn toàn là một ông giám đốc chững chạc trong những mưu mô, toan tính, lũng đoạn xã hội bằng một đường dây mua bán quota nhiều năm dài.

Khán giả cũng chẳng thể tìm được bóng dáng của một bà vợ chanh chua, gây cười thường gặp trong "Gặp nhau cuối tuần" của Thu Hương, chỉ còn là một bà vợ dịu đằm, nhẫn nhịn, trọn đời hy sinh cho chồng, cho con. Một điểm nhấn nữa trong đêm diễn chính là vai Á hậu Quỳnh Nga của Quách Thu Phương. Đây là nhân vật có nguyên mẫu ngoài đời gây nhiều dư luận, nhưng bước vào kịch của nhà văn Hữu Ước, cô được nhìn nhận bằng lòng vị tha, nhân ái và Quách Thu Phương đã chuyển tải khá ấn tượng thông điệp của tác giả đến người xem. Với tiếng cười nghẹn ngào trong nước mắt cùng sự quyết liệt đầy cá tính, Quách Thu Phương đã lột tả chân thực nỗi đau đớn tột cùng của cô Á hậu khi biết mình trở thành món hàng trong một cuộc mua bán, đổi trao!

Một Trần Hoạt của Xuân Tùng, một Tấn Tỷ của Hoàng Lân, một Lệ Hằng của Kim Oanh… đã chung tay tạo cho đêm diễn sắc màu riêng biệt, để khán giả lúc cười, lúc lại rơi nước mắt vì những cảnh đời ngang trái, éo le…

Tiếng chuông chùa vẳng mãi, vẳng mãi… gieo vào lòng người xem biết bao nỗi niềm. Ánh mắt thăm thẳm như vẫn dõi theo câu chuyện trên sân khấu dù đêm diễn đã khép lại. Chị Nguyễn Ngọc Thanh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xúc động: "Ai đó sẽ thương hơn, còn ai nữa cũng sẽ buồn hơn, nhưng sự chia sẻ, thấu hiểu trước những hi sinh giữa thời bình của người chiến sĩ Công an chắc chắn sẽ là điều mỗi khán giả mang về từ vở diễn".

Sự gặp nhau trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn Hữu Ước và đạo diễn Xuân Huyền đã làm nên một vở kịch giàu tính nhân văn, đa nghĩa, không phụ lòng trông đợi của công luận ngay từ khi khai sàn. "Tiếng chuông" hẳn sẽ là một món quà độc đáo và ấn tượng với khán giả trong dịp đón Xuân Bính Tuất

Thanh Lệ
.
.
.