Nhà hát Ca Múa Nhạc VN được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Thứ Bảy, 23/06/2012, 08:19
Niềm vui như vỡ òa với các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc (CMN) Việt Nam, khi tin vui đến với họ: Chủ tịch nước đã chính thức ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát CMN Việt Nam).

Đây là phần thưởng xứng đáng với các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát, cánh chim đầu đàn trong làng âm nhạc Việt Nam, nơi qui tụ những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng: nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, GS.NSND Nguyễn Văn Thương, GS.NS Lưu Hữu Phước, GS.NSND Trọng Bằng, NSND Phùng Nhạn, NSND Chu Thúy Quỳnh…

Giữa tiếng cười và cả những giọt nước mắt ngập tràn hạnh phúc, đại diện các thế hệ lãnh đạo của Nhà hát: NSƯT Như Bình, NSND Đỗ Tiến Định, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, NSƯT Trịnh Bá Xuyên vv… cùng mọi người ôn lại những ký ức rạng ngời của Nhà hát CMN Việt Nam trong chặng đường hơn 60 năm qua.

Ngay từ khi ra đời, Nhà hát CMN Việt Nam đã xác định lấy âm nhạc dân tộc là mục tiêu phát triển. Để rồi, Nhà hát đã không chỉ làm tốt nhiệm vụ động viên tinh thần nhân dân, quân đội trong kháng chiến, mà còn góp phần đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới, làm rạng rỡ nền văn hoá Việt Nam. Những ngày đầu thành lập, do hoàn cảnh chiến tranh, các nghệ sĩ phải ở nhờ nhà dân, vừa tập luyện, vừa phục vụ bộ đội và nhân dân. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các nghệ sĩ của Nhà hát CMN Việt Nam tiếp tục mang lời ca, điệu múa cổ vũ tinh thần nhân dân và đón chào ngày giải phóng trên mọi nẻo đường. NSND Chu Thúy Quỳnh nhớ lại: Trong kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, nhiều nghệ sĩ của Nhà hát CMN Việt Nam đã xung phong vào chiến trường ác liệt để phục vụ bộ đội.

Đại diện các thế hệ lãnh đạo của Nhà hát CMN Việt Nam đón niềm vinh dự Nhà hát trở thành Anh hùng LLVTND.

Năm 1968, nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc đã cùng 20 nghệ sỹ vào tuyến lửa Khu IV. Nhiều nghệ sỹ đã nằm lại chiến trường giữa tuổi thanh xuân như nghệ sĩ Võ Phương Thảo. Tấm lòng và tinh thần quả cảm của các nghệ sĩ là nguồn động viên to lớn đối với các chiến sĩ bộ đội đang ngày đêm đối mặt sự hy sinh. Không chỉ biểu diễn, các nghệ sĩ còn sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng mang hơi thở nóng bỏng của cuộc chiến ngay giữa chiến trường. Ở đâu, các nghệ sĩ cũng tạo được sức hút mạnh mẽ với công chúng, bởi, ngoài những kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, là sự hòa hợp giữa tài năng với sự rung động sâu sắc của trái tim người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát CMN Việt Nam, chia sẻ: Vừa hoàn thành xuất sắc việc phục vụ nhân dân và bộ đội, các nghệ sĩ của Nhà hát CMN Việt Nam không quên nhiệm vụ quan trọng là làm nhịp cầu đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Sau năm 1954, giữa muôn vàn gian khó và thiếu thốn, các nghệ sĩ của Nhà hát đã xây dựng được những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới tại Ba Lan. Bài giao hưởng “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mở màn cho chương trình, đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam Anh hùng trong chiến đấu, nhưng cũng rất tinh tế trong âm nhạc.

Năm 1969, tại Hội nghị Paris, với những tiết mục âm nhạc dân tộc xuất sắc, các nghệ sĩ của đoàn lại thêm một lần giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới rất ấn tượng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng liên tiếp ra đời và đã được biểu diễn ở nhiều nước: Angieri, Ý, Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Ba Lan, Áo, Nhật Bản... 

60 năm qua của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam là một chặng đường rất đáng tự hào. Sau hàng loạt giải thưởng lớn và danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, danh hiệu Anh hùng LLVTND thêm một lần ghi nhận sự tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ sĩ, đã mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật đích thực, chinh phục các tầng lớp khán giả và sống mãi với thời gian

Thanh Hằng
.
.
.