Nhà dài sắp tiệt chủng ?

Thứ Hai, 10/10/2011, 14:17
Nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê ở tỉnh Đắk Lắk là một trong những kiến trúc độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Từ bao đời nay, ngôi nhà sàn dài của đồng bào Êđê đã đi vào truyền thuyết, sử thi, lời nói vần của đồng bào. Thế nhưng, trong “cơn lốc” đô thị hoá từ thành thị đến buôn làng, tình trạng nhà xây, nhà bê tông hoá ngày càng lấn lướt, những ngôi nhà sàn dài của đồng bào Êđê đang đứng trước nguy cơ “xoá sổ”.

Nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê trước đây làm bằng nguyên liệu của núi rừngå. Bên trong nhà sàn dài là gian lớn, giáp với hiên nhà được dùng làm phòng khách, nơi tổ chức các sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng như đánh chiêng, các nghi lễ hàng năm, tiếp khách... Kế tiếp là các gian buồng riêng có bếp lửa của từng cặp vợ chồng; thông thường, mỗi nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê có từ 7 đến 9 cặp vợ chồng cùng chung sống...

Từ năm 1980 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc tách hộ (tách từ các hộ trong căn nhà sàn dài ra ở riêng), phát triển kinh tế vườn, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm những căn nhà sàn dài bị xâm hại. Đồng bào được tách hộ, tỉnh hỗ trợ vốn làm nhà và đa phần đồng bào xây dựng nhà cấp bốn theo kiểu của người Kinh.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều vùng, đồng bào dân tộc Êđê đầu tư phát triển sản xuất, nhất là thâm canh các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, mở trang trại chăn nuôi gia súc, thu nhập ngày càng cao, đời sống được nâng lên. Từ đó, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê phá bỏ dần những căn nhà sàn dài truyền thống mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, trẻ em cũng dần “quên” những ngôi nhà sàn dài. Không chỉ đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn làng của thành phố Buôn Ma Thuột mà ngay các buôn làng ở các huyện vùng sâu như Cư MGar, Krông Búk, Krông Ana, Ma ĐRắk..., những căn nhà sàn dài truyền thống cũng dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây.

Mặt khác, theo phản ánh của đồng bào, việc làm nhà sàn dài bằng gỗ bây giờ tốn kém lắm, đắt hơn nhà xây, lại khó tìm mua gỗ nên tốt nhất là làm nhà xây, hoặc nhà xây “giả” nhà sàn. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 540/553 buôn của đồng bào Êđê và Mnông được đầu tư xây dựng Nhà văn hoá cộng đồng, với tổng nguồn vốn trên 60 tỷ đồng, bình quân mỗi căn từ 100 - 150 triệu đồng. Song, những ngôi nhà này không còn giữ được hồn cốt nhà dài gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê mà như đánh giá của những nhà văn hoá là “khô cứng, vô hồn”. Vì thế, nhiều đồng bào, đặc biệt là các già làng tỏ ra không hài lòng, không muốn đến sinh hoạt, nhiều Nhà văn hoá làm xong đành “đắp chiếu”.

Ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, người nhiều năm nghiên cứu về văn hoá dân tộc lo lắng: Nhà dài của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang kêu cứu. Nếu mất nhà dài thì cồng chiêng, các nghi lễ của đồng bào cũng không còn. Hiện nay, ngành Văn hoá tỉnh đang tiến hành điều tra thực trạng nhà sàn dài ở tất cả các buôn làng trên địa bàn để có kế hoạch bảo tồn

Quang Huy
.
.
.