Đồng Nai:

Nhà cổ Trần Ngọc Du nhận giải thưởng của UNESCO

Thứ Bảy, 20/11/2004, 15:17

Đây là một trong 6 ngôi nhà của Việt Nam được UNESCO trao "Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ". Ngôi nhà được xây cất từ năm 1900 nhưng vẫn giữ được kiến trúc cơ bản với 36 cột bằng gỗ căm xe, nhiều họa tiết điêu khắc tinh xảo. Thêm vào đó, những yếu tố phong thủy cùng những yếu tố tâm linh càng làm cho ngôi nhà giá trị.

Từ TP Biên Hòa vượt qua cầu Ghềnh tới ngã tư chợ Đồn, rẽ trái theo tỉnh lộ 16 (hướng QL1) khoảng 1km, đối diện với chùa Vạn Linh bên trái đường là cơ sở gốm Hoàn Thành. Cặp theo con đường hẻm vào cơ sở gốm là lối vào ngôi nhà thờ họ Trần, còn gọi là nhà cổ Trần Ngọc Du.

Ngôi nhà ẩn mình trong khu vườn rợp bóng mát, trước mặt là dòng sông Đồng Nai trong xanh. Tất cả những gì ở trong ngôi nhà này đều lưu giữ một chút dấu xưa, phảng phất hồn không gian sống của cha ông ngày trước...

 Nhà cổ Trần Ngọc Du sau khi được trùng tu.

Nhà cổ Trần Ngọc Du do chính ông Trần Ngọc Du, lúc bấy giờ là một quan huyện cùng toán thợ mộc Bình Dương đảm nhiệm. Ngôi nhà được cất trên mảnh đất hương hỏa của dòng tộc rộng 2.700m2, với tổng diện tích sử dụng khoảng 500m2, gồm nhà trên, nhà dưới và nhà bếp.

Quan huyện Trần Ngọc Du vốn là người có tư chất của một bậc "phụ mẫu" và rất có ý thức về sự tồn vong của họ tộc. Bởi vậy, việc xây dựng từ đường đối với ông rất hệ trọng. Chính ông là người đã chỉ đạo cho toán thợ mộc Bình Dương vào rừng tuyển gần 200 cây gỗ quý các loại như: căm xe, sao, dầu, sến, gõ v.v... Sau đó, gỗ được vận chuyển bằng đường thủy về rồi phân loại sử dụng. 100 cây dùng làm cột, số còn lại dùng làm xuyên, đòn tay, rui, xẻ ván để trang trí nội thất...

Toàn bộ số gạch lát nền và ngói âm dương được đặt mua ở các lò gốm ven vùng Tân Vạn. Đặc biệt số đá tảng dùng kê chân cột được lấy từ núi Sảnh - núi của gia tộc họ Trần. Riêng việc chạm trổ các họa tiết nơi cánh én, khuôn bông, đầu các vì kèo, cửa buồng, khánh thờ, bàn thờ theo các mô típ dân gian như: tùng-lộc, mai-điểu, cúc-bướm, trúc-mai... được tiến hành rất cẩn trọng trong suốt một thời gian dài.

Nhưng, qua những thăng trầm của thời gian, do những ảnh hưởng của tự nhiên, xã hội, nhà cổ Trần Ngọc Du bị xuống cấp, thu hẹp dần. Từ năm 1965, khu nhà dưới bị xóa sổ hoàn toàn. Ngôi nhà cổ hiện nay chính là ngôi nhà trên.

Lí do được “chấm điểm”

Nhà cổ Trần Ngọc Du là một trong 401 nhà cổ ở Đồng Nai đã được khảo sát để trùng tu, gìn giữ. Trong 401 ngôi nhà ấy có những ngôi nhà nhiều tuổi hơn nhà Trần Ngọc Du như nhà cổ ở ấp Phú Mỹ 2, Phú Hội (Nhơn Trạch, Đồng Nai) được xây vào năm 1820. Cũng có ngôi nhà độc đáo, lạ mắt  hơn nhà cổ Trần Ngọc Du như nhà cổ của hội đồng Liêu ở làng nhà cổ Hiệp Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Nhưng nhà cổ Trần Ngọc Du lại được Jica (Tổ chức văn hóa và phục hồi văn hóa của Nhật) mà cụ thể là Trường đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản (Showa Women's University) chọn để trùng tu và giới thiệu với UNESCO.

Theo các chuyên viên ở Phòng Di sản văn hóa Bảo tàng Đồng Nai, nhà cổ Trần Ngọc Du được phía Nhật Bản chọn trùng tu bởi ngôi nhà này may mắn còn giữ được kiến trúc và một số vật dụng nguyên bản. Trong khi đó, nhiều nhà cổ khác đã bị “biến tấu” đi rất nhiều.

Trong suốt 2 năm (2001-2002), ngôi nhà được kiến trúc sư Akiyoshi Ejima cùng các chuyên gia Nhật Bản trùng tu. Theo lời ông Trần Ngọc Bửu Hiệp (cháu gọi ông Trần Ngọc Du bằng cố nội) người hiện trông giữ nhà cổ thì các chuyên gia Nhật Bản làm việc rất kỹ lưỡng, nghiêm túc. Họ lấy từng mẫu gỗ đưa về Nhật thử nghiệm. Những mẫu gỗ dùng để trùng tu được lấy từ Philippines, với tuổi gỗ tương ứng với tuổi gỗ nhà cổ. Đặc biệt các cột nhà, vì kèo, cánh én v.v... được phục chế hoàn toàn không “pha chế”, thậm chí không được đánh bóng bằng vécni...

Theo tiêu chí của UNESCO, “Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ” được trao cho những ngôi nhà đại diện cho nền văn hóa truyền thống của mỗi khu vực. Lối kiến trúc tinh diệu của ngôi nhà ấy phải được thể hiện bằng bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công Việt Nam. Nếu xét về những tiêu chí trên thì nhà cổ Trần Ngọc Du xứng đáng hơn cả trong danh sách nhà cổ ở Đồng Nai.

Đây là nhà được thiết kế theo kiểu nhà sắp đọi, (nhà trên, nhà dưới nối tiếp nhau, còn gọi là chữ Nhị), một kiểu nhà đặc trưng của nông thôn Nam Bộ, với tính ưu việt vừa tiết kiệm gỗ vừa tạo không gian thoáng đãng mà vẫn đảm bảo tính vững chắc. Và, theo lời truyền lại của các bô lão thì toán thợ mộc Bình Dương là những người thợ vốn có tay nghề điêu luyện bậc nhất vào thời ấy.

Tuy đã qua hơn 100 năm, ngôi nhà đã bị thu hẹp, thất tán nhiều vật dụng gia đình, cũng như không còn những bức hoành phi, liễn đối quý, minh chứng cho một thời vàng son của dòng tộc họ Trần, nhưng kiến trúc cơ bản thì vẫn còn

Việt Trần
.
.
.