“Nhà búp bê” trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ

Thứ Bảy, 25/11/2006, 09:06

Với những người say mê nghệ thuật sân khấu, "Nhà búp bê" là vở kịch tâm lý được yêu thích nhất, một câu chuyện cuộc đời giản dị mà khiến bao trái tim phải nức nở bởi những bài học, những ý niệm mà nó truyền đạt tới.

Vở diễn "Nhà búp bê" là công trình hợp tác văn hoá giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Đại sứ quán Na Uy nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của tên tuổi lừng danh trong làng kịch nghệ thế giới: Henrik Ibsen.

Nora Helmer (NSND Lê Khanh thủ vai) là một phụ nữ vốn quen được cưng chiều, che chở. Nàng luôn mong đợi được chồng mình đối xử như một người vợ dễ thương, yếu đuối. Để cứu mạng chồng, nàng đã giả mạo giấy tờ để có tiền. Nhưng rồi câu chuyện ấy rốt cục cũng bị người chồng phát hiện ra. Và chính là những hành vi ứng xử của người chồng (nghệ sĩ Sĩ Tiến thủ vai) khiến người phụ nữ tội nghiệp giàu đức hy sinh nhận ra rằng, 8 năm trời chung sống đã qua, chồng nàng chưa bao giờ nhìn nhận nàng như một con người, mà chỉ như một con búp bê. Nora đã rời bỏ gia đình để chọn lấy cách sống của riêng mình, để học làm một con người với quyền sống của riêng mình.

Với vai diễn Nora, NSND Lê Khanh làm hài lòng cả khán giả khó tính nhất là người cha, NSND Trần Tiến. Nhận xét về vở kịch, Trần Tiến nói: "Khanh diễn tốt. Đó là một trong những vai diễn mà tôi thấy hài lòng nhất về Khanh".

Đảm nhận một nhân vật phức tạp, có đời sống nội tâm phong phú, sâu sắc, đối diện với vẻ bề ngoài hồn nhiên, có phần dửng dưng, vô tâm, Lê Khanh thêm một lần khẳng định ngôi vị "bà Chúa" của mình, trong mỗi động tác, cử chỉ, trong từng trạng thái xung đột xúc cảm và tính cách nhân vật. Chị làm khán giả có lúc hồi hộp, có lúc đau đớn dõi theo tâm trạng của nàng Nora xinh đẹp, luôn mong muốn được suy nghĩ độc lập, được nhận yêu thương từ những người xung quanh, và đặc biệt, được hy sinh, dâng hiến, được nâng niu những xúc cảm tinh tế trong trái tim bé nhỏ của mình.

Lần đầu tiên khán giả được chiêm ngưỡng Lê Khanh trong màn múa rất nồng nàn của cô gái làng chài trong đêm hội Nôen, một chi tiết tươi vui trong lúc tâm trạng đang ngập tràn âu lo, giằng xé của nàng Nora khi sắp phải đối diện với câu chuyện xảy ra trong quá khứ 8 năm về trước mà chồng nàng đang bước tới rất gần.

Riêng ở cảnh này, Lê Khanh thực sự chiếm lĩnh sân khấu. Chị cuốn người xem vào trong từ trường của cảm xúc chị tạo ra như một cơn lốc đủ mạnh để phút chốc người ta quên đi cái không gian bé nhỏ của nhà hát. Lê Khanh thậm chí còn làm điểm tựa cho bạn diễn của mình, nghệ sĩ Sĩ Tiến vai người chồng vị kỷ Helmer. Nhưng cũng chính bởi bản lĩnh sân khấu của một bản năng diễn quá lớn, nên sự tỏa sáng của Lê Khanh làm mờ nhạt đi chút ít vai diễn của Sĩ Tiến. Người xem có ngay một sự đối sánh để thấy, vai người chồng có gì chưa được nhuyễn, còn cứng, còn gượng gạo và thiếu chiều sâu của sự tinh tế. Mới hay, ở một phương diện nào đó, Lê Khanh trở thành một thước đo... bất đắc dĩ của khán giả. Và chắc hẳn cũng là... bất đắc dĩ trong mong muốn của chị.

Khi vở diễn được "trình làng" tại Festival Ibsen tại Hà Nội, những khán giả Na Uy, quê hương của nhà viết kịch, rất ấn tượng về vai Nora của Lê Khanh. Họ thấy rõ một tinh thần Việt Nam, và cả số phận của người phụ nữ Việt Nam thông qua vai diễn của chị, dù bối cảnh câu chuyện xảy ra trong không gian hoàn toàn khác. Thừa nhận, Lê Khanh đã có thêm một vai diễn "nặng ký" trong nghiệp diễn của mình.

Đạo diễn, NSƯT Lê Hùng thổi vào vở diễn một cá tính riêng, vẫn trung thành với tinh thần của tác phẩm nhưng mang đậm dấu ấn của một Lê Hùng góc cạnh, táo bạo và tinh tế nữa. Ở màn kết của vở diễn, Lê Hùng thay đổi kịch bản bằng cách ông để cho nhân vật Nora làm một cuộc "độc thoại" dài hơi, thay vì đối thoại với chồng như trong nguyên tác, trước khi nàng rời bỏ ngôi nhà ra đi.

Nhiều khán giả cho rằng đó là trường đoạn hơi "nặng nề". Nhưng tâm trạng ấy ở khán giả có lẽ là một "cố ý" của Lê Hùng. Khi nhân vật "tự vấn", ông cũng bắt buộc khán giả phải "tự vấn". Sân khấu được bài trí đơn giản mà hiệu quả. Phần âm nhạc có lẽ đã làm được việc quan trọng nhất là nối liền xúc cảm khán giả với diễn biến tâm trạng của nhân vật. "Nhà búp bê" là vở kịch tâm lý. Một cốt truyện không có gì khó hiểu, cầu kỳ. Nhưng sự phức tạp và đỉnh điểm của những mâu thuẫn lại nằm trong tâm lý của nhân vật, với những tình huống xung đột làm người xem ngộp thở. Lê Hùng chứng tỏ mình là một đạo diễn thông minh khi dùng âm nhạc như một "phép lợi thế tinh thần" cần thiết.

Ngoài ra, còn phải kể đến vai trò cố vấn văn học của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái. Lê Khanh vừa vào vai chính vừa kiêm nhiệm vai trò trợ lý đạo diễn. Bên cạnh là Bá Anh (vai bác sĩ Rank), Hoa Thuý (vai bà Lindon), Văn Thành (vai Krogstad) Ngọc Bích (vai An- Mary)... những gương mặt quen thuộc của sân khấu Tuổi trẻ. Họ làm nên một bản dựng mới mang tinh thần Việt Nam dành cho khán giả và thực sự đã làm hài lòng khán giả.

Đây là một cơ hội để những khán giả yêu sân khấu được thưởng thức tác phẩm sân khấu đã được dàn dựng thành công ở nhiều nước trên thế giới. "Nhà búp bê" từng làm "cả châu Âu sửng sốt" ngay từ lúc nó ra đời và cho tới nay vẫn luôn được nhiều thế hệ khán giả chào đón.

Vở kịch tâm lý sâu sắc này là tiếng nói không khoan nhượng của tác giả nhằm vào lòng ích kỷ, hẹp hòi của người chồng, trong những giây phút quan trọng của đời sống gia đình, khiến cho người vợ chợt nhận ra rằng mình đã mất nhiều năm tháng để yêu thương và hy sinh cho cái bóng của một người đàn ông mà chị nghĩ là hoàn hảo. Không chấp nhận là một con búp bê trong ngôi nhà, người vợ đã chọn giải pháp rời bỏ gia đình, ra đi để tự nhận thức cuộc đời...

Bình Nguyên Trang
.
.
.