Nhà báo, phong bì và phim Tết

Chủ Nhật, 21/02/2010, 00:25
Chuyện nhà báo nhận phong bì kèm thông cáo báo chí, bộ tài liệu của các công ty, các đơn vị tổ chức sự kiện… khi đi họp báo đã là chuyện bình thường. Nó được hiểu như một bữa cơm trưa, một ly cà phê của người tổ chức sự kiện gửi cho nhà báo, thay lời cảm ơn hoặc thay cho việc phải lo những bữa cơm tập thể tốn tiền mà không mấy ai vui.

Khi nhà báo bị… lên thớt!

Có một chi tiết, được coi là chi tiết hài, trong phim "Những nụ hôn rực rỡ" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Nữ nhà báo Hà Trương đang xem show ca nhạc từ thiện thì đòi tìm gặp người của bộ phim mà cô PR để… đòi nhận phong bì. Quả là cũng khiến nhiều người bật cười. Nhưng cũng không ít người thấy chi tiết này quá lố. Vì nó không chính xác với thực tế của đời sống báo chí. Nó khiến người ta bật cười, phần nhiều vì sự nhấn nhá hơi cố tình của đạo diễn, nhằm tạo hiệu ứng mạnh hơn cho tình huống phim chứ không phải vì sự hợp lý  của nó.

Không ít nhà báo cho rằng, nó không liên quan đến bộ phim. Dẫu vậy, hợp lý hay không, đó cũng chỉ là một bộ phim và đạo diễn có toàn quyền với bộ phim của mình. Nhưng, làm thế nào để "khều" cho trúng lại là một câu chuyện không đơn giản. Sự hiểu biết lúc nào cũng là câu chuyện khôn cùng. Và sự chia sẻ, cảm thông của những người làm nghề cũng là chuyện khôn cùng. Cảm thông hay tức giận, cười vui hay phẫn nộ trước một chi tiết trong phim hoàn toàn là bởi cách mà chúng ta nhìn nhau ra sao, chia sẻ với nhau tới mức nào…

Cũng trong bộ phim này, ca khúc "Em là ai?" của nhạc sỹ Huy Tuấn được coi như cuộc giằng co giữa các nhà báo chuyên săn tin lá cải với một ngôi sao ca nhạc. Và nó cũng làm không ít phóng viên báo mạng tức giận. "Nếu thật sự mà có những nhà báo không vui vì hình ảnh của mình trong bài hát này thì tôi sẽ... rất vui đấy. Chính họ - những người vì bài hát này mà ghét tôi, thì đó chính là nhân vật mà tôi muốn đề cập đến. Và nếu có nhiều người giận thì càng tốt, vì như vậy, tôi cũng đã phản ánh đúng được một mặt trái của nghề báo. Các nhà báo đó đỡ phải tự phê bình chính mình rồi còn gì! Tôi không sợ những người này ghét, vì tôi không sống và làm việc bằng các trò vè, scandal. Tất nhiên tôi hiểu rằng nếu chỉ có công việc, chuyên môn không thì đôi khi rất khô khan, nhưng không phải vì thế mà cứ hô hào hết báo này báo khác điệp khúc "trai gái" đăng tải đầy rẫy trên các báo. Vậy nên, mới cần các nhà báo có nghề - mà theo tôi được biết thì có không ít phóng viên chẳng biết gì về lĩnh vực mà họ viết, thử hỏi có bao nhiêu nhà báo có chút kiến thức về phim ảnh hoặc âm nhạc?

Nhiều phóng viên thường nghe nhạc bằng tai người khác, xem phim thì ngóng cảm xúc của người khác, đợi xem đồng nghiệp viết theo hướng gì thì a dua. Vậy mà khi phim ra, họ cũng "đánh đập", chương trình làm ra họ cũng phê phán như ai. Báo chí vẫn phê phán dạo này âm nhạc xuống cấp, ca từ thế này thế kia, chạy theo thị hiếu rẻ tiền… Tôi cũng thấy được hình ảnh này trong nghề báo, chỉ có điều là các bạn ít tự phê bình mình mà thôi. Tôi thật sự thấy phiền lòng khi thấy các nhà báo trẻ mới vào nghề mà cũng đã chạy mải mê "buôn bán", "xào nấu" như thể họ chỉ có mỗi một việc đấy để làm.

Mới đây, tôi gặp một cô nhà báo rất trẻ, vừa nhìn thấy tôi, câu đầu tiên cô ấy hỏi là về chuyện quan hệ trai gái. Mặc dù tôi đã có lời giải thích, nhưng khi về, cô ấy đã cho tôi ngay một cái tít câu khách đại loại là tôi đang "nhìn ngắm" giai nhân của người khác. Tôi thấy họ mới vào nghề mà chẳng chịu trau dồi nghề nghiệp, lại đã vội vã chạy theo thị hiếu như thế thì một ngày kia họ sẽ mang theo cái hành trang gì, khi họ trưởng thành?" - Huy Tuấn trả lời thẳng thắn trên báo như vậy.

Dường như, sau "tuần trăng mật" của buổi đầu ưu ái, phát hiện, giới thiệu và nâng niu nhau, nhà báo và nghệ sỹ đã buộc phải nhìn nhau như những "đối tác", có mặt mạnh và mặt yếu, phê phán nhau thẳng cánh và chấp nhận nhau như một sự đã rồi…

Chuyện nhà báo nhận phong bì kèm thông cáo báo chí, bộ tài liệu của các công ty, các đơn vị tổ chức sự kiện… khi đi họp báo đã là chuyện bình thường. Nó được hiểu như một bữa cơm trưa, một ly cà phê của người tổ chức sự kiện gửi cho nhà báo, thay lời cảm ơn hoặc thay cho việc phải lo những bữa cơm tập thể tốn tiền mà không mấy ai vui. Và nó không có nhiều, số tiền ít ỏi đó thực sự mang ý nghĩa của sự cảm ơn nhiều hơn là những giá trị vật chất. Không ai giàu được từ những chiếc phong bì đó. Cũng không nhà báo nào có ý định sẽ sống bằng phong bì các cuộc họp báo.

Và, có không ít những nhà báo rất chọn lọc những cuộc họp báo để xuất hiện. Chỉ khi nào thấy những thông tin có giá trị, những cuộc họp báo nghiêm túc thì họ mới tới dự để viết bài. Nếu ai đã từng can dự vào đời sống văn nghệ ở Sài Gòn, sẽ tự hiểu rằng, rất nhiều cuộc họp báo chỉ nhằm để PR một gương mặt hay sản phẩm giải trí nào đó, mà thực sự không xuất sắc. Còn những ngôi sao có đẳng cấp thì thường tổ chức những sự kiện nghiêm túc, và những cuộc họp báo đó không ai có nhu cầu đòi hỏi phong bì.

Việc gửi phong bì kèm theo cho nhà báo chỉ là sự cộng thêm, không có ý nghĩa bắt buộc. Còn bản thân việc đưa phong bì cho những sản phẩm không xuất sắc, là khi người sản xuất không tự tin với sản phẩm của mình và khi muốn "mua chuộc" nhà báo, thì người đáng trách trước tiên phải là nhà sản xuất, là những người đưa ra những sản phẩm chất lượng không cao nhưng lại muốn "đánh lận con đen" với người tiêu dùng bằng việc… mượn tay nhà báo để đưa đến người tiêu dùng những thông tin… óng mượt. Và, những nhà báo tiếp tay cho chuyện đó là người đáng trách thứ hai. Nhưng, đó lại là câu chuyện khác. Nó không phải là câu chuyện phong bì họp báo mà chúng ta đang muốn bàn tới.

Thực ra các nhà báo không nên nổi giận trước một chi tiết phim ảnh. Mà nên nổi giận vì cách mà nhiều người (không phải các đạo diễn hay nhạc sỹ vừa đề cập) đang nhìn về công việc của mình; những nỗ lực đưa thông tin đến bạn đọc đã bị nhìn như một công việc "săn tìm" tiền bạc một cách lộ liễu và hoàn toàn vụ lợi. Còn một chi tiết trong phim mà Nguyễn Quang Dũng đề cập, có lẽ nên hiểu là một sự cường điệu vui nhiều hơn. Và nếu có khắt khe hơn, thì có thể đạo diễn này chưa thực sự am tường về giới báo chí văn nghệ mà thôi…--PageBreak--

Nhà báo, nhà biên kịch Trần Thị Hồng Hạnh: Cảm giác nhà báo bị tát vào mặt

Chuyên viết mảng điện ảnh của báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Trần Thị Hồng Hạnh còn được biết đến như một nhà văn trẻ với giải nhất "Văn học tuổi 20" và đang thực hiện nhiều kịch bản phim truyền hình.

"Có một số nhà báo thật, đóng vai nhà báo trong phim ở cảnh cuối. Nếu như để nhà báo thật nói câu đó (theo kiểu tự trào) thì lại khác, còn đằng này để diễn viên đóng vai nhà báo nói câu đó thì chẳng khác gì tát vào mặt những nhà báo đóng phim mình. Tôi không phản đối chuyện phê phán, châm biếm nhưng làm sao để thuyết phục đối tượng bị châm biếm lại là chuyện khác. Theo tôi câu thoại về phong bì đó không thực sự cần thiết. Chỉ sự phê phán cánh viết báo lá cải chạy theo đời tư người ta là đủ rồi" - Hồng Hạnh tâm sự.

Chị đánh giá thế nào về những bộ phim Việt Nam chiếu Tết năm nay?

Tôi nghĩ là phim Tết năm nay cũng như các năm khác thôi: một nồi lẩu thập cẩm, nhẹ nhàng, giải trí và xem xong thì quên… Cá nhân tôi trông đợi nhiều ở hai phim là "Khi yêu đừng quay đầu lại" và "Những nụ hôn rực rỡ". Thế nhưng, tôi cũng chưa thực sự hài lòng vì thấy mình xem không "đã". Thiết nghĩ cũng cần phải nói thêm rằng kỳ vọng của khán giả là khôn cùng nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu một bộ phim không xứng đáng với kỳ vọng đó.

Có người nói, phim Tết lúc nào cũng rơi vào tình trạng làm cho người xem ấm ức. Phim hài nhảm nhưng mà nhảm cũng chưa tới. Phim tình cảm thì bị lưng chừng. Chị có nghĩ vậy không?

Tôi nghĩ rằng đừng nên tìm kiếm điều gì cao xa, ẩn ý nghệ thuật hay một tác phẩm điện ảnh hay và ám ảnh trong những bộ phim chiếu Tết. Tôi nghĩ với cách làm phim chiếu Tết hiện nay của ta, người xem đang được định hướng (và buộc phải nhìn theo một hướng) là phim Tết: một chút vui vui, một chút tình cảm và… chấm hết!

Mùa Tết là mùa điện ảnh Việt Nam làm ăn. Câu chuyện ì xèo của báo chí năm nay gần như im lặng. Nghĩa là nhà báo rất thương nhà sản xuất phải không chị?

Tôi nghĩ thế này: một năm, khán giả Việt chỉ có một mùa đi xem phim Việt Nam ở rạp. Nhà sản xuất tốn vài tỉ đồng cho một phim. Cần phải cổ động khán giả Việt Nam đi xem phim Việt Nam nên thói quen của tôi và một số đồng nghiệp khác là không chê phim trước khi phim ra rạp. Chờ qua Tết thì mới viết bài đánh giá. Dùng từ "thương" thì không chính xác lắm nhưng có thể nói là "chia sẻ" thì đúng hơn.

Nhưng đến lúc này, tôi thấy cần phải có cái nhìn khách quan hơn. Thực sự chị thất vọng về phim Tết này?

Thực sự là tôi thấy thất vọng. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc nhà sản xuất cần cho khán giả những bộ phim tốt hơn, được chuẩn bị công phu hơn, xem "đã đời" hơn.

Có một sự "xôn xao" nho nhỏ trên Facebook của chị và một vài nhà báo khác về chi tiết nhà báo và phong bì trong phim "Những nụ hôn rực rỡ". Chị thấy chi tiết này có cần thiết? Và chị suy nghĩ như thế nào về hình ảnh nhà báo trong phim này?

Chuyện thế này này, khi tôi đi xem "Những nụ hôn rực rỡ" cùng với một đứa cháu đang làm nghề tin học (nghĩa là chẳng biết gì về thế giới nghệ sĩ cùng truyền thông), xem xong, nó nhìn tôi đầy nghi hoặc: "Có phải những nhà báo như cô cũng đòi phong bì giống bà kia không cô?". Tôi sững người. Một số bạn làm phim nói là nhà báo không có óc hài hước khi chi tiết như vậy mà không cười được. Tôi nghĩ nếu họ được nhận một câu hỏi như cháu tôi hỏi tôi thì chắc họ khóc chứ không cười.

Chuyện thứ hai: có một số nhà báo thật, đóng vai nhà báo trong phim ở cảnh cuối. Nếu như để nhà báo thật nói câu đó (theo kiểu tự trào) thì lại khác, còn đằng này để diễn viên đóng vai nhà báo nói câu đó thì chẳng khác gì tát vào mặt những nhà báo đóng phim mình. Tôi không phản đối chuyện phê phán, châm biếm nhưng làm sao để thuyết phục đối tượng bị châm biếm lại là chuyện khác. Theo tôi câu thoại về phong bì đó không thực sự cần thiết. Chỉ sự phê phán cánh viết báo lá cải chạy theo đời tư người ta là đủ rồi.

Hình ảnh nhà báo đòi phong bì và săn tin lá cải hiện lên trong phim theo chị có phản ánh đúng về thực trạng một bộ phận phóng viên hiện tại?

Đúng và không đúng. Đúng là vì nhiều người còn không phân biệt được đâu là cộng tác viên, đâu là phóng viên nên gom cả cụm lại. Tôi thấy những người làm báo đàng hoàng không ai đòi phong bì như thế. Bao nhiêu trong cái phong bì để đòi cho mất nhân cách của mình? Còn việc săn tin lá cải thì cũng phải nên nhìn hai chiều: nếu nghệ sĩ cương quyết từ chối không trả lời, không cung cấp thông tin thì lấy gì cho người ta viết? Còn về phía người làm báo thì thú thật là tôi cũng thấy có một bộ phận chuyên bới móc đời tư người ta thực sự.

Chị đánh giá thế nào về chân dung nhà báo trên phim Việt?

Tôi thấy phần lớn người viết kịch bản lẫn đạo diễn đều không phải là người làm báo nên chưa hiểu nhiều về người làm báo và nghề báo. Có người thì hiểu quy trình làm tạp chí mà không hiểu quy trình làm nhật báo cho nên những lỗi về chuyên môn xuất hiện rất nhiều trong phim truyền hình lẫn phim nhựa. Không loại trừ trường hợp người viết cố tình xây dựng nhân vật nhà báo theo hướng tiêu cực. Tôi nghĩ nếu các nhà làm phim chịu khó nhờ nhà báo nào đó tư vấn cho về chuyên môn nghề báo thì sẽ tốt hơn. Có chửi thì cũng phải chửi cho trúng người ta mới tâm phục khẩu phục chứ.

Các đạo diễn cho rằng, các nhà báo luôn phê phán phim dở, ca sỹ chỉ cần mặt đẹp mà thành ngôi sao. Trong khi các đạo diễn mới… khều nhẹ mà các nhà báo đã phản ứng dữ dội. Chị nghĩ sao?

Có ai phản ứng gì đâu mà dữ dội? Facebook của tôi chỉ dẫn lại bài viết của một bạn nhà báo thôi. Còn cá nhân tôi chỉ muốn nói lại cho rõ cái "phong bì phong biếc" trong phim. Khán giả không biết phóng viên mảng nào là phóng viên mảng nào, cứ thấy phóng viên là nghĩ phóng viên thôi. Ngay cả mảng ca nhạc cũng không ai đòi tiền kiểu nhân vật đó. Lần sau nếu đạo diễn muốn "khều" thì "khều" cho trúng, "khều" không trúng thì người ta phản ứng là đúng thôi. Dĩ nhiên tôi không thể bảo đảm 100% người viết báo không ai đòi phong bì nhưng tôi chắc chắn không ai la toáng lên giữa đám đông khi đang xem show diễn như thế. Nhân cách ở đâu? Nhân cách một người có đáng đánh đổi với mấy xu bạc lẻ đó không?

Chị có nghĩ rằng, chúng ta cần khách quan và tôn trọng nhau hơn nữa, trong những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, nhất là nghề nghiệp nghệ thuật?

Tôi chỉ nói riêng cá nhân mình thôi nhé. Khi tôi nhận xét một vấn đề gì đó, là tâm sức của người sáng tác thì tôi hết sức cẩn trọng, cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn của lĩnh vực để mình khen cho đúng và chê cho trúng. Tôi nghĩ là nếu giữ thái độ cầu thị, biết nghe những lời phản biện thì mình mới có thể phát triển được. Nghề gì cũng thế

Bảo Bình (thực hiện)
.
.
.