Người viết và nỗi buồn về... kiến văn

Chủ Nhật, 21/03/2010, 21:59
Trong đội ngũ những người làm báo chí văn nghệ, không hiếm người còn tỏ ra có những suy nghĩ đơn giản, thậm chí phải gọi là ngây ngô. Họ chắc chắn chưa thể ngang tầm với một công dân bình thường chứ đừng nói gì tới việc mong trở thành người đại diện cho công luận.

Vừa rồi, đọc bài viết "Chuyện phiếm bên bàn trà" của nhà thơ Trần Đăng Khoa được tải trên một trang web nọ, tôi thực sự tâm đắc với một ý kiến mà Trần Đăng Khoa đưa ra (thông qua lời của một... lão nông), đại thể là trình độ dân trí của ta bây giờ không ấu trĩ, u mê như một số người lầm tưởng đâu. Bây giờ, chỉ cần ngồi nhà, kéo cái cần ăngten lên là họ đã nắm được toàn thế giới. Trong khi có nhiều người tiếng là cán bộ nhưng lại ấu trĩ, non kém, không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người dân.

Nhận xét này làm tôi liên hệ tới một ý kiến của nhà văn Lê Hoài Nam được đăng tải trên Báo Văn nghệ cách đây ít năm: "Để sinh tồn, hơn mười năm qua, các cơ quan xuất bản đã bán giấy phép cho hàng loạt sách văn chương thứ phẩm" và "phần đông tác giả của những cuốn sách loại này trình độ (kể cả văn hóa cơ bản và kiến văn) còn thua kém trình độ bạn đọc. Anh viết văn mà trình độ của anh kém bạn đọc thì anh bị bạn đọc từ chối là lẽ đương nhiên".

Đúng là hiện tại, chỉ nói riêng trong đội ngũ những người làm báo chí văn nghệ, không hiếm người còn tỏ ra có những suy nghĩ đơn giản, thậm chí phải gọi là ngây ngô và về mặt này, họ chắc chắn chưa thể ngang tầm với một công dân bình thường chứ đừng nói gì tới việc mong trở thành người đại diện cho công luận.

Tôi xin dẫn dụ ra đây một số trường hợp tôi đọc được từ cuốn sách được ấn hành cách đây hơn năm. Thú thật, có những điều tôi đọc mà không tin vào mắt mình và tôi chắc chắn là, độc giả cũng sẽ có chung cảm giác tương tự.

Trong bài "Thái độ xã hội với tham nhũng", một tác giả có cách lập luận rất lạ rằng "Thằng ăn cắp trứng gà ra tù rồi còn bị coi khinh chứ ông ăn cắp dự án ra tù thì đố ai dám khinh", đã yêu cầu "Ngày trước chúng ta có bao nhiêu từ ngữ khinh bỉ, căm hận dành cho kẻ thù xâm lược thì nay cũng cần có bao nhiêu từ ngữ như vậy, ném vào mặt bọn tham nhũng" và theo ông nhân dân có thể ném "bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu". Chưa hết, ông còn đề nghị "toàn thể xã hội lên án chửi rủa đến mãn kiếp" và khiến cho vợ con gia đình họ "cũng không tránh khỏi sự nhục nhã ê chề".

Dù đồng cảm với người viết về nỗi bức xúc trước nạn tham nhũng đến đâu chăng nữa, tôi cũng vẫn tin chắc rằng, nhân dân ta vốn bản tính nhân đạo sẽ không ai nỡ, cũng như không ai có thời gian để mà chửi rủa ai đó cùng vợ con họ đến "mãn kiếp" như vậy?

Bài "Tìm người tài và trọng dụng người tài", một tác giả lại đưa thông tin "vừa rồi tỉnh Nghệ An đã cấp đất làm nhà cho văn nghệ sĩ và cầu thủ bóng đá" và bình luận "Giá mà ngành nào, địa phương nào cũng có cách nghĩ, cách làm chí ít được như ở Thanh Hóa, Nghệ An thì càng làm tăng thêm nguồn nội lực cho đất nước". Tôi lại cho rằng, nếu đâu đâu cũng làm như thế thì đất nước càng "tăng nhanh" các văn nghệ sĩ rởm và cầu thủ rởm mà thôi.

Bài "Báo động đỏ về tai nạn giao thông", một nữ tác giả đã nhìn sự xuất hiện của những chiếc xe máy trên con phố thanh bình, êm ả vốn tưởng chỉ dành cho người đi xe đạp của chị như... những kẻ xâm lược. Và chị cho rằng, tai nạn giao thông chủ yếu là do những chiếc xe máy chất lượng tồi, giá thành rẻ mà ra. Chứng kiến hai nạn nhân xe máy được đưa vào Bệnh viện Việt - Đức, dù chỉ nói đó là "những tai nạn xe máy do tuổi choai choai mới lớn", song chị vẫn phẫn nộ nêu câu hỏi: "Không biết những người chủ trương nhập khẩu xe máy Trung Quốc đã bao giờ nhìn thấy cảnh thê thảm này chưa?".

Gần đây nhất, tôi có đọc bài của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học luận bàn về việc đọc sách. Trước việc dân ta mạnh về đọc báo hơn là đọc sách, nhà nghiên cứu, phê bình này đã nêu ý tưởng: "việc tổ chức các tủ sách cho các nhà văn hóa, các trường học, các dòng họ (nhờ vào sự bảo trợ của cá nhân hoặc đoàn thể) để cho sách có thể được tiêu thụ với số lượng lớn hơn, và đến được bất cứ nơi nào cần đến".

Chao ôi, tưởng sáng kiến thế nào, chứ vẫn cách thức nhờ nơi này nơi kia hỗ trợ để sách có thể "được tiêu thụ với số lượng lớn hơn" thì việc tiêu thụ ấy quá đơn giản. Chẳng đã có bao trường hợp, sách được in ra, người ta lợi dụng cơ chế để tìm cách nhồi nhét (mà có người gọi một cách mỉa mai là..."ấn" hành) hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuốn vào các thư viện mà không mấy người đọc ngó ngàng tới đó sao. Vấn đề không phải là sách tiêu thụ sao cho được nhiều, mà là làm sao có sách hay. Bên cạnh đó là công tác phối hợp tuyên truyền để người đọc có thêm điều kiện nhận biết và tìm đọc. 

Rất nhiều ý kiến đại loại như vậy đang tràn ngập trên báo chí, trên các diễn đàn. Điều đáng nói là, sau khi phản ảnh những bức xúc này khác, thường thì các bài viết trong tập sách được kết thúc bằng những câu "Đề nghị Đảng và Nhà nước dốc hết tâm lực và sức mạnh". Thế mới biết, đưa ra nhận xét thì dễ, có được giải pháp tháo gỡ mới khó. Và sự đời, không phải ý kiến nào cũng là... sáng kiến

Tường Duy
.
.
.