Người trải hồn cùng... cối đá

Thứ Bảy, 08/01/2011, 10:41
Cối đá rất nặng với ai song với nhạc sĩ Đàm Hường (Hội VHNT TP Hải Phòng) lại là mối thâm duyên để hồn người bay bổng. Tới thăm Đình Hòa Lạc, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào dịp cuối năm này, khách du lịch không khỏi ngỡ ngàng trước bộ sưu tập cối đá đồ sộ - những di sản văn hóa làng quê Việt từ bao đời nay được ông "gom" lại bằng tất cả sự đam mê đến lạ lùng…

Tính đến giờ, bộ sưu tập của nhạc sỹ Đàm Hường đã có trên 500 chiếc cối đá các loại cùng 100 trụ đá... To đến 2 người ôm, nhỏ thì như chiếc cơi trầu. Có chiếc niên đại tồn tại đã hàng trăm đời người, bị giã đến thủng cả đáy đủ minh chứng cho những tháng ngày lao động cực nhọc của người dân vùng biển Hải Phòng và Đồng bằng Bắc bộ từ ngàn xưa.

Bộ sưu tập độc đáo được người nhạc sỹ xếp theo thứ tự riêng, theo cách của ông tại một góc của Đình Hòa Lạc, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng quê ông - hệt như những nốt nhạc trong một bản nhạc chỉ ông mới hiểu. Gặp Đàm Hường, nhắm với ông chén rượu quê bên "bàn giao hưởng"... cối đá nọ, nghe ông kể say sưa không muốn dứt những câu chuyện từ xửa, từ xưa về… cối đá mới thấy nhạc sỹ Đàm Hường đam mê đến thế nào và chẳng "hâm" chút nào (như người đời đồn thổi) trước những kỷ vật tuyệt vời ông cha ta để lại.

Nhạc sỹ Đàm Hường "vần" chiếc cối đá vào bộ sưu tập của mình tại Đình Hòa Lạc, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên.

Sinh năm 1955, hiện đang là giảng viên tiếng Đức tại Đại học Hải Phòng, song từ bé, Đàm Hường đã rất quen với tiếng chày giã gạo và những chiếc cối đá quê mình. Lớn lên, học Đại học Ngoại ngữ ở Hà Nội rồi sang tu nghiệp tại Viện Gớt (CHDC Đức cũ), làm phiên dịch kiêm quản lý một đoàn hợp tác quốc tế Việt Nam tại Đức, những tưởng ông Hường chẳng còn liên quan gì đến những chiếc cối đá - vật dụng gắn bó bao đời với người nông dân nước Việt quê nhà. Thế nhưng, những chiếc cối đá không biết từ lúc nào cứ ám ảnh trong tâm tưởng ông, cứ như duyên trời định.

Từ năm 1997, có được chút tiền dành dụm, ông bỏ ra tất để sưu tầm cối. Bắt đầu từ những vùng quê ở Hải phòng rồi bất kỳ nơi nào, hễ cứ nghe ở đâu có những chiếc cối cổ, ông đều lặn lội đi lùng bằng được. Bạn bè trong giới văn nghệ sỹ ở thành phố Cảng ban đầu đều cho ông là… kỳ quặc. Kỳ quặc hơn nữa ở chỗ, mỗi lần kiếm ở đâu về cối đá là ông Hường lại đích thân bê, lăn, rửa thật sạch để vào cạnh những chiếc cối cũ… cho dày thêm bộ sưu tập của mình. Mà nào nhẹ gì cho cam, có chiếc theo quan sát nặng hàng tạ, người nhỏ bé như ông Hường cứ hì hục lăn chúng một mình trông thật tội.

Ông tâm sự: "Nhìn những chiếc cối đá bị vứt chỏng chơ ra bờ ao, góc ruộng, bị vùi lấp dưới các lớp bùn, bãi rác, thậm chí bị đập ra nung vôi. Ông rất xót khi chúng đang bị chôn vùi vào lãng quên. Và càng buồn hơn khi hiện vật ý nghĩa này dường như không còn ai để mắt tới nữa. Tự đáy hồn mình, ông muốn bảo vệ chiếc cối đá ngày xưa và những kỳ tích cối đá đã tạo nên để thế hệ ngày nay biết giữ gìn, ghi nhận và trân trọng nó.

Theo nhạc sỹ Đàm Hường, riêng cối giã gạo đã là nét văn hóa phồn thực của văn hóa Việt đại diện cho nền văn minh lúa nước từ rất lâu đời. Cối giã gồm có chày và cối tượng trưng cho "âm dương, hợp cách" chỉ sự sinh sôi, là gốc rễ của mọi nền văn hóa. Giờ đây cuộc sống khá lên, bộ mặt nông thôn cũng được đổi thay, những máy nổ, máy xay đã thay thế những vật dụng thủ công đơn giản. Rồi sẽ có một ngày những chiếc cối đá chỉ còn là hoài niệm. Chính vì vậy, việc sưu tầm của ông không chỉ là một thú chơi mà còn có ý nghĩa lưu giữ di sản văn hóa làng quê.

Có một chuyện không thể không nói, để có bộ sưu tập như hôm nay, ngoài những tháng ngày vất vả trên, Đàm Hường đã được sự góp sức rất lớn của vợ ông, bà Trần Thị Minh Hà, giảng viên Viện Y học cổ truyền Đông y Tuệ Tĩnh. Sau nhiều lần khuyên can ông không được, cuối cùng bà cũng buộc phải… chiều theo ông.

Dù đã đầy một nhà "cổ vật" nhưng ông Hường vẫn không ngừng tìm kiếm, làm giàu thêm cho kho tàng của mình. Hàng chục năm qua và ngay cả bây giờ, ông vẫn miệt mài đi khắp các nẻo đường quê để lưu giữ lại một chút gì cho con cháu.

Ông bảo, chiếc cối do đàn ông tạo ra, nhưng người sử dụng chủ yếu là phụ nữ, biết bao tâm tư được gửi gắm trong vòng xoay ấy. Nếu người phụ nữ khéo tay thì vòng quay của cối sẽ tròn và ăn đều; người cẩn trọng chiếc cối cũng nguyên vẹn không sứt mẻ… Hơn nữa, giã gạo là một hình ảnh đầy chất thơ của người nông dân. Chiếc cối được đặt dưới nền đất, người nông dân sử dụng một khúc gỗ dài tạo nên một chiếc "bập bênh", một đầu là chiếc chày, đầu kia dành cho người ta đứng chân lên để giã. Mỗi khi dùng chân ấn xuống rồi thả ra, chiếc chày ở đầu kia lại nhấc lên, giã xuống chiếc cối đựng bên trong là gạo mới xay.

Thông thường, để có thể giã gạo trong cối đá cần sự hợp sức của 2-3 người vừa giã gạo vừa râm ran trò chuyện. Bên chiếc cối đá, biết bao mối tình đã sinh sôi, nảy nở chân chất như hạt gạo thôn quê. Phải chăng, vì lý do này mà chiếc cối, chiếc chày từ lâu được coi là gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng văn hóa phồn thực của nhiều vùng, miền…

"Khi nào có khoảng 1.000 chiếc, tôi sẽ xây một bảo tàng hiện vật cối đá hoặc làm một công trình nghệ thuật toàn cối đá để giữ gìn cho thế hệ mai sau biết về cội nguồn, biết về cối đá. Thế hệ trẻ ngày nay nên biết rằng, chúng ta có ngày hôm nay thì phải nhớ đến cội nguồn giá trị lao động của ông cha” - nhạc sỹ Đàm Hường khẳng định

Trịnh Long
.
.
.