Người phục dựng long bào triều Lý

Thứ Ba, 08/06/2010, 15:43
Cứ đi sưu tầm, tìm hiểu rồi ham, anh Giỏi đã bị những hoạ tiết trên y phục cung đình thu hút. Hơn chục năm trời tìm kiếm lời giải cho bài toán y phục cung đình, cuối cùng anh đã phục dựng được thành công long bào thời Nguyễn.

Nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi - người chuyên phục dựng các lễ phục cung đình, ở thôn Đông Cứu (Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội), còn khá trẻ, anh không chỉ là một thợ thêu giỏi của làng, mà còn là một người chuyên nghiên cứu, sưu tầm các bộ y phục, lễ phục của vua, hoàng hậu, các quan vương trong cung đình qua các triều đại của Việt Nam, để từ đó phục dựng lại.

40 tuổi đời, anh Giỏi đã có hơn 20 năm cầm kim thêu. Thời gian đã rèn rũa cho đôi bàn tay của anh trở nên thanh thoát và điêu luyện trong khi thêu, cùng với đó là sự say mê sáng tạo đã luôn thôi thúc anh phải làm gì đó mang tính đột phá trong nghề thêu truyền thống này. Nhưng đột phá thế nào?

Khi còn đang lay hoay chưa biết tìm hướng đi, tình cờ một ngày anh được một Việt kiều tìm đến nhờ may, thêu trang phục cho các đoàn ca nhạc và một số trang phục nghi lễ trong chùa. Dần dà, người Việt kiều ấy lại đề nghị anh may cho những trang phục trong cung đình (chủ yếu là triều Nguyễn).

Có người đặt hàng anh mừng lắm và nhận lời ngay. Nhưng khi nhận rồi mới thấy lo vì mình chưa hiểu biết gì về trang phục cung đình, không có bản mẫu, chẳng có chút thông tin. Thế nhưng đã nhận lời là phải làm cho ra làm, anh Giỏi đã quyết tâm như vậy. Rồi anh bỏ lại tất cả công việc ở nhà để lên đường đi Bắc Ninh, vào Huế..., đọc thêm sử sách và tìm đến các di tích cổ, các đình, chùa để lần mò từng đường hoa văn, từng họa tiết trên các di vật còn lại.

Cứ đi sưu tầm, tìm hiểu rồi ham, anh đã bị những hoạ tiết trên y phục cung đình thu hút. Hơn chục năm trời tìm kiếm lời giải cho bài toán y phục cung đình, cuối cùng anh đã phục dựng được thành công long bào thời Nguyễn.

Điều may mắn nhất với anh là có người bạn đời luôn bên cạnh ủng hộ, động viên chồng tiếp tục thực hiện những hoài bão của cuộc đời. Vì lẽ đó, vợ chồng anh tiếp tục nghiên cứu trang phục của các triều đại khác như Lý, Trần, Lê... và dự tính sẽ làm thành một bộ sưu tập trang phục các triều đại.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi bên sản phẩm của chính mình.

Bên khung thêu, anh Giỏi vừa bận thêu tay áo của vua triều Lý, vừa nói chuyện: Trang phục của vua, chúa có những quy định rất chặt chẽ, nghiêm khắc về màu sắc, canh chỉ. Chính vì vậy trước khi bắt tay vào thêu, phải chuẩn bị rất kĩ, từ chọn lựa chất liệu vải thêu (100% là tơ tằm), chỉ thêu cũng phải là tơ lụa, được se theo những quy chuẩn nhất định, tùy vào từng bộ trang phục và từng họa tiết trên trang phục đó. Được biết, bộ áo đơn giản nhất cũng cần 4 thợ thêu trong vòng 5 tháng, còn bộ phức tạp nhất thì phải có tới 7 - 8 thợ thêu trong vòng 15 tháng.

Ví dụ, một mãng bào của hoàng tử (bộ áo để các hoàng tử đã được sắc phong mặc trong các đại lễ triều hai mùa thu và đông) phải có từ 4 - 5 người thêu cùng một lúc. Nếu mỗi ngày làm 8 - 10 tiếng thì từ 12 - 14 tháng mới xong một bộ.

Từ khi chuyển sang phục dựng y phục cung đình, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã kịp cho ra lò hơn 20 bộ y phục cung đình. Đã từng mang các bộ y phục này đi triển lãm tại Festival Huế; triển lãm tại Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng dân tộc Hà Nội. Hướng về Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà nội, nghệ nhân Nguyễn Văn Giỏi bắt tay vào thêu các họa tiết, hoa văn tay áo vua triều Lý.

Anh cho biết: Vì chưa có đầy đủ tư liệu về y phục vua triều Lý nên chưa thể phục dựng hoàn toàn bộ long bào được, bước đầu phục dựng từng công đoạn một. Anh hy vọng sẽ hoàn thành tác phẩm của mình để kịp tham gia trưng bày tại lễ kỉ niệm 1000 năm

H.Giang
.
.
.