Người phụ nữ náu mình trong bình yên

Chủ Nhật, 21/03/2010, 23:27
Quần bò côn ống rộng và một chiếc áo len buông chùng, Thanh Quý có vẻ quá giản đơn trong cuộc sống hàng ngày hay ngay cả trong những buổi gặp mặt long trọng. Ở đâu, lúc nào chị vẫn thế, chân thật không một chút tô vẽ. Hào quang của quá khứ về một nhan sắc của điện ảnh Việt không phủ bóng lên cuộc đời chị. Cái chất mộc đến hồn nhiên ấy làm Thanh Quý không thể lẫn vào ai, chị  vẫn đẹp mặn mà dù đã đi qua tuổi 50 với không ít những phiền muộn…

Chị hẹn tôi trong một buổi chiều muộn, Hà Nội mưa phùn. Những cơn mưa phùn cuối mùa đông lặng lẽ cho người ta một cảm giác da diết buồn. Chị đón tôi bằng nụ cười ấm áp. Căn nhà bình yên của chị nằm sâu trong ngõ Quỳnh, giống như một khu vườn nhỏ, vừa được Thanh Quý làm lại cách đây mấy năm. Dù có vẻ nó quá rộng so với gia đình nhỏ bé của chị. Cảm giác như lạc vào một ốc đảo bình yên, tách biệt khỏi đời sống đô thị ồn ã. Chị chăm chút cho ngôi nhà đó như chính chị đang muốn giữ cho tâm hồn mình luôn được thanh thản và bình yên khi trở về nơi đây sau những mệt mỏi và những thị phi của người đời. Một cõi bình yên của riêng chị.

Chị bảo, chị vừa đi lễ về, dù không thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn đến cửa chùa vào những ngày lễ, Tết, để cầu mong sự bình an cho mình và những người thân, để tâm mình thanh tịnh hơn. Chứ chị không cầu một điều gì cụ thể, vì chị quan niệm, Phật ngay chính trong tâm mình. Thanh Quý không nói nhiều về quá khứ, bởi với chị, quá khứ dường như đã ngủ yên. Chị không muốn chạm vào nó, và lâu lắm rồi, chị cũng không thấy mình buồn vì nó nữa.

Ngày xưa có thể chị đã từng để mình chìm trong nỗi buồn, có nhiều lúc cảm giác mình không cất mình lên được. Bao chuyện thị phi, và những tin đồn… đã qua hết rồi. Chị cũng không oán giận ai. Con người chị, giận sẽ không giữ được trong lòng. Và với chị, mỗi người đều có một cõi riêng, ngay trong cuộc sống của vợ chồng, dù yêu nhau thì mỗi người cũng có một cõi riêng, không ai chạm tới, và đủ để tôn trọng nhau. Còn bây giờ, cõi riêng ấy, giữa cuộc đời, chị xin được giữ lại cho riêng mình.

Thế hệ chị, những diễn viên khóa 2 của Trường Điện ảnh Việt Nam đã neo vào lòng khán giả về những vai diễn để đời. Những ngày qua, trong chuỗi ngày kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam (15-3-2010), nhiều khán giả vẫn thắc mắc hỏi tại sao không còn một Trà Giang, hay một Minh Châu, Thanh Quý trong điện ảnh hôm nay.

Người ta đã từng biết đến chị với những vai diễn về những người đàn bà đau khổ, cuộc đời đẫm nước mắt. Từ năm 1976 đến 1992, năm nào chị cũng đảm nhiệm những vai nặng ký. Thời vàng son ấy đã đi qua rồi. Nhưng không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên khi trong cuộc gặp gỡ giao lưu với những thế hệ nữ diễn viên của Điện ảnh Việt Nam (12-3-2010), chị lại được Hội Điện ảnh và Trung ương Hội Phụ nữ mời.

Thế hệ chị, và trước nữa, những Bạch Diệp, Trà Giang, Minh Châu… đã để lại những dấu mốc trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Chị nói về nghề một cách say sưa như chưa bao giờ chị rời khỏi nó. Nghệ thuật đã chọn chị, chứ hồi đó, chị chỉ là một cô bé ngoại ô nghèo, chưa có khái niệm gì về đóng phim. Nhưng có lẽ chính sự hồn nhiên của chị và thất bại trong vai diễn đầu tiên đã đưa chị đến gần hơn với điện ảnh. Và trở thành cái nghiệp của đời chị.

Người đàn bà bị săn đuổi, Chuyến xe bão táp, Tình yêu và khoảng cách, Ngõ hẹp… đều ghi dấu ấn Thanh Quý với những tính cách đa chiều và nhiều uẩn khúc. Chị nói, diễn viên cũng như một đầu bếp giỏi, luôn cố gắng nấu những món ăn ngon nhất cho mọi người thưởng thức.

Điểm mạnh của Thanh Quý là chị đã thổi hồn vào chính những nhân vật của mình. Sức sống đó bắt nguồn từ nội tâm của một người đàn bà đa cảm với nhiều cung bậc của cảm xúc xen lẫn giữa đời thực và phim ảnh. Chị sống trọn vẹn với từng nhân vật của mình, đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ. Nên các vai diễn của chị thực sự là những sự hóa thân. Chị chia sẻ, có thể thế hệ diễn viên các chị, làm nghề rất kỹ, chị không bao giờ nhận hai vai diễn cùng một lúc, bởi, chị muốn sống trọn vẹn, đến tận cùng với nhân vật của mình mà không bị phân tâm.

Cầu toàn như vậy, nên Thanh Quý không đóng nhiều phim mà chỉ nhận những vai nào thực sự tâm đắc. Trong hành trình đi tìm nhân vật, đến tận cùng của số phận ấy, chị tìm ra chính mình, khám phá ra mình. Nhiều người hỏi chị vì sao chị thường thành công ở những vai diễn những người đàn bà đau khổ, nhiều nước mắt. Có phải hệ lụy đó đã vận vào đời chị. Chị cười, có lẽ là số phận. Số phận đã sinh ra chị một gương mặt nhan sắc. Số phận cũng đưa chị đến với nghệ thuật. Và số phận đã không thực sự bình yên với cuộc đời chị. Nhan sắc với nghệ thuật, liệu có một chốn nào để dung hòa cho sự bình an. Nên chị cũng chấp nhận điều đó như một lẽ thường.

Thanh Quý, khi nói về ấn tượng với vai diễn nào nhất trong cuộc đời, chị không nói về vai diễn đã đưa chị đến đỉnh cao của vinh quang, Ngân Hà trong Tình yêu và khoảng cách của đạo diễn Đức Hoàn. Với Ngân Hà, Thanh Quý được nhận giải Bông Sen vàng cho "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 tổ chức năm 1985 mà chị say sưa nói về một nhân vật trong phim Chuyện tình của đạo diễn Đức Hoàn. Thanh Quý vào vai một người đàn bà bị mất một chân vì bom đạn, cả gia đình chỉ còn lại hai chị em.

Ở bên cạnh cô em gái (do NSND Lê Khanh đóng) như bông hoa đang rực sắc, số phận nghiệt ngã của người chị gái tật nguyền càng thêm nổi bật. Thế nhưng trong lòng người phụ nữ đã qua tuổi thanh xuân này vẫn còn khát vọng tình yêu lúc âm ỉ lúc thì bừng cháy.

Thanh Quý từng nhận xét về vai diễn của mình trong bộ phim này: "Đấy là phim mà tôi rất ưng ý. Nói về mặt nghề nghiệp, tôi rất thích vai cô chị trong phim. Không xuất hiện nhiều, chỉ điểm xuyết nhưng là mặt đối lập với vai cô em. Một người sở hữu hạnh phúc mà không biết, cứ đi tìm những cái xa xôi; một người thèm khát chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà không sao có được".

Chị yêu nghề, điện ảnh đối với chị là niềm đam mê. Nên bây giờ, đã ngoài 50 tuổi, không có nhiều lựa chọn cho những vai diễn trong phim nhựa, chị vẫn tham gia đóng phim truyền hình. Những chuyến đi dài ngày, mệt nhưng vui làm chị đỡ nhớ nghề. Những vai diễn sau này của Thanh Quý đa diện hơn.

Chị bảo, sau Lý trong bộ phim dài tập Mùa lá rụng trong vườn, đạo diễn đã chọn chị vào những vai diễn người đàn bà từng trải, đanh đá và thậm chí có phần nanh nọc. Khán giả chắc sẽ không ngạc nhiên khi năm ngoái chị vừa vào vai một nữ tướng cướp trong bộ phim truyền hình dài tập Đầm Lầy bạc. Đó là một vai diễn mà chị khá tâm đắc, bởi có nhiều đất diễn và lạ với chính chị.

Giờ Thanh Quý sống bình yên trong ngôi nhà của mình cùng với con gái. Căn nhà rộng của chị được bài trí khá đẹp mắt và có gu, đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Cháu ngoại của Thanh Quý năm nay đã lên 4 tuổi. Căn nhà rộng của chị vẫn luôn ấm những cuộc vui của bạn bè và những người thân. Ngoài những ngày đi đóng phim xa, chị dành quỹ thời gian còn lại cho bạn bè và những cuốn sách. Niềm đam mê ấy, đến với chị từ nhỏ nhưng bây giờ chị mới có thời gian dành cho nó.

Lựa chọn cuộc sống một mình chị dũng cảm chấp nhận và đối diện với nó. Người đàn bà trong Thanh Quý là vậy, mạnh mẽ và quyết liệt. Chị luôn thành thật với chính mình, đơn giản thuận theo lẽ tự nhiên, dám đi đến tận cùng của tình yêu nhưng cũng dám từ chối và dứt bỏ hạnh phúc khi không còn thuộc về mình nữa. Chị là vậy, bao giờ cũng là mình trong mọi hoàn cảnh. Nên, nếu cảm thấy bất an, người đàn bà đó sẽ không neo lại trong bến đỗ của mình. Dẫu chị biết, phụ nữ như vậy thường thiệt thòi và đa đoan, nhưng chị không bao giờ thỏa hiệp với chính mình.

Chị nói với tôi nhiều về những trải nghiệm. Rồi bỗng nhiên chị lẩm nhẩm hát, một câu hát của Trịnh, tiếng hát thả trong khói thuốc bay lên trời, (chị vẫn giữ thói quen hút thuốc từ ngày xưa) cuốn theo những phiền muộn của người đàn bà đã từng đau đớn, từng mất mát trong chị. "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, và cứ thế tôi sống vui mỗi ngày". Chị nghĩ, chị đã từng trải qua hết rồi, thấm hết rồi những nỗi của đời. Cay nghiệt có, đanh đá có, cũng là lẽ thường tình của đàn bà thôi.

Nhưng bây giờ, những điều đó đã đi qua chị, thản nhiên. Sao phải vùi mình trong ốc đảo của mình. Cuộc sống còn bao niềm vui, đâu chỉ tình yêu và hạnh phúc riêng tư, nhất là khi người đàn bà đã đi qua gần quá nửa đời người như chị, thì niềm vui không còn là của riêng mình nữa. Và chị vẫn chọn cho mình đấy, niềm vui từng ngày, để sống và bình yên trong ngôi nhà của chính mình

Khánh Linh
.
.
.