Người phụ nữ làm sống lại văn hóa thổ cẩm xứ Mường

Thứ Năm, 20/10/2011, 19:22
Với tâm niệm khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương của hai vợ chồng bà được hiện thực hóa bắt đầu từ tháng 6/2008, đánh dấu sự ra đời HTX dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn (thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc), do ông Đinh Công Sẳn chồng bà làm chủ nhiệm.

Về nghỉ hưu, bà Bùi Thị Lan Phương ở xóm Định, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) không hưởng cuộc sống an nhàn mà bắt tay vào một việc khó: khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, hàng may mặc vừa rẻ, đẹp, mẫu mã phong phú, đa dạng…, thế hệ trẻ không mấy ai biết tới nghề dệt, nhiều phụ nữ Mường đã từng gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng không mặn mà nữa... Bà Phương nhận thấy nhiều khó khăn trước mắt.

Với niềm đam mê và kinh nghiệm sau nhiều năm công tác tại phòng văn hóa huyện và sự tự tin, kiên nhẫn, bà đã thuyết phục được chồng và một số chị em Hội phụ nữ trong xã, huyện tham gia hợp tác xã (HTX). Vì vậy, với tâm niệm khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương của hai vợ chồng bà được hiện thực hóa bắt đầu từ tháng 6/2008, đánh dấu sự ra đời HTX dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn (thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc), do ông Đinh Công Sẳn chồng bà làm chủ nhiệm.

Sau 4 năm hoạt động, đến nay HTX Vọng Ngàn đã có một cơ ngơi triển vọng, với gần 200 khung dệt, 8 máy khâu, 116 xã viên. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên, lao động thời vụ địa phương từ 1,5 -2,5 triệu đồng/người/tháng và được được đánh giá là một trong những đơn vị kinh tế tập thể điển hình của huyện Tân Lạc... Hôm nay Vọng Ngàn đang trở thành điểm đến cho những người yêu thổ cẩm Mường và trong tương lai sức mạnh đó sẽ tiếp sức cho HTX dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn mở rộng quy mô hoạt động…

K.H.
.
.
.