Người nhạc sỹ với hơn 40 ca khúc về Công an nhân dân

Thứ Ba, 04/06/2013, 10:35
Với gần 600 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng trải dài suốt những năm tháng đạn bom cho đến thời bình, ông là một trong những nhạc sỹ “tay ngang” thành công nhất ở nước ta. Hơn 40 ca khúc ông viết dành riêng cho lực lượng CAND ghi nhận tình cảm lớn lao ông dành cho những chiến sỹ đang ngày đêm giữ gìn bình yên cho cuộc sống...

Gia tài ca khúc đồ sộ khiến nhiều người nghĩ rằng ông là một nhạc sỹ chuyên nghiệp nhưng thực chất Lê Xuân Thọ nguyên là kỹ sư làm việc trong ngành đường sắt, không được đào tạo bài bản về kiến thức âm nhạc. Ông đến với âm nhạc như một lẽ tự nhiên bằng những cảm xúc rất thật và dung dị của mình về quê hương, đất nước, con người…

Ông mày mò tự học, tự rút kinh nghiệm để làm giàu thêm vốn sáng tác cho mình. Các ca khúc của ông không giới hạn trong một phạm vi, lĩnh vực mà trải rộng theo những trải nghiệm và cảm nhận của ông về cuộc sống, từ đất nước, ngành cầu đường, tình yêu, cho đến cả các ca khúc về thiếu nhi. Dù trong đề tài nào các ca khúc của ông cũng đều gặt hái được những thành công, được thính giả yêu mến đón nhận.

Bài hát “Nhịp cầu sông Mã” ra đời trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã góp sức vào niềm tự hào, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đem về cho ông giải thưởng đặc biệt của ngành Giao thông và Hội Nhạc sỹ Việt Nam. “Bài ca giao thông vận tải” được chọn làm bài hát truyền thống của ngành GTVT.

Hàng loạt bài hát như “Tình yêu và biển cả”, “Nơi gặp em”, “Bản tình ca trên đại dương”, “Mùa thu và em”, “Nối đôi bờ Tiền Giang”, “Hà Nội chiều thu”, “Thành phố ngã ba sông”, “Tình trăng nước”, “Mẹ yêu không nào”, “Con tôm”… đã làm lay động hàng triệu con tim các thế hệ thính giả.

Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ trong một chương trình giao lưu với Học viện Cảnh sát nhân dân.

Theo lời nhạc sỹ Lê Xuân Thọ, trước đây ông đã có một vài ca khúc sáng tác về các chiến sỹ Công an nhưng đó chỉ là các bài hát dựa trên cảm nhận đơn sơ, bề nổi về những con người, công việc cụ thể. Ông chỉ thực sự “đến” với lực lượng CAND từ chuyến đi thực tế cùng đoàn nhạc sỹ tới Điện Biên theo lời mời của Cục CSĐT tội phạm về ma túy năm 2002.

Qua câu chuyện kể của nhân dân và các chiến sỹ Công an tỉnh Điện Biên, ông đã xúc động viết nên bài hát “Hai mươi sáu bông hồng trắng” về Trung úy, liệt sỹ, Anh hùng LLVTND Phạm Văn Cường, người đã anh dũng hy sinh ngày 7/10/2001 ở tuổi 26 trong trận đánh tội phạm ma túy trên đỉnh đèo Tây Trang. Bắt đầu từ chuyến đi này, ông được tiếp xúc thực tế và hiểu biết sâu hơn về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của các chiến sỹ Công an, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, trên những lĩnh vực công tác nóng bỏng, nhiều hiểm nguy, vất vả.

Liên tiếp ông cho ra đời các ca khúc khác ra đời về ngành và các chiến sỹ CAND trên khắp mọi miền đất nước. Ông tâm sự: “Trước đây, khi chưa tiếp xúc nhiều với các chiến sỹ Công an, có lúc tôi thấy họ khô khan, cứng nhắc, nhưng khi được hiểu hơn về các anh, tôi thấy họ thật gần gũi, dễ mến. Dù khó khăn, vất vả nhưng họ luôn lạc quan để cống hiến và hy sinh. Cũng chính từ sự cảm động chân thành tôi mới có thể sáng tác về các anh bởi tôi không bao giờ biết viết ca khúc bằng cảm giác vay mượn…”.

Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, khán thính giả trong và ngoài lực lượng CAND hào hứng đón nhận và hưởng ứng chùm 16 ca khúc “Khúc hát bình yên” của nhạc sỹ Lê Xuân Thọ. Tiếp đó, Đài Truyền hình Hà Nội đã giới thiệu chùm ca khúc tựa đề “Với Hồ Tây” của ông, phổ thơ của các vị tướng trong lực lượng Công an như Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ, Thiếu tướng Huỳnh Huề, Thiếu tướng Đậu Quang Chín, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm…

Thông qua các ca khúc của mình, ông như được gửi lòng mình và những tình cảm mến thương dành cho các chiến sỹ Công an và các anh, các chị cũng trân trọng, quý mến, dành cho ông tình cảm đặc biệt. Ông được nhiều đơn vị và chiến sỹ Công an coi như “người nhà” và là một trong những nhạc sỹ dân sự gắn bó thân thiết với lực lượng CAND.

Khi được mời tới dự buổi giao lưu các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và thân nhân liệt sỹ trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy tổ chức tại Học viện CSND một ngày tháng 5/2013, dù đang phải nằm viện vì căn bệnh gout hành hạ nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời và cố gắng tới dự.

Người nhạc sỹ đã ở cái tuổi 75 tâm sự với các giảng viên, sinh viên Cảnh sát: “Đến với các chiến sỹ Công an tôi như trẻ lại với bầu nhiệt huyết nóng, quên hết cả đau đớn. Khi gia đình tôi được sống trong bình yên, đêm về được ngủ ngon giấc thì biết bao chiến sỹ Công an đang phải lặn lội nơi các ngõ nhỏ, những bản làng xa xôi để bảo vệ cuộc sống cho nhân dân. Xuất phát từ sự cảm phục, biết ơn và yêu mến ấy nên tôi đã, đang và sẽ viết thêm nhiều ca khúc như chút tấm lòng mình dành tặng cho sự cống hiến, hy sinh lớn lao của các đồng chí…”

Nguyễn Hoàng Đoàn
.
.
.