Người nhạc sĩ Hà Nội với hai ca khúc để đời

Chủ Nhật, 26/09/2010, 16:05
Ông là thanh niên Hà Nội, đi theo cách mạng từ năm 1946. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là người lính cầm súng chiến đấu, sau này ông vừa cầm súng, vừa cầm bút trên hai mặt trận đánh giặc và sáng tác nhạc.

Ca khúc nổi tiếng là "Hò kéo pháo" (1954) và "Quảng Bình quê ta ơi" (vào hai năm 1964 - 1965) là tiếng vang cho nền âm nhạc Việt Nam vào giữa thế kỷ XX. Kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10-10 và Đại lễ 1000 năm Thăng Long, tác giả có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Hoàng Vân để ôn lại sự nghiệp sáng tác âm nhạc và những ca khúc để đời của ông.

Người nhạc sĩ Phố Cổ năm xưa

Chiếc cầu thang bằng gỗ lâu ngày ọp ẹp lại bị tối rất khó đi, cuối cùng tôi cũng tìm được căn phòng nhạc sĩ đang ở. Tầng 2 khu Phố Cổ, phố Hàng Thùng, Hà Nội. Ở vào tuổi ngoài 80 ít người còn giữ được một sức khỏe như ông, vẫn tác phong khoan thai, kín đáo trong từng lời nói, ông niềm nở bắt tay tôi và yêu cầu đi ngay vào câu chuyện.

Ông ngồi tư duy như cố nhớ lại quãng thời gian đã quá dài về những kỷ niệm chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông là người được vinh dự tham gia có mặt trong nhiều trận đánh cho đến ngày toàn thắng: "Thời kỳ này tôi là bộ đội, đại đội độc lập vừa tuyên truyền trong hậu địch vừa cầm súng chiến đấu trong suốt vùng Tây Bắc, từ Lào Cai - Yên Bái đến Sơn La - Lai Châu. Là thanh niên Hà Nội có chút tài lẻ biết đàn hát, chưa bao giờ có ý nghĩ sáng tác nhạc để trở thành nhạc sĩ.

Năm 1951, tôi bắt đầu sáng tác một vài bài mục đích làm bích báo dán ở Trung đoàn, được anh em trong đơn vị chuyền tay nhau hát. Khi tôi được lên chức Đại đội phó thì đơn vị điều sang Trung đoàn 165 (Trung đoàn Giao Hà theo cách gọi bí mật lúc bấy giờ). Về Trung đoàn, tôi được phân công làm báo, công tác địch vận, do tiếng Pháp, tiếng Anh thành thạo nên được cấp trên tin dùng.

Ca khúc đầu tiên tôi sáng tác là bài: "Chiến sĩ Tây Bắc" do anh Trần Dần trình bày vẽ bìa rất đẹp, rồi in nitô, tôi nhớ là vào năm 1951. Đến cuối năm 1953 đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đến Điện Biên tôi được phân công đi đón một số anh em văn nghệ sĩ do binh trạm đưa về như: Đỗ Nhuận, Tô Hoài và nhiều anh em khác tôi không nhớ hết. Tôi là người trực tiếp lo nơi ăn, chốn ở cho anh em, gian khổ vất vả lắm, đi lại toàn dưới giao thông hào, bản thân tôi là cán bộ chính trị, nhưng lúc nào cũng phải đeo súng, đeo xẻng bên người để mỗi lần di chuyển đào cho mình một hầm trú ẩn tránh bom đạn. Trong đơn vị của tôi có một tiểu đoàn tham gia kéo pháo. Những tời, xà beng, búa chim, dây thừng, dây chão, từng bó là dụng cụ để kéo pháo vào mặt trận.

Tôi là người không tham gia trực tiếp kéo pháo, nhưng đã được quan sát và nghe số anh em trong đơn vị kể lại sau những lần đưa pháo vào mặt trận rồi lại có lệnh kéo pháo ra. Những câu chuyện về gương anh dũng hy sinh của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo quyết không cho lao xuống vực, những hy sinh mất mát do bom napan từ máy bay địch thả xuống, nhưng với quyết tâm của người lính Cụ Hồ, các chiến sĩ vẫn kiên quyết bảo vệ pháo đến cùng.

Vào một đêm mùa đông lạnh giá, tôi đang ngủ dưới hầm, đột nhiên có một con gà rừng từ đâu lao xuống chỗ tôi nằm rồi lại vỗ cánh phành phạch bay vút lên, lúc sau cất tiếng gáy vang, tôi đoán khoảng gần về sáng. Từ bấy giờ tôi không sao chợp mắt. Rồi tự nhiên trong đầu hình thành ý thơ, nét nhạc với những ca từ: "Gà rừng gáy trên nương rồi/ Dấn bước ta đi lên nào/ Kéo pháo ta sang qua đèo/ Quyết tâm bảo vệ pháo…".

Tôi say sưa viết rồi lại sửa, rồi lại mang đàn ra hát, chỉ vài ngày sau ca khúc "Hò kéo pháo" ra đời. Một lần tình cờ chính trị viên qua đơn vị tôi ở, thấy bản nhạc vừa sáng tác hay quá đề nghị tôi dạy hát, phổ biến rộng rãi đến các đại đội để anh em văn nghệ ca hát phục vụ chiến đấu. Sau này Đại hội liên hoan văn nghệ toàn quân tháng 11/1954 tại Thủ đô Hà Nội, bài "Hò kéo pháo" được trao giải nhất.

Tiền tuyến gọi - hậu phương sẵn sàng

Bài "Quảng Bình quê ta ơi" tôi viết trong một hoàn cảnh khác. Vào khoảng cuối năm 1962 tôi có danh sách đi B đợt 1 cùng nhóm văn nghệ sĩ. Tôi còn nhớ có anh Ngô Y Linh (sau đổi tên thành Nguyễn Vũ) là người học cùng tôi ở Bắc Kinh, Trung Quốc về. Anh Tố Hữu lúc bấy giờ gặp tôi gợi ý hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và có đề xuất tôi đi B đợt đầu. Vì nhiều lý do gia đình, mặt khác tôi cũng mới từ Bắc Kinh về Việt Nam, nên tôi có đề nghị xin lui lại. Cuối cùng đồng chí Tố Hữu hỏi tôi một câu: "Thế đồng chí đi Quảng Bình công tác được không?". Tôi nhận lời ngay.

Nhóm văn nghệ sĩ đi công tác vào Khu 4 lúc bấy giờ bên nhạc có anh Hồ Bắc, Phạm Tuyên… bên văn thơ có anh Xuân Diệu, nhà văn Bùi Hiển khoảng 20 người tất cả. Khi đến Quảng Bình anh em chúng tôi tỏa xuống các huyện, xã để làm việc. Riêng tôi thâm nhập ngay đề tài nghiên cứu về dân ca các vùng miền Quảng Bình. Vào các buổi tối các mẹ, các chị thường tập trung nhau lại ca hát những làn điệu hay lắm, lạ lắm. Vừa nghe, tôi lấy mẩu bút chì nhấm nước bọt rồi ghi trên những trang giấy dó vàng khè. Hát đến đâu tôi ghi lại đến đó, ghi cả nhạc lẫn lời. Tôi ghi chép tổng cộng được khoảng 30 bài hát ở mỗi làng, xã khác nhau. Sau này ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" được phổ biến rộng rãi, có người hỏi tôi: "Ông là người ở đây hay sao mà thuộc từng làn điệu, dân ca vùng miền rõ thế?".

Muốn sáng tác một ca khúc dân ca vùng miền nào đó thì người nhạc sĩ phải tìm hiểu sâu ngôn ngữ âm nhạc nơi đó, chính vì vậy trong ca từ, nét nhạc của "Quảng Bình quê ta ơi" nó đã toát lên con người, cuộc sống lao động của người dân Quảng Bình:

"Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới - rằng: "Có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi" - Quảng Bình! Bao mến thương! Đã mười năm rồi - Quê ta bao đổi thay rồi - Đồng lúa xanh, với hàng cây xanh - Xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy - Trên dòng sông Kiến Giang ngày càng đổi mới"…

Khi viết xong ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi", tôi hát cho một số anh em nghệ sĩ cùng chuyến đi nghe, góp ý. Anh Phạm Tuyên nói: "Hay đấy, tuyệt lắm! Sao cậu nhanh thế, bọn tớ chưa viết được gì cả". Sau tôi báo cáo về Hà Nội với anh Trần Lâm, Giám đốc Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và gửi ca khúc về cơ quan đài (lúc này tôi đang là nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam). Thời gian sau ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" được phát trên làn sóng tiếng nói Việt Nam do ca sĩ Kim Oanh biểu diễn (lĩnh xướng). Bài hát được Tỉnh ủy, nhân dân tỉnh Quảng Bình rất khen ngợi đón nhận như một phần thưởng quý giá dành cho nhân dân địa phương Quảng Bình, nơi sau này là tuyến lửa trên mặt trận chống Mỹ ác liệt.

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã dành cả cuộc đời cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông là người có công đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà. Đã được nhận huân, huy chương của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Hội Âm nhạc Việt Nam khen tặng. Giờ đây nối tiếp sự nghiệp của ông còn có hai người con cũng đang nổi danh không kém gì cha là nhạc sĩ Lê Y Linh - con gái lớn nhạc sĩ đang theo học nghiên cứu sinh Nhạc viện Quốc gia Pháp về thể loại nhạc dân gian; và anh con trai Lê Phi Phi đã tốt nghiệp Viện Âm nhạc Traicopxki (Liên Xô cũ), hiện đang là chỉ huy cho một dàn nhạc quốc gia nước ngoài

Duy Ngọc (ghi)
.
.
.