Người nghệ sĩ hát trên đồi Him Lam

Thứ Hai, 11/05/2009, 09:09
Thắng trận đầu Him lam, Đại đoàn 312 đã cử người trao tặng đoàn văn công cây đàn Accordéon màu đỏ. Chính cây đàn mới này đã theo nhạc sĩ Thanh Phúc tham gia phục vụ suốt hết chiến dịch Điện Biên Phủ. Cây đàn có khắc dòng chữ “Chiến thắng Him Lam".

Nhạc sĩ Thanh Phúc, người nghệ sĩ sáng tác quân đội ấy bây giờ đã vào tuổi 80. Người đời từng biết Thanh Phúc qua những ca khúc nổi tiếng “Người Mèo ơn Đảng”, “Hà Giang quê hương tôi” hay hành khúc “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”…nhưng ít ai biết rằng người nghệ sĩ ấy vào bộ đội từ năm 13 tuổi, từng hát phục vụ bộ đội trước lúc công đồn trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Giờ đây trên căn gác hẹp nhà E2 khu tập thể Thành Công, ông đang hồi tưởng lại những ngày hát cho bộ đội nghe trên chiến hào Điện Biên Phủ lịch sử…

Những người lính Điện Biên năm xưa vẫn còn nhớ một diễn viên văn công quân đội trẻ măng, người nhỏ nhắn mũm mĩm thường có mặt trên các chiến hào biểu diễn phục vụ bộ đội trước giờ xung trận. Chàng diễn viên kiêm nhạc công ấy là Thanh Phúc. Thanh Phúc vừa là người biểu diễn, vừa đệm đàn, rồi còn đóng kịch. Có những vai thiếu nữ múa hát mềm mại làm chiến sĩ mê tít, nhưng khi nhìn kỹ, té ra do Thanh Phúc cải trang…

Cách mạng Tháng Tám thành công, cuối năm 1946, mới 13 tuổi, Thanh Phúc xung phong vào Vệ quốc đoàn. Nhưng chàng lính trẻ này có vũ khí duy nhất là giọng hát trong trẻo cùng với năng khiếu văn nghệ của mình.

Vào nghệ thuật quân đội, Thanh Phúc có may mắn gặp hai người nghệ sĩ đàn anh là Bùi Công Kỳ và Lưu Bách Thụ. Thanh Phúc được phân công hát, anh Kỳ đệm ghi-ta và anh Thụ chơi đàn măng-đô-lin…Ba anh em sau đó được điều động về đội Tuyên Văn của Trung đoàn 165.

Nhạc sĩ Thanh Phúc với đồng bào Hà Giang.

Ở đây anh được trang bị một nhạc cụ vốn là chiến lợi phẩm - cây Accordéon 32 basse. Đương mày mò như thể "đánh vật" với cây đàn hiện đại thì may mắn Thanh Phúc gặp được nhạc sĩ Xuân Thịnh, người em ruột của Nhạc sĩ Xuân Khoát. Chính anh Thịnh đã dạy món đàn mới cho Thanh Phúc, nhờ vậy anh đã chơi thành thạo một cách nhanh chóng.

Năm 1950 Trung đoàn 165 trực tiếp chiến đấu giải phóng Lào Cai. Một lần nữa anh được trang bị cây đàn hiện đại hơn, đó là cây Accordéon của Italia 120 basse. Cây đàn quá to mà người anh thì nhỏ nên đơn vị đã phải điều thêm một chiến sĩ lo… khiêng đàn. Từ đó cây đàn theo anh đi qua nhiều mặt trận cùng với lời ca và chương trình biểu diễn phục vụ thành công tại nhiều đơn vị bộ đội nơi tiền phương.

Đơn vị được lệnh hành quân lên Điện Biên. Dọc đường hầu như đêm nào cũng biểu diễn phục vụ các chiến sĩ. Những ngày đêm bộ đội đào giao thông hào tấn công vào tập đoàn cứ điểm, có văn công đem văn nghệ đến phục vụ. Người nhạc công kiêm ca sĩ trẻ nhiều lần tự đệm đàn và hát “Hò kéo pháo” cùng những bài ca cách mạng. Tiếng hát anh cùng đồng đội đã góp phần làm cho không khí chiến trường thêm phấn chấn.

Ngày 13/3/1954, quân ta đánh đồn Him Lam mở màn chiến dịch, buổi chiều anh được đơn vị giao nhiệm vụ hát phục vụ bộ đội trước giờ xuất kích đánh vào Him Lam.

"Hôm ấy trời mưa nhỏ, tôi được đơn vị cử anh Đăng Từ đi cùng để che mưa và che cho cây đàn khỏi ướt. Chương trình chỉ vỏn ven ba bài hát: Quốc tế ca, Quốc ca và Chiến sĩ Việt Nam. Giữa trận địa chờ xuất phát, tiếng hát anh đã động viên những người lính đồng đội thêm sức mạnh trước lúc xung phong. Từ chỗ đứng của mình, tôi đã thấy đồng đội trong khi nghe có người rơi nước mắt. Có lẽ vì giờ phút ấy thiêng liêng quá trong đời lính. Lại được nghe hành khúc cách mạng hào hùng giữa thời khắc lịch sử, lòng ai không xúc động?…"

Thắng trận đầu Him lam, Đại đoàn 312 đã cử người trao tặng đoàn văn công cây đàn Accordéon màu đỏ. Chính cây đàn mới này đã theo anh tham gia phục vụ suốt hết chiến dịch Điện Biên Phủ. Cây đàn có khắc dòng chữ “Chiến thắng Him Lam".

"Tại buổi lễ mừng chiến thắng ở Chỉ huy sở Mường Phăng, tôi lại được vinh dự cùng cây đàn cử bài Tiến quân ca- Quốc ca trước khi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chủ tịch trao lá cờ mang dòng chữ Quyết chiến Quyết thắng cho Đại đoàn 312". Nhạc sĩ trầm ngâm nhớ lại không khí hào hùng một thuở.

Với tôi, tôi cảm nhận rằng âm vang những bài ca ấy, không khí cách mạng hào hùng ấy đã tác động sâu sắc đến tâm hồn Thanh Phúc để sau này ông trở thành nhạc sĩ tên tuổi, có những đóng góp xứng đáng vào nền âm nhạc cách mạng…

Khi tôi hỏi về cây đàn lịch sử theo anh đi chiến dịch năm xưa giờ hiện để nơi đâu, người nhạc sĩ già xúc động cho biết chỉ còn cây Accordéon màu đen 120 basse đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Chia tay tôi chiều tháng 5, trước ngày kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, anh Thanh Phúc và vợ anh, chị Đặng Thị Nguyên chỉ tiếc một điều là sau khi mổ tim, sức khoẻ anh không cho phép chị đưa anh về thăm lại nơi anh đã góp giọng hát, tiếng đàn vào chiến thắng của dân tộc năm nào…

Nhạc sĩ Thanh Phúc, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I; Huân chương Quân công; Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc; Huy chương Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang…

Tân Linh
.
.
.