Người nặng nợ với ấn triện Tây Sơn

Chủ Nhật, 28/03/2010, 15:12
Bước vào thế giới cổ vật và ấn triện của Nguyễn Văn Phẩm, khách ghé thăm như lạc vào một thế giới khác xa với cuộc sống xô bồ nhiều toan tính nhuốm bụi hồng trần. Thế giới ấn triện của anh toát lên niềm đam mê khám phá và khát vọng được góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc.

Trong căn nhà nhỏ nằm ven kênh Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh), anh Nguyễn Văn Phẩm - người được giới sưu tầm cổ vật trong nước biết đến là nhà sưu tập ấn triện nhiều nhất Việt Nam và cũng đồng thời là nhà sưu tập cổ vật có được bộ ấn triện thời Tây Sơn đầy đủ, trọn vẹn nhất, kể:

"Năm 1992, khi ghé thăm một người bạn ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nghe bạn khoe và lý giải nhiều điều về con dấu mới sưu tầm được như niên đại, chức vụ của vị quan sử dụng nó mà tôi đâm mê. Thấy tôi hỏi tới, bạn cảm kích trao tặng. Đó là chiếc ấn đồng có khắc chữ Thần Vệ Tướng Quân có từ đời nhà Lê, được đúc vào năm 1526. Không chỉ đánh dấu sự tiên khởi của thú chơi, đây chính là chiếc ấn triện của một quan chức quân sự có chức tước lớn nhất trong bộ sưu tập mà tôi có được".  

Bước vào thế giới cổ vật và ấn triện của Nguyễn Văn Phẩm, khách ghé thăm như lạc vào một thế giới khác xa với cuộc sống xô bồ nhiều toan tính nhuốm bụi hồng trần. Thế giới ấn triện của anh toát lên niềm đam mê khám phá và khát vọng được góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc.

"Vua ấn" với chiếc ấn triện trăm năm.

Cảm giác vi diệu khôn tả khi được thấy tận mắt, sờ tận tay những chiếc ấn có giá trị về lịch sử và niên đại như ấn đồng Thiên Trường Phủ Ấn (đời nhà Lê năm thứ 10 (1628) lên nước bóng loáng được mua lại từ một chủ vựa ve chai, chiếc ấn Quan Thiệu Lục Niên (đời Lê, năm 1526) của một vị võ quan mua lại từ một người chơi đồ cổ ở Bình Định…, đặc biệt là bộ sưu tập 7 chiếc ấn triều Tây Sơn được nhiều nhà sưu tầm, các chuyên gia nghiên cứu đánh giá là bộ ấn Tây Sơn hiếm và trọn vẹn nhất, bởi đấy là ấn của các vị tướng còn sót lại sau những trận đánh sinh tử với quân Nguyễn Ánh trong giai đoạn lịch sử khói lửa một thời.

Nguyễn Văn Phẩm cho biết, trong bộ sưu tập ấn Tây Sơn này, có chiếc ấn anh phải tốn số tiền lớn mới có được nhưng cũng có ấn anh được hậu duệ của các vị võ tướng gửi tặng kèm lời kể được truyền miệng qua nhiều thế hệ.  Trong "bộ thất ấn", chúng tôi đặc biệt ấn tượng chiếc ấn Tân Hợi Niên Đông Tạo (được tạo đúc vào mùa đông năm Tân Hợi, 1791). Nguyễn Văn Phẩm cho biết giá trị của chiếc ấn này ở chỗ được đúc trước khi vua Quang Trung mất một năm…

Chiếc ấn đánh dấu năm huy hoàng cuối cùng của triều Tây Sơn nên nó được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về sự quý hiếm và giá trị lịch sử. Đặc biệt không kém là chiếc ấn có từ năm thành lập huyện Phù Cát (1821) kèm giấy chiếu phong chức cho một quan tri huyện tên Trần Mô, đấy là ấn triện của chính vùng quê mà anh Phẩm được sinh trưởng…

Theo nhận định của dư luận, TP HCM có hàng ngàn người chơi cổ vật nhưng số người có "tên tuổi" thì không nhiều. Riêng Nguyễn Văn Phẩm được một số người biết bởi anh đam mê sưu tầm ấn triện không phải để được nổi tiếng, vinh danh. Rằng anh chỉ đơn thuần là người góp nhặt những giá trị tinh hoa, lịch sử để dành cho lớp con cháu mai sau được biết và tự hào về nguồn cội.

Nhiều nhà sưu tập mến anh chia sẻ, trên hành trình góp nhặt ấy, không chỉ có ấn triện, Nguyễn Văn Phẩm còn góp nhặt hàng ngàn món đồ trang sức của người tiền sử cùng cổ vật bằng đồng, gốm, sành sứ… đậm dấu ấn của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm Pa, Đông Sơn có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật và văn hóa.

Những bộ sưu tập ấy anh không ngần ngại sẻ chia, trao gửi cho nhiều bảo tàng để triển lãm cho công chúng thưởng lãm! Mới đây anh còn gửi tặng Bảo tàng lịch sử Việt Nam 4 tấm sắc phong của các triều vua Minh Mạng (1823), Tự Đức (1852), Thành Thái (1903), Đồng Khánh (1886) nội dung liên quan đến Bình Định

Thành Dũng
.
.
.