Người lưu truyền văn hóa bản làng

Chủ Nhật, 05/04/2015, 14:25
Giữa khoảng không thăm thẳm, tiếng khèn bè của già làng Ăm Nhơ (tên khai sinh là Hồ Cu Chanh) vang lên làm ấm áp cả núi rừng. Tiếng khèn ấy, con người ấy đã lưu truyền văn hóa ngàn đời của người dân tộc thiểu số Pa Kô trên đất rừng Trường Sơn hùng vĩ…

Già Ăm Nhơ thật thà nói rằng, từ nhỏ ông đã “thấm” trong mình hình ảnh dân bản say sưa nhảy múa quanh ánh lửa bập bùng, với âm vang núi rừng tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng cồng chiêng...

Cũng vì thế, ở bản Kì Rĩ, xã A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị), chỉ duy nhất ông là người chơi được tất cả các loại nhạc cụ của dân tộc Pa Kô từ sáo, khèn, cồng chiêng, chập cheng…

Điều đó cũng đã thúc giục ông thành lập đội nghệ nhân xã A Xing vào năm 2004. Nhớ lại ngày đầu thành lập đội nghệ nhân, ông tâm sự:

“Hồi đó, người biết làm nhạc cụ dân tộc Pa Kô rất ít nên mình phải mất nhiều công sức để làm đàn, làm sáo… Có nhạc cụ rồi, tối đến mình đánh cồng chiêng, quy tụ mấy đám thanh niên trong bản đến nhà để truyền dạy cách chơi nhạc.

Ban đầu chúng nó không thích học đâu. Nhưng mình bảo, đây là bản sắc dân tộc, nếu các con các cháu không học, không chơi được đàn, được sáo thì không phải là người Pa Kô. Sau này chơi đàn, chơi sáo được rồi thì đám thanh niên khen nhạc dân tộc mình hay mà còn tình cảm”.

Già Ăm Nhơ (trái) và anh Hồ Văn Thủ giới thiệu nhạc cụ dân tộc Pa Kô.

Theo giải thích của già Ăm Nhơ, đồng bào thiểu số dân tộc Pa Kô có rất nhiều loại nhạc cụ dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ, đàn môi dài 20cm, làm bằng tre, âm thanh trầm, nhỏ dùng để đi sim.

Khi nghe tiếng đàn môi của người con trai thổi nhẹ bên cửa sổ, người con gái sẽ nhận ra và đi vào rừng trò chuyện, yêu nhau. Hay như tù và làm bằng sừng trâu, âm vang xa. Thổi tù và để gọi linh hồn từ khắp núi rừng về dự lễ hội, hưởng lộc cùng dân bản…

Qua 11 năm thành lập, đến nay đội nghệ nhân xã A Xing luôn duy trì 18 thành viên. Một tuần vào hai buổi tối thứ 3 và thứ 6, đội nghệ nhân này truyền dạy lại cách chế tác, cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc Pa Kô cho lớp trẻ.

Anh Hồ Văn Thủ, cán bộ văn hóa xã A Xing tự hào bảo: “Bản sắc văn hóa dân tộc Pa Kô bản A Xing đều nhờ già Ăm Nhơ khôi phục và lưu truyền. Già Ăm Nhơ còn được mời đi truyền dạy cách chơi nhạc cho cán bộ văn hóa ở khắp các bản làng miền núi của huyện. Đội nghệ nhân của xã luôn đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ dân tộc miền núi của huyện, tỉnh và cả nước”.

Bảo Ngọc
.
.
.