Người lính Tây Tiến và nhạc phẩm "Vì nhân dân quên mình"

Chủ Nhật, 19/12/2004, 08:11

"Tôi ngẫu nhiên viết bài hát này từ cảm xúc mãnh liệt của một người lính say mê lý tưởng. Không ngờ nó lại có nhiều điều bất ngờ xảy ra đến thế. Bài hát của tôi được đồng đội, được nhân dân hát. Rồi nó được sử dụng làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh và truyền hình Quân đội…", ông Doãn Quang Khải tâm sự.

Đồng đội vẫn trìu mến gọi Doãn Quang Khải là "Khải nhạc sĩ". Ông đã đi qua cái thời tuổi trẻ sôi nổi cùng biết bao đồng đội chỉ biết sống hết mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. 38 năm đời lính trở về làng Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai - Hà Tây) quê hương, người lính ấy chỉ còn trong túi bốn trăm đồng (theo lời vợ nhạc sĩ đấy là thời điểm ông về hưu cuối năm 1983) nhưng không bao giờ vơi niềm tin vào Đảng, vào Cách mạng, vào những gì mà thế hệ những người lính như ông đã dày công vun đắp. Đầu năm 2004, Bệnh viện 108 (Bộ Quốc phòng) đã hỗ trợ xây tặng ông một phòng riêng trên mảnh đất của gia đình để tỏ lòng tri ân với một cựu binh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Trong cuốn Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam có ghi "… Doãn Quang Khải là học viên khoá 6 Lục quân, sáng tác ca khúc Vì nhân dân quên mình tháng 5/1951. Bài hát nói lên nguồn gốc quân đội ta "Từ nhân dân mà ra"; Mục đích "Vì nhân dân mà chiến đấu" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bài hát ca ngợi quan hệ gắn bó giữa quân đội với nhân dân, sự tin yêu của nhân dân với quân đội. Bài hát đã được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1952-1953, là một trong những bài hát truyền thống của QĐND Việt Nam, được sử dụng làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh và truyền hình Quân đội…".

Nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng từ năm 1945, nhạc sĩ Doãn Quang Khải đã lăn lộn ở các chiến trường ác liệt nhất, tham gia đoàn quân Tây Tiến bảo vệ biên giới phía Tây của Tổ quốc, các chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, miền Nam rồi trở thành giáo viên dạy chính trị của trường Đảng thuộc Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng). Điều này đủ để minh chứng cho một niềm tin bất diệt vào cuộc sống cách mạng của tinh thần người lính, được tôi luyện qua thực tế đấu tranh.

Thật bất ngờ khi chúng tôi trở lại Ngọc Mỹ thăm ông thì mới hay rằng sau hai năm liệt nửa người, di chứng của bệnh huyết áp cao, ông đã luyện tập để tự mình đi lại được. Người lính Tây Tiến năm xưa không cho phép ông đầu hàng số phận. Tiếp chúng tôi, ông vẫn say sưa kể về những kỷ niệm chiến trường, và đặc biệt về tâm trạng khi viết ca khúc Vì nhân dân quên mình. Vợ ông cũng vô cùng ngạc nhiên bởi nhiều năm nay chưa bao giờ ông tiếp đoàn khách nào lâu đến thế. Những ký ức về một thời tuổi trẻ lại có dịp bừng lên khiến buổi chiều mùa đông vùng quê yên tĩnh của ông như ấm lại.

Ông bảo: "Không ngờ bài hát mình viết trong những năm được cử đi học ở Trung Quốc lại trở thành tài sản lớn còn lại của cuộc đời mình". Đó là những ngày cuối khoá học 6 tháng tại trường đào tạo sĩ quan lục quân ở Trung Quốc, trường phát động cuộc thi sáng tác ca khúc để kỷ niệm khoá học hữu nghị đầu tiên giữa hai nước sau ngày Trung Quốc giành được độc lập. Sau nhiều đêm suy nghĩ tìm cấu tứ cho sáng tác của mình, tình cờ ông đọc được tờ báo có dòng tít "Vì nhân dân phục vụ" rất trùng với những suy nghĩ của ông về tinh thần của quân đội ta. Đêm hôm đó, ông đã thức đến 3h sáng để hoàn thành bài hát với chủ đề Vì nhân dân quên mình.

Cả ngày học và rèn luyện trên thao trường, chẳng còn dư chút thời gian nào để sáng tác, ông đã sáng tác ca khúc của mình với một hành động kỳ quặc chẳng giống ai. Kỷ luật của trường nghiêm ngặt, đúng 21h, tất cả học viên phải tắt đèn đi ngủ. Doãn Quang Khải cứ nằm trằn trọc suy nghĩ, nghĩ được câu nào hoàn chỉnh, ông lại cầm giấy bút ra vườn hoa góc trường có đèn sáng để ghi lại. Ghi xong lại chạy vào phòng, nghĩ được đến đâu lại chạy ra ghi. Cứ qui trình ấy, đến đúng 3h sáng, bài hát được hoàn thành. 

Bài hát của một người lính chưa từng học qua một lớp âm nhạc nào, chưa từng được chạm vào cây đàn mà chỉ có niềm say mê và ngưỡng mộ những bản nhạc, những giai điệu chắt ra từ cuộc sống của các nhạc sĩ rồi tự mày mò tìm sách đọc, ghi chép lại làm tư liệu và cả học "mót" từ bạn bè. Trong túi áo của ông bao giờ cũng có bản nhạc Pháp mà ông yêu thích. Thế rồi bài hát đó được cả trung đội hát, được đăng lên báo tường của trường, trở thành tiết mục mở đầu của các chương trình văn nghệ của trường.

Sau này, khi về nước nhận nhiệm vụ tại Phòng Tuyên huấn, tham gia làm báo của mặt trận, ông có thêm ca khúc Biết ơn Đảng. Và một điều lạ là ca khúc Vì nhân dân quên mình sau khi được phổ biến trên báo chí đã liên tiếp nhận được các giải thưởng mà mãi sau này tác giả của nó mới được biết.

Bây giờ khi đôi mắt của người lính già không còn tinh anh nữa, một bên mắt của ông không còn cảm nhận được ánh sáng nhưng ngày nào ông cũng đọc sách báo, đọc như một thói quen khó bỏ, đọc để cảm nhận cuộc sống đang ào ạt ngoài kia mà sức vóc của tuổi già không cho phép ông được hoà nhịp. Và hơn hết bạn bè, đồng đội và người dân Ngọc Mỹ luôn tự hào bởi ở một xã có tới 3 người lính nhạc sĩ như Doãn Quang Khải, Nguyễn Mạnh Thường và Đỗ Dũng, ông là người trở về, gắn bó với  làng quê vẫn giữ được cốt cách đáng quí của một người lính "Vì nhân dân quên mình". Những buổi nói chuyện để bồi dưỡng tinh thần tự hào cách mạng cho thế hệ trẻ trong xã, số tiền Ủy ban xã bồi dưỡng, ông đều đem chia cho các cháu nhỏ. Dường như vóc dáng nhỏ bé của người nhạc sĩ không làm ông bé nhỏ trước mọi người

.
.
.