Người hiền của sân khấu đã ra đi

Thứ Bảy, 05/06/2010, 10:17
Vào lúc 21h15' ngày 3/6, NSND - Đạo diễn Dương Ngọc Đức đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 81, để lại trong tâm tưởng các nghệ sỹ đương thời ký ức tròn đầy về một bậc "trưởng lão", một nhà "hiền triết" của sân khấu Việt Nam.

Từ năm 2000, nhường lại cương vị Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam sau 3 nhiệm kỳ liên tục đảm đương trọng trách, NSND Dương Ngọc Đức lui về ở ẩn, rút khỏi đời sống nghệ thuật. Tuổi tác không cho phép ông tiếp tục tung tẩy như thuở tráng niên, nhưng dù giữ mình dưỡng sức ở nhà, ông vẫn dõi theo các hoạt động, quan tâm tới từng câu chuyện buồn vui của lớp đồng nghiệp kế cận.

Và, 21h15' ngày 3/6, NSND Dương Ngọc Đức đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 81, để lại trong tâm tưởng các nghệ sỹ đương thời ký ức tròn đầy về một bậc "trưởng lão", một nhà "hiền triết" của sân khấu Việt Nam.

Thường ngày vốn nhẹ nhàng, nho nhã, đến đi đứng cũng khoan thai từ tốn, NSND Dương Ngọc Đức mang trong mình cái cốt cách của một người trai sinh ra tại Hà Nội, được gia đình cho ăn học đàng hoàng. Tham gia Cách mạng từ sớm, 18 tuổi, Dương Ngọc Đức đã trở thành cán bộ chính trị trong Quân đội, đích thân dàn dựng và biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ cán bộ chiến sỹ.

Năm 1957, anh lính Dương Ngọc Đức chuyển ngành ra dân sự, được phiên về Nhà hát Kịch Việt Nam vừa mới ra đời. Số phận đẩy đưa, Dương Ngọc Đức gắn đời mình với sân khấu ngay từ lúc nền nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam còn chập chững những bước đi non trẻ. Ông cũng là một trong những nghệ sỹ đầu tiên được đào tạo chính quy tại nước ngoài, khi năm 1959 đã sang Liên Xô tu nghiệp tại Trường Nghệ thuật sân khấu và điện ảnh Leningrat.

Với những kiến thức thu lượm được ở xứ sở Bạch dương, cùng cả kinh nghiệm tích lũy trong những ngày làm văn nghệ ngay tại chiến trường, trở về nước, đạo diễn Dương Ngọc Đức bắt tay vào thực hiện những vở diễn sân khấu để đời của mình. Nhắc đến ông, người hâm mộ sân khấu luôn nhắc đến những dấu ấn một thời đã trở thành lực hấp dẫn, thu hút khán giả đến với thánh đường sân khấu như "Khúc thứ ba bi tráng, Masa, Đôi mắt"… Đặc biệt, vở kịch nói "Tiền tuyến gọi" của bác sỹ Trần Quán Anh một thời đã như lời hiệu triệu đầy hào sảng, giục giã thanh niên sinh viên lên đường đánh Mỹ.

Dương Ngọc Đức cũng là đạo diễn đầu tiên đưa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên sâu khấu bằng vở cải lương có sức ám ảnh lâu bền với thời gian: "Người công dân số 1". Những cống hiến, những chiu chắt nghệ thuật qua nhiều năm tháng cho sân khấu đã thành lá phiếu tín nhiệm, giúp ông 2 nhiệm kỳ liên tiếp, trở thành Đại biểu Quốc hội (khóa VII, khóa VIII).

Gần như cả đời gắn bó với sân khấu Việt Nam, NSND Dương Ngọc Đức thật sự là bậc "trưởng lão" không chỉ nhiều năm làm công tác quản lý, đứng đầu Hội NSSKVN, mà chính nhờ uy tín cá nhân, khả năng quy tụ tập hợp nghệ sỹ của chính con người ông.

Chu đáo, ân cần, luôn quan tâm đến từng con người, từng câu chuyện cụ thể, NSND Dương Ngọc Đức luôn khiến đồng sự "tâm phục khẩu phục" trong những xử thế ở đời. Ông được coi như một "người hiền" của sân khấu, một người mà những cá tính sân khấu không thể trộn lẫn như NSND Doãn Hoàng Giang, nhà văn Ngô Thảo cũng như các nghệ sỹ nhiều thế hệ luôn nhắc đến với đầy vẻ trọng thị, nâng niu và yêu mến.

NSND - Đạo diễn Dương Ngọc Đức sinh ngày 17/8/1930 tại Hà Nội, là Tổng Thư ký Hội NSSK Việt Nam 3 nhiệm kỳ, Đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII… Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. NSND - Đạo diễn Dương Ngọc Đức từ trần ngày 3/6/2010 tại Hà Nội. Tang lễ NSND Dương Ngọc Đức được cử hành hồi 9h30' thứ ba, ngày 8/6, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Khánh Bằng
.
.
.