Người giữ hồn hát ru Nam Bộ

Thứ Ba, 09/10/2012, 09:09
“Năm 1958, ở Pháp, tôi tình cờ nghe giọng hò Đồng Tháp mượt mà trong đĩa “Tiếng hát Việt Nam”, do Nhà Xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc thu thanh năm 1957. Bị mê hoặc bởi giọng hò có sức lay động, truyền cảm lạ lùng nhưng tôi không biết người hò là ai. Hội ngộ sau hơn 50 năm tìm kiếm, thật bất ngờ khi biết bà còn là người hiếm hoi hát ru đúng chất Nam Bộ”.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê xúc động nói về nghệ sĩ Kim Nhụy, nổi tiếng với điệu ru con, dân ca Nam Bộ trên Đài Tiếng nói Việt Nam thuở nào.

“Ầu ơ, bên kia sông bụi tre khô/ Bên đây sông cây chuối ngả/ Nhìn sau lưng bụi sả lại tàn/ Ơ, đôi đứa ta sống trong hoàn cảnh nguy nan/ Dang tay em níu áo bạn vàng/ Dù sanh dù tử cũng một mình chàng mà thôi”.

Đoạn hát ru mở đầu bộ phim “Nổi gió” (đạo diễn Huy Thành, sản xuất năm 1966) do nghệ sĩ Kim Nhụy thể hiện cũng là đoạn hát ru hiếm hoi được ghi âm và lưu giữ đến nay của bà. Nữ nghệ sĩ xinh đẹp và tài năng của Đoàn ca nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam thuở nào giờ đã bước vào tuổi 82. Gặp gỡ Giáo sư Trần Văn Khê trong cuộc hội ngộ sau hơn 50 năm, bà không cầm được nước mắt. Hai mái đầu bạc run run cất giọng hò giao duyên trên chiếc xe lăn. Lời ru bà hát lại cho Giáo sư nghe, tuy sức đã yếu, nhưng vẫn còn mang hơi hướng của ngày xưa.

Nghệ sĩ Kim Nhụy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Nhụy, sinh ra và lớn lên tại xứ Thanh Bình, Đồng Tháp. Thuở nhỏ, đi giăng câu, mót lúa bà đã thấm nhuần lời dân ca, điệu hò mà người nông dân chân lấm tay bùn cất lên trên cánh đồng bao la, êm ả cánh cò. Sớm mồ côi mẹ, bà mẹ quê đi vào tâm khảm cô bé mồ côi mẹ từ thuở lên 2.

Tuy còn nhỏ nhưng cô bé Nhụy có trí nhớ rất tốt và sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Lân la qua nhà hàng xóm nghe bài vọng cổ, cải lương phát ra từ cái đĩa hát cũ kỹ, được khoảng 3 lần là cô bé đã thuộc làu. Những buổi cha dạy chữ cho học trò hay các anh tụ tập bạn bè đờn ca tài tử, bà lại kiếm cớ rót nước, pha trà để học lỏm. Mới 12 tuổi, nhưng bà đã nằm lòng lời sách thánh hiền và hàng trăm bài dân ca, hát ru, vọng cổ. 

Năm 1945, bà tham gia làm giao liên rồi gia nhập Đoàn văn công Tỉnh đội Long Châu Sa. Năm 1954, tập kết ra Bắc, bà vào Đoàn Văn công Nam Bộ, sau đó về Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Làm việc trong đài, nghệ sĩ Kim Nhụy chuyên ca cải lương và hát dân ca Nam Bộ. Trong những năm tháng chiến trường miền Nam khói lửa, những làn điệu dân ca Nam Bộ mà bà hát là nỗi da diết nhớ quê có bóng dáng những người mẹ yêu thương. Tiếng ca là lời thúc giục người lính lên đường chiến đấu, bảo vệ quê hương, bảo vệ lời ru xứ sở. Ngày ấy nhắc tới dân ca Nam Bộ, hát ru Nam Bộ, người ta nghĩ ngay đến nghệ sĩ Kim Nhụy. Đó chính là lý do vì sao khi muốn thể hiện đoạn mở đầu phim “Nổi gió” bằng một điệu hát ru Nam Bộ, đạo diễn Huy Thành của Hãng phim truyện Việt Nam đã tìm ngay đến bà.

Giáo sư Trần Văn Khê, nghệ sĩ Kim Nhụy và con gái bà - chị Song Anh.

Trong những năm tháng ra Bắc phục vụ trong đài, bà đã trực tiếp đứng lớp giảng dạy hát ru, dân ca Nam Bộ cho các nghệ sĩ như: Trang Nhung, Thúy Đạt, Lê Thiện… Tuy nhiên, có thể nói, học trò xuất sắc nhất của bà là cô con gái Song Anh. Thuở còn trong bụng mẹ cho đến khi lớn lên, chị Song Anh luôn đắm mình trong lời ru ngọt ngào, êm đềm của vùng sông nước Cửu Long. Chị Song Anh tâm sự: “Công việc của tôi sau này không liên quan gì đến nghệ thuật như con đường của má. Nhưng những lời ru, câu hò má dạy đã ngấm vào máu tôi. Đến khi có con, những lời ru bật lên một cách tự nhiên. Tôi ru con như ngày xưa má đã ru tôi vậy”.

Bây giờ, cư ngụ tại TP HCM, nghệ sĩ Kim Nhụy đã già yếu, giọng hát không còn như xưa nhưng trí nhớ của bà còn rất minh mẫn. Theo đánh giá của Giáo sư Trần Văn Khê, bà là một cuốn từ điển sống, hiếm hoi về lời ru, dân ca Nam Bộ. Giữ gìn và thể hiện lại những gì mẹ truyền đạt chính là chị Song Anh. Cũng như mẹ mình, chị Song Anh đang dạy lại lời ru cho con gái.

Trong cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng viết: “Trẻ không chỉ cần sữa mẹ mà còn cần mùi mồ hôi của mẹ, tiếng à ơi của mẹ và bờ vai của cha”.

Hát ru là kiểu hát theo câu thơ thường là ca dao, tục ngữ, thơ lục bát hoặc văn biền ngẫu. Giai điệu ngân nga, bổng trầm theo đặc trưng từng vùng miền đưa bé thơ vào giấc ngủ êm đềm. Người hát cất lời ru bằng lòng yêu thương con trẻ. Ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những làn điệu hát ru riêng biệt.

Giáo sư Trần Văn Khê tâm sự: “Thuở nhỏ, tôi rất thích đến chợ cá làng Vĩnh Kim (trước thuộc Mỹ Tho, nay là Tiền Giang) vì trong nhiều nhà vọng ra tiếng bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em. Tôi thường đến nhà chị Thìn mua cốm, không phải cốt để có miếng cốm bắp nhai giòn trong miệng, mà thật ra để nghe giọng ru cháu của chị, ngọt ngào, êm ái, rót vào tai đứa bé, nhưng cũng lọt vào tai thấm vào tim tôi, một đứa bé mồ côi cha mẹ từ thuở lên mười”.

Theo Giáo sư, hát ru là nét nhạc đầu tiên đến với con người từ lúc mở mắt chào đời. Khi còn trong bụng mẹ, tiếng ầu ơ, nựng nịu của mẹ đã kích thích đến não bộ của bé. Thuở nằm nôi, lời ru không chỉ giúp bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ mà còn giúp bé sớm phát triển. Nhạc điệu hát ru mượt mà, êm đềm. Ngôn từ hát ru là những bài ca dao ngợi ca quê hương, đất nước, tình nghĩa gia đình, là lời răn dạy đạo đức làm người…

Giáo sư Trần Văn Khê lấy làm tiếc khi hiện nay nhiều bà mẹ trẻ không biết hát ru và không có thời gian hát ru cho con. Nếu hát ru con, các bà mẹ Nam Bộ thường hát theo kiểu vọng cổ, cải lương. Điệu ru Nam Bộ truyền thống đã bị pha tạp. Lần đầu tiên nghe nghệ sĩ Kim Nhụy và chị Song Anh – con gái bà hát ru, Giáo sư quả quyết đây mới đúng là giai điệu hát ru Nam Bộ truyền thống. Cũng như nỗi trăn trở của Giáo sư, nghệ sĩ Kim Nhụy và chị Song Anh đều mong muốn có nhiều lớp dạy hát ru cho các bà mẹ trẻ. Hát ru đúng và hay không phải chỉ để đi thi liên hoan, phát hành đĩa mà để lời ru đi vào đời sống hằng ngày, ngân nga bên vành nôi con trẻ. Có vậy, điệu hát ru Nam Bộ nói riêng và những điệu hát ru dân tộc nói chung không bị phôi pha và nhạt nhòa trong vòng xoay thời cuộc

Quỳnh Nga
.
.
.