Người giữ hồn của núi

Thứ Tư, 12/07/2006, 07:50

12 tuổi đã bắt đầu sử dụng các nhạc cụ truyền thống, 18 tuổi đã sử dụng được 20 nhạc cụ dân tộc Pa Kô, Cơ Tu, mặc dù chưa qua một trường lớp nào. Đó là chàng trai Pi Kê Dơ, làng Anin, xã Hồng Bắc, huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế.

Sinh ra trong gia đình người Pa Kô, từ nhỏ Pi Kê Dơ đã thừa hưởng được tố chất âm nhạc từ bố mẹ. Bố Dơ là ông Pê Kê Da - người nổi tiếng hát hay trong vùng, mẹ là bà Rung Kêu (diễn viên của đoàn văn công tỉnh Thừa Thiên - Huế trước đây), ngay từ khi nằm trong nôi, Dơ đã nghe mẹ hát ru các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Lớn lên một chút, Dơ đã được mẹ dạy cho tất cả các làn điệu của người Pa Kô, Cơ Tu.

12 tuổi, Pi Kê Dơ đã bắt đầu làm quen với các nhạc cụ dân tộc. 18 tuổi, Dơ đã tham gia vào Đội văn công của huyện, Dơ hát và thuộc nhiều làn điệu dân ca, sử dụng được hơn 20 nhạc cụ.

Dơ say sưa kể về những chuyến đi xa, đến Tà Rụt (Quảng Trị) hát với các cô gái Vân Kiều. Qua tận Lào hát với các cô gái Lào... Rồi những buổi văn nghệ của các thôn làng xung quanh, ở đâu Dơ cũng tham gia ca hát, vừa học hỏi thêm từ các già làng, các nghệ nhân cao tuổi. Từ những cuộc giao lưu ấy, Dơ sưu tầm và thuộc thêm các làn điệu dân ca của dân tộc mình như cha chấp, càlơi, siêng, cha-ra-ving...

Riêng đối với các nhạc cụ thì tự mày mò rồi chế tạo, chiếc nào chưa làm được là Dơ nghe các già làng sử dụng, bắt chước thổi theo, rồi tìm cách mua cho bằng được. Sử dụng khoảng 2 - 3 tháng rồi tháo ra để nghiên cứu, làm xong lại thổi... chưa đạt thì làm lại khi nào thổi mà các nghệ nhân trong làng chấp nhận là được.

Cho đến bây giờ Dơ làm được 12 loại nhạc cụ khác nhau như: Đ Kưr, Khèn, Tâng ngát, Tireel, Alia, Ây koai….. Trong đó có nhiều loại nhạc cụ tự sáng chế như cây đàn alia. Cách đây khoảng 10 năm, lúc đó chưa có vợ, Dơ hay tìm ra các bản làng ở  xã Tà Rụt (Quảng Trị) nghe các thiếu nữ hát điệu hát ru... làm say đắm lòng người. Trở về, Dơ lại muốn làm ra một loại nhạc cụ mới để thay lời hát của mình, tâm tình với các bạn gái. Thế là anh tự mày mò tìm lấy, sau nhiều tháng trời Dơ cũng đã cho ra đời được cây đàn mới với tên tự đặt là alia trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

30 tuổi, đã tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ quần chúng của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới hơn 10 năm nay, Dơ đã cống hiến công sức không nhỏ trong việc bảo tồn vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Dơ khoe, anh có 1 HCV, 1 HCB và 12 giấy khen về thành tích biểu diễn nghệ thuật.

Những làn điệu dân ca của người Pa Kô, Cơ Tu... rất phong phú, tuy nhiên ngày nay các bạn trẻ đều thích nhạc mới, ít người tự học hỏi âm nhạc dân tộc. Qua những buổi biểu diễn của Dơ và đội văn nghệ quần chúng của huyện A Lưới, một tháng 2-3 lần khắp các buôn làng với các điệu cha chấp, cà lơi, tiếng khèn be... làm sống lại trong họ vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình

Văn Hiếu
.
.
.