Người giữ hồn Tây Nguyên

Thứ Ba, 24/05/2005, 14:25
Người ta biết đến ông như một người "chơi" lan rừng nổi tiếng đất Bảo Lộc nhưng dường như "chơi" lan không được ông đam mê bằng chơi đồ... cũ. 20 năm có lẻ, ông đã vượt nhiều ngọn núi, băng qua nhiều cánh rừng săn lùng chiêng, trống và hàng trăm đồ dùng của đồng bào Tây Nguyên. Vì thế mà người ta gọi ông là Người giữ hồn Tây Nguyên.

Sinh năm 1941, ông Đỗ Văn Toàn hiện đang sinh sống ở phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, ông đã có dịp gần gũi và tiếp xúc với rất nhiều người dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng nên ông hiểu khá rõ những phong tục tập quán của họ. Năm 1978, tình cờ “nhặt” được một vài hiện vật của đồng bào, ông đã nhận thức được việc lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể như thế và bắt đầu từ đó ông đã tự tổ chức cho mình những chuyến đi sưu tập ở vùng Tây Nguyên.

Công việc chính của ông là nhận lắp điện cho những ngôi nhà mới, khi không có công trình thì ông xoay ra nhận làm đủ thứ việc để có tiền nuôi vợ con và nuôi sống cái thú sưu tập của mình. 65 tuổi, hằng ngày ông vẫn cưỡi chiếc Rebel 250 hầm hố như dân chơi vậy. Có người kêu ông là “người rừng”, và có lẽ dường như cái chất “hoang dã” của núi rừng Tây Nguyên đã thấm vào ông, chính vì thế mà ông đã được rất nhiều đạo diễn biết đến và giao cho ông những vai già làng.

Đồng bào gọi ông là K' Toàn, hay Già Toàn (K' là họ của người Mạ), họ không lạ gì một ông lão tóc dài, chạy xe phân khối lớn coi nhà đồng bào như nhà của mình, coi đồng bào thân thiết chẳng kém anh em. Trong mỗi chuyến đi, ông thường đem theo đủ thứ bánh kẹo, quần áo, lịch, đồng hồ cho đồng bào những vùng ông đi qua. Là một người sưu tầm, nhưng mỗi chuyến đi của ông chẳng khác gì một chuyến hoạt động công tác xã hội. Rất nhiều tiền của ông đã đổ vào những chuyến đi, mẹ ông mất để lại cho ông một ít gia tài, ông bán đi để đeo đuổi cái thú sưu tầm đồ... cũ của mình. Có khi ông đi cả tháng trời mà vợ con cũng chẳng biết ông đi đâu, khi nào chiếc Rebel của ông chở đầy đồ cũ, ông lại về.

20 năm, bộ sưu tập của ông Toàn đã lên đến trên 600 hiện vật, như: chiêng trống, gùi, khố, váy, dao pir, khèn sừng trâu, đàn môi, cung, tên, ná nỏ, lao, xà gạt... những hiện vật này được ông tỉ mẩn sắp xếp thành 7 nhóm: đồ gia dụng, dụng cụ săn trên cạn, dưới nước, dụng cụ phát rừng trồng tỉa, dụng cụ làm rèn, dệt thổ cẩm và nhạc cụ. Tất cả được ông chất đầy trong 4 gian nhà kho, đến cả... phòng ngủ. Trong đó đặc biệt quý hiếm đối với ông là một chiếc nón của đồng bào đã gần 100 tuổi, hay một bộ trống bưng bằng da nai, bễ đục từ gốc cây và một chiếc gùi rất xưa (chưa xác định được niên đại cụ thể)... những hiện vật này đã được người xưa chế tạo rất khéo léo và tinh xảo.

Về nhạc cụ, ông đã sưu tập 10 chiếc trống to nhỏ, chiêng la gần 20 cái. Đồ sưu tầm của ông hiện có xuất xứ từ 8 dân tộc anh em như K'Ho, Mạ, Châu Ro, X'tiêng, Lạch, Ê Đê... đang sinh sống rải rác trên Tây Nguyên, từ đầu Đắk Nông đến cuối dãy Trường Sơn. Ông còn đến tận những bản làng xa xôi mời những cụ cao niên về để họ phục chế lại những vật dụng đã bị hư hỏng.

Trung tâm Kỷ lục Vietbooks đã đề xuất kỷ lục cho ông là “Người sở hữu bộ sưu tập hiện vật của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nhiều nhất Việt Nam”, nhưng riêng mình, ông chỉ mong lưu giữ được những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em, để chúng không bị mai một theo thời gian..

Thuận Nguyên
.
.
.