Người “đưa” nhiều vùng đất đi triển lãm

Thứ Ba, 30/03/2010, 14:49
Không phải là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, cũng chưa từng được tặng danh hiệu cao quý nào của các tổ chức trong và ngoài nước trên lĩnh vực nhiếp ảnh, nhưng khi nhắc đến những tác phẩm và sự sáng tạo miệt mài của nhiếp ảnh gia Đình Minh, người dân Việt Nam đều có thể biết đến.

Điều quý nhất ở anh chính là thái độ lao động nghiêm túc và đầy trách nhiệm đối với những "đứa con" của mình. Cho tôi xem những tấm ảnh ghi lại sự phát triển tại hai bờ sông Hậu, gắn liền với chiếc cầu dây văng Cần Thơ sắp tới ngày khánh thành, anh bộc bạch: "Nếu mình không ghi đầy đủ sự phát triển, thay đổi này thì sẽ có lỗi với hậu thế".

Thật ra, để có được những tấm ảnh đôi bờ sông Hậu, gắn với chiếc cầu hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, nhiếp ảnh gia Đình Minh đã năm lần bảy lượt từ TP HCM xuống Cần Thơ rồi mất rất nhiều ngày "phục kích" tại nhiều góc độ và từ những vị trí cao nhất nhì của Tây Đô.

Anh kể cho tôi nghe chuyện anh kiên trì suốt cả hai tháng trời để canh, chụp ảnh sếu đầu đỏ tại vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim  (Đồng Tháp). Để có được những tấm ảnh sếu độc đáo, anh đã kiên trì tìm hiểu quy luật đi, đứng của sếu. Vậy là hôm nào cũng vậy, từ lúc 3h sáng, anh rời nhà trọ ngoài trung tâm huyện rồi lặng lẽ bò vào điểm phục kích cách nơi gửi xe khoảng 1km.

Sau buổi ăn sáng, khoảng 10h-10h30', đàn sếu bay về. Dường như được phân công, một con sếu đáp xuống trước rồi sải cánh, ra dấu cho cả đàn lần lượt đáp xuống. Từ điểm phục kích, anh sung sướng bấm máy với những bức ảnh đặc tả được cả màu mắt đỏ rất đẹp và chiếc mỏ dài, kiêu hãnh của sếu.

Nhiếp ảnh gia Bình Minh sau một chuyến chụp ảnh.

Trong dịp Hội nghị APEC lần thứ 14 vào trung tuần tháng 11/2006 do Việt Nam đăng cai, chẳng mấy ai biết rằng, hình ảnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến được bạn bè thế giới biết đến quanh bờ Hồ Gươm là của anh.

Anh kể, từ trước đó, anh đã bộc bạch ý tưởng của mình cho phía Canon Việt Nam. Nghe anh trình bày, phía Canon tán thành ngay. Thế là họ tài trợ tiền (khoảng 40.000 USD) cho Ban tổ chức. Anh thì tài trợ công sức. Chưa đầy 2 tháng, anh phải chạy lo 3 cuộc triển lãm với 240 bức ảnh. Vất vả nhưng điều khiến anh sướng nhất chính là qua ảnh, bạn bè quốc tế đã cảm nhận được sự phát triển, đổi thay của Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, Thủ tướng nước Australia - ngài John Howard, lẽ ra chỉ đi bộ thể dục một vòng Hồ Gươm, nhưng do chưa xem hết ảnh, ông quyết định đi thêm một vòng. Còn hơn 4.200 phóng viên báo chí và đại diện hơn 20 hãng thông tấn, truyền hình, họ cứ tranh thủ ghi lại hình ảnh Việt Nam qua những tấm ảnh của anh…

Tham quan một vòng các địa chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm của anh  tại quận I, TP HCM (số 57 Nguyễn Du; 114 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa và số 2 Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng), tôi mới cảm nhận thêm niềm say mê của anh đối với cái nghiệp chép sử bằng ảnh, lặng lẽ ghi lại sự phát triển đi lên của đất nước qua ống kính và qua đó muốn gửi thông điệp đến bạn bè thế giới về một Việt Nam đang chuyển mình, đổi thay, hội nhập cùng thế giới từng ngày, từng giờ

Thái Bình
.
.
.