“Người đi, rừng núi trông theo bóng người”

Thứ Bảy, 26/08/2006, 08:12

Năm 1954, trên hành trình từ ATK Tuyên Quang về Hà Nội chuẩn bị thực hiện Hiệp định Geneve, Hồ Chủ tịch đã dừng chân ở một số địa danh. Nơi được Người lựa chọn lưu lại ở, làm việc đầu tiên và lâu nhất là đồi Thành Trúc, thôn Vai Cầy, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Song, vì nhiều lý do khách quan, di tích lịch sử này từng bị lãng quên suốt gần nửa thế kỷ.

May thay, trách nhiệm với lịch sử và bằng tấm lòng với Bác, năm 2003, 5 nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp xây dựng khu lán trại cho Bác ngày ấy - đã trở lại đây.

Đó là Đại tá Nguyễn Văn Dần, nguyên cán bộ Cục Cảnh vệ, Thư ký của cố Bộ Trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn; Đại tá Nguyễn Huy Niêm, nguyên giảng viên Trường Đại học ANND; Thượng tá Bùi Xuân Đường, nguyên cán bộ Cục Cảnh vệ; Trung tá Nguyễn Thành Kính, nguyên cán bộ Bộ Công an và ông Nguyễn Văn Hậu, nguyên cán bộ Cục Cảnh vệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Thương mại). Họ là những cựu binh trong Đại đội 272, thuộc Đội 36 do đồng chí Tạ Quang Chiến (nguyên Đội trưởng Đội I, Cục Cảnh vệ và là một trong 8 đồng chí được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) chỉ huy.

Dẫu tuổi cao, sức yếu, nhưng các cán bộ lão thành vẫn nhiệt tình leo rừng, lội suối, quyết tâm tìm bằng được di tích lịch sử ở chiến khu xưa. Công việc hoàn toàn không dễ dàng, bởi thời chiến, nguyên tắc bảo mật không cho phép hỏi địa danh cụ thể khi đến làm nhiệm vụ, nên không ai biết chính xác khu di tích nằm ở đâu, chỉ nhớ ở trong một khu rừng cách Vai Cầy 4-5 km, phải qua một con suối rộng. Mà, sau nửa thế kỷ, cảnh vật đã thay đổi rất nhiều. Rừng già hoang vu năm xưa nay đã nhường chỗ cho những cánh đồng bát ngát lúa khoai. Nhà cửa san sát. Còn các cụ cũng chỉ có thể mô phỏng qua lời kể.

Nhưng, với sự giúp đỡ của lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Trung Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL cùng cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an huyện Đại Từ và chính quyền địa phương đã tìm lại được chính xác nơi Bác Hồ từng sống và làm việc từ 8/1954 đến 9/1954, để chỉ đạo công tác tiếp quản Hà Nội vào 10/10/1954. Đó chính là khu đồi Thành Trúc.

Bằng cách mô tả địa hình và xác minh qua các cụ lão thành ở địa phương, các nhân chứng còn tìm được một di tích lịch sử khác, là địa điểm Bác nói chuyện với các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, cơ quan 11 và 12 vào tối 5/9/1954 trước khi về tiếp quản Thủ đô. Nơi đây là Bãi Đồng, Ngõ Ngoài, xã Bản Ngoại.

Từ ý kiến của các bậc lão thành, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Di sản Văn hóa đã tiến hành các căn cứ khoa học để năm 2005, Bộ VH-TT công nhận nơi đây là di tích cấp quốc gia. Để hôm nay, Vai Cầy trở thành một điểm tham quan không thể thiếu của du khách, nhất là trong sự kiện Năm du lịch Thái Nguyên 2007 do Nhà nước tổ chức.

 "50 năm ấy biết bao nhiêu tình"…

Theo chân Phó Chủ tịch xã Mai Công Bình, chúng tôi tìm về thăm dấu tích xưa. Nhiều nhà xây cao tầng, có cả ăng-ten chảo thu hình vươn trên những cánh đồng lúa bát ngát, dậy hương thơm. Từ UBND xã vào di tích chừng 4-5 km, chưa có đường ô tô, nhưng sạch sẽ, phong quang. Cây cầu treo năm xưa đã được thay bằng cầu bê-tông, dù còn nhỏ. Một đời sống thanh bình, no ấm hiện diện khắp nơi.

Trên đường đi, chúng tôi ghé vào khu Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã đang được xây dựng bằng số tiền 500 triệu đồng do Bộ Công an đầu tư và Báo CAND và Chuyên đề An ninh Thế giới cũng gửi gắm tấm lòng với truyền thống bằng việc hỗ trợ toàn bộ nội thất. Không khí hối hả, khẩn trương. Anh Mai Công Bình cho biết: Xã đang cố gắng hoàn thành những phần việc cuối cùng để kịp khánh thành Trung tâm vào dịp 19/8 hoặc 2/9.

Điểm chính cuộc hành trình của chúng tôi là đồi Thành Trúc. Khu di tích nằm sâu trong núi, khang trang với đoạn đường trước di tích được trải bê tông. Nổi bật trên nền xanh mướt của cây lá, là đài tưởng niệm dựng trên khu vực xưa là sân bóng chuyền Bác thường tập luyện, bên cạnh đó là dấu tích căn nhà sàn của Bác năm nào. Tất cả là lời nhắc tự hào về quá khứ.

Đúng như các nhân chứng lịch sử khẳng định, việc tìm lại được di tích này có ý nghĩa chính trị rất lớn. Nó chứng tỏ vào thời điểm lịch sử của dân tộc, Bác Hồ đã dành cho nhân dân và cán bộ huyện Đại Từ nói chung, xã Bản Ngoại nói riêng, sự tin cậy tuyệt đối khi chọn đây làm nơi đặt trung tâm quan trọng của ATK trước khi về tiếp quản Thủ đô. Danh hiệu Anh hùng LLVTND mà năm 2005 Nhà nước phong tặng cho địa phương cũng là thêm một lần ghi nhận điều đó

Thanh Hằng - Thanh Huyền
.
.
.