Người chiến sĩ, nghệ sĩ tài hoa

Chủ Nhật, 06/03/2011, 09:28
Ngoài công việc quản lý, Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà bao giờ cũng khiêm tốn tự nhận mình là học trò của một số nhà văn. Ông không có tham vọng viết văn để nổi danh mà chỉ đơn thuần là "diễn tả những gì có thật trong cuộc đời mình để phục vụ những lợi ích của xã hội".

Thiếu tướng, nhà văn quân đội Dũng Hà, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Sao Mai" và nhiều tác phẩm khác như: "Đường dài", "Quãng đường xưa in bóng", "Mảnh đất yêu thương", "Sông cạn"… đã vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến ông.

Dũng Hà là một nhà văn điển hình cho một thế hệ nhà văn trưởng thành từ thực tế chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trước khi cầm bút, ông là người lính đã lăn lộn khắp các chiến trường, tham gia vào các trận đánh lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Là tướng lĩnh của binh chủng đặc công, ông đã viết về binh chủng của mình bằng những trang viết hết sức độc đáo, thú vị trong tiểu thuyết "Sao Mai" - cuốn sách ghi tên ông vào đội ngũ các nhà văn quân đội. Có thể nói, trong chiến tranh chống Mỹ, tiểu thuyết "Sao Mai" của Dũng Hà gần như có mặt trong ba lô của bất kỳ người lính nào trên đường ra mặt trận. Nó được in với con số kỷ lục mà các nhà văn hôm nay nằm mơ cũng không thể thấy: 5,4 vạn cuốn. Cuốn sách được độc giả hào hứng đón nhận như vậy là bởi vì (như ông nói), nhà văn đã viết về cái "tổ chuồn chuồn của mình", nơi ông đã sống và gắn bó phần lớn đời binh nghiệp với nó. Đó là cuộc đời của những người lính đặc công - một binh chủng "đặc biệt tinh nhuệ" của quân đội ta.

Từ một chính ủy binh chủng đặc công trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, rồi thành nhà văn, là một sự thay đổi ngoài sức tưởng tượng của chính nhà văn Dũng Hà. Sinh thời ông thường nói, viết văn chỉ là nghề tay trái, thậm chí ông không nhận mình là người có tài năng thiên bẩm. Nhưng do yêu cầu công tác, và có lẽ cũng là do số phận nữa, ông trở thành thủ lĩnh của một mảnh đất hội tụ những tài năng văn học lớn của thời đại, với những tên tuổi như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Chu Lai, Hồng Diệu, Khuất Quang Thụy…

Ngoài công việc quản lý, nhà văn Dũng Hà bao giờ cũng khiêm tốn tự nhận mình là học trò của một số nhà văn. Ông không có tham vọng viết văn để nổi danh mà chỉ đơn thuần là "diễn tả những gì có thật trong cuộc đời mình để phục vụ những lợi ích của xã hội"- như nhận định của nhà văn Khuất Quang Thụy.

Trong cuộc đời mình, Thiếu tướng, nhà văn quân đội Dũng Hà làm quản lý hai lĩnh vực là chính trị, tư tưởng và văn nghệ. Ông là người biết dung hòa con người chiến sĩ và con người nghệ sĩ trong chính bản thân mình. Ông vừa có cái uy của một vị tướng, lại có sự gần gũi, sẻ chia của một người cầm bút nên rất được các nhà văn đồng nghiệp nể trọng. Tạo mọi điều kiện để các nhà văn quân đội phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, khích lệ, động viên, truyền cảm hứng cũng như đứng ra bảo vệ tác phẩm của đồng nghiệp.

Một số nhà văn quân đội kể lại một câu chuyện mà nhà văn Dũng Hà đã từng làm. Ấy là khi ông cho in truyện ngắn "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" của nhà văn Nguyễn Minh Châu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì gặp phải phản ứng của một vài cán bộ tuyên huấn. Vốn thẳng thắn và tin vào việc mình đang làm là đúng, Tổng Biên tập Dũng Hà lên gặp đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, bảo vệ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Ông còn luôn "đứng mũi chịu sào", bảo vệ đến cùng những bài viết của anh em trong tạp chí, cho dù ông biết có thể mình sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Ông không ngại đấu tranh với cái xấu, cái chưa tốt, và lúc nào cũng có niềm tin vào sự thật, vào lẽ phải.

Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà viết không nhiều. Có hai cuốn sách được đánh giá là quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông là "Sao Mai" và "Sông cạn". Mỗi trang sách của ông luôn đầy ắp những tư liệu từ chính cuộc đời dày dạn trận mạc của ông. Trở thành nhà văn dường như đã không hề có trong những ước mơ thời tuổi trẻ của người lính đặc công Dũng Hà. Nhưng số phận đã buộc ông vào với văn chương. Và ông đã có những trang sách được bạn đọc nhớ đến. Nhưng có lẽ những người yêu mến ông sẽ nhớ mãi về ông như một vị tướng, một nhà quản lý biết trọng văn tài của anh em, đồng nghiệp, biết bảo vệ thành quả, công sức sáng tạo của anh em, đồng nghiệp. Chỉ riêng điều đó thôi ông cũng đã có thể thanh thản mỉm cười ở cõi vĩnh hằng.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:

Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà là một nhà văn chân chính. Một người rất biết mình, thẳng thắn, chân tình, không bao giờ nói quá về những việc mình đã làm. Ông lặng lẽ viết, lặng lẽ cho ra đời các tác phẩm của mình. "Sao Mai" là cuốn tiểu thuyết đã làm nên tên tuổi Dũng Hà, nhưng có lẽ cuốn sách mà dốc nhiều tâm sức nhất lại là tiểu thuyết "Sông cạn". Đây là cuốn sách ông viết về số phận của người anh trai mình. Với tôi, Dũng Hà là một nhà văn đàn anh rất đáng kính. Có thể tác phẩm của ông còn khiêm tốn, nhưng tôi rất trọng nhân cách của ông.

Với các nhà văn trẻ, ông không trực tiếp đóng góp bằng văn bản, vì ông ít viết, nhưng trong tình cảm của ông thì luôn luôn có một sự ưu ái, rộng mở, yêu thương, chăm chút. Có thể thế hệ 7X, 8X thì hơi xa cách ông về mặt tuổi tác và cũng không có nhiều cơ hội để được diện kiến ông, nhưng các nhà văn chống Mỹ thì được ông quan tâm, khích lệ rất nhiều. Ông là một người đối xử với anh em, đồng nghiệp rất ấm áp, chân tình.

Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà mất đi để lại nỗi nuối tiếc khôn nguôi trong lòng những người yêu mến ông. Trước ngày đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi có làm một bài thơ để viếng ông: "Sao Mai lấp lánh trên áo cỏ/ Nhắc thời trận mạc lặng thầm qua/ Đời lính, nghiệp văn bao gian khổ/ Sông cạn thương anh chợt vỡ òa".

Nhà văn Nguyễn Đình Tú:

Tôi thuộc lứa các nhà văn 7X, về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội khi mà Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà đã nghỉ hưu lâu rồi. Những lần diện kiến ông là những lúc ông thư thả ghé sang cơ quan chơi, thăm anh em đồng nghiệp. Cảm nhận của cánh trẻ chúng tôi là ông rất gần gũi, thẳng thắn, sôi nổi trong mọi câu chuyện. Bàn về vấn đề gì của đời sống xã hội và văn chương, ông cũng rất sòng phẳng.

Chúng tôi vẫn thường được các nhà văn đàn anh đi trước lưu truyền cho nghe những câu chuyện về nhà văn Dũng Hà thời ông là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Là một vị chỉ huy binh chủng đặc công chuyển qua làm quản lý văn nghệ ai cũng nghĩ rằng ông rất nghiêm, rất khó tính, nhưng trái lại ông rất gần gũi với mọi người và biết cách đoàn kết anh em trong tạp chí thời đó vốn đang có nhiều vấn đề liên quan đến mất đoàn kết nội bộ. Ông cũng là người sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải, cho công sức sáng tạo của anh em nhà văn.

Trong 12 năm làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà đã xây dựng được một thế hệ biên tập viên "vàng" cho Tạp chí, gồm những tên tuổi như: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy… Trong công tác quản lý, ông đã để lại một bài học lớn cho các nhà văn quân đội sau này.

Vũ Quỳnh
.
.
.