“Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”

Thứ Hai, 05/02/2007, 10:24

Trong trận Olympic Việt Nam gặp Afghanistan ngày 7/2 tới, 5 tuyển thủ quốc gia mới được bổ sung vào danh sách chắn chắn sẽ có suất đá chính.  Điều này tạo nên nghịch cảnh "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra": Trong khi các cầu thủ trở về từ đội tuyển quốc gia phải tiếp tục "cày ải", thì các cầu thủ trẻ khác lại bị

Cứ sau mỗi "vụ mùa" thất bát của bóng đá Việt ở đấu trường khu vực, vấn đề đào tạo cầu thủ trẻ đều được nhắc đến với tư cách là một trong số những nguyên nhân dẫn tới sự không thành công.

Giờ mà bảo đội tuyển thất bại ở AFF Cup một phần là do khâu đào tạo tài năng kém, tài năng trẻ ít có "đất diễn" nên thiếu cầu thủ giỏi, thì ai cũng gật. Nhưng bao giờ cũng thế, gật xong rồi để đó, còn làm hay không lại là chuyện khác. Nhân sự của đội Olympic chuẩn bị cho vòng sơ loại Olympic Bắc Kinh 2008 là một ví dụ…

Theo bản danh sách 20 cầu thủ chuẩn bị cho trận đấu gặp Afghanistan vào ngày 7/2 tới, đội Olympic có sự tăng cường tới 5 tuyển thủ của đội tuyển QG vừa trở về từ AFF Cup gồm: Công Vinh, Thanh Bình, Văn Biển, Vũ Phong, Minh Chuyên. Sự xuất hiện của nhóm "hàng tuyển" này, cộng thêm Mai Tiến Thành "lọt sàng xuống nia" từ trước thềm AFF Cup, đã khiến cho đội Olympic phải "thay máu" hơn 1/3 lực lượng so với danh sách tập trung đợt đầu cách đây một tháng.

Theo đó, 9 gương mặt trẻ phải nói lời chia tay với đội vào thời điểm gút danh sách. Trong số này có khá nhiều cái tên từng được giới chuyên môn đánh giá là tiềm năng như trung vệ Quốc Anh, tiền đạo Tăng Tuấn…

Chưa hết, theo sự khẳng định của một thành viên BHL đội tuyển Olympic, thì gần như chắc chắn 5 tuyển thủ quốc gia sẽ có suất đá chính trong đội hình xuất phát. Nghĩa là sẽ có thêm 5 cầu thủ trẻ khác sẽ bị "đày" lên ghế dự bị. Điều này tạo nên nghịch cảnh "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra": Trong khi các cầu thủ trở về từ đội tuyển quốc gia phải tiếp tục "cày ải" với thể lực và tâm lý quá mỏi mệt sau một kỳ AFF Cup hụt hẫng, thì các cầu thủ trẻ khác lại bị tước mất cơ hội ra sân để khẳng định mình, chứng tỏ tài năng, cũng như tích luỹ kinh nghiệm.

Nghịch cảnh này còn làm giảm đi tính cạnh tranh, triệt tiêu sự phấn đấu của các cầu thủ trẻ. Nó khiến đội Olympic tiếp tục đi vào "vết xe đổ" của đội tuyển quốc gia qua sự phân hoá "kép chính", "kép phụ". 

Hơn thế, hãy nói về sự công bằng. Sự công bằng đối với cả những Bình, Vinh, Biển… và các cầu thủ phải chia tay hay bị "nhốt" lên băng ghế dự bị ở đội Olympic. Có công bằng không đối với nhóm tuyển thủ quốc gia khi mà sức lực của họ cứ bị "mài" mãi trong suốt 6-7 tháng qua từ các giải giao hữu tới ASIAD, AFF Cup và nay lại là vòng sơ loại Olympic, chẳng có được ngày nghỉ ngơi? Có công bằng không đối với những cầu thủ trẻ đã nỗ lực tập luyện với cháy bỏng hy vọng được thể hiện mình, nhưng giờ thì họ phải bước ra bên lề cuộc chơi, nhường chỗ và nhường "đất diễn" cho các "đàn anh" từ tuyển về. 

Vẫn biết rằng, so với các tuyển thủ từng được "vua biết mặt, chúa biết tên" và có dặm dài những ngày tháng "ăn cơm ở Nhổn" như Vinh, Bình, Biển… thì các tân binh của đội Olympic còn khá "non" và "tơ". Thế nhưng, trình độ và đẳng cấp đâu thể ngày một, ngày hai mà có được. Thậm chí, những "ngọc trong đá" sẽ mãi mãi sống kiếp… đá cuội nếu như không có cơ hội và bàn tay mài giũa.

Phải chăng vì đội Olympic cần tăng cường lực lượng để ganh đua thành tích tại vòng sơ loại Olympic Bắc Kinh nên mới có chuyện sử dụng nhân sự "ngắt ngọn" như vậy? Trên thực tế, cơ hội để bóng đá Việt có được tấm vé tới Thế vận hội là rất mong manh. Với chúng ta, ý nghĩa của việc tham dự chỉ đơn giản là một dịp cọ xát, học hỏi như bao cuộc chơi quá tầm khác.

Thế nhưng, những nhà quản lý bóng đá vẫn cứ khăng khăng đẩy những "lính cựu" mỏi mệt vào cuộc, đồng thời khước từ việc tạo điều kiện và cơ hội cho các tân binh "đi học", bất chấp nhu cầu tìm kiếm và bổ sung những nhân tố mới của đội Olympic trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games 24 vào cuối năm.

Bởi vậy, sẽ là không quá nếu nói rằng, việc "bơm máu" tuyển quốc gia cho đội Olympic, một lần nữa thể hiện kiểu "bóc ngắn, cắn dài" của bóng đá Việt trong việc sử dụng nhân sự và đào tạo nhân tài; đi ngược lại quan điểm trẻ hoá lực lượng, đào tạo đội ngũ kế cận mà ai đó đã "kêu gào" sau thất bại ở AFF Cup.

"Biết rồi, khổ lắm", nhưng sao cứ phải nói!

Bảo Hân
.
.
.