Người Hà Nội lên Tây Tiến “mãi là mùa xanh xưa”

Thứ Tư, 09/10/2013, 09:48
Một buổi tọa đàm - giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ, các chiến sĩ Tây Tiến và thân nhân của họ vừa diễn ra tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, tỉnh Hòa Bình do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến tổ chức để kỷ niệm 25 năm ngày mất của Nhà thơ Quang Dũng và 65 năm ra đời bài thơ Tây Tiến. Cuộc tọa đàm - giao lưu mang chủ đề “Ta mãi là mùa xanh xưa”.

Phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi bước vào cuộc tọa đàm đã khiến tất cả mọi người bồi hồi xúc động. Ngày 1/2/1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã viết bức thư động viên, dặn dò các chiến sĩ bộ đội Tây Tiến - những người con ưu tú của Hà Nội sau khi chiến đấu bảo vệ Thủ đô lại tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ mới. Ba điều dặn dò của Đại tướng đã được các chiến sĩ Tây Tiến ghi nhớ sâu sắc và làm nên một huyền thoại bi tráng ở miền Tây. Tác phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã ghi lại những hình ảnh oai hùng và hào hoa của họ trên mặt trận vô cùng hiểm nghèo nhưng cũng đầy tính nhân văn với tâm hồn người lính Cụ Hồ và sự chở che, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và nước bạn Lào.

Thực sự, những con người làm nên nét hào hùng và hào hoa ấy đã và đang ngày càng có sức lan tỏa lớn hơn. Nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình nói: “65 năm, những địa danh mang tên Tây Tiến ấy đã được nhân lên rất nhiều kể từ ngày Quang Dũng đưa vào bài thơ Tây Tiến của ông, đó là con đường Tây Tiến, là tượng đài Tây Tiến, cánh đồng Tây Tiến, nhưng cao hơn cả, gần hơn cả, đi xa hơn cả, lâu bền hơn cả là miền cảm xúc Tây Tiến trong tâm hồn các thế hệ người Việt Nam”.

Người dân Hòa Bình cũng vinh dự tự hào không chỉ là nơi chở che, giúp đỡ bộ đội Tây Tiến trong những năm tháng gian khổ và chiến đấu ác liệt mà còn là nơi lưu giữ những dấu tích, di tích lịch sử về “đoàn binh không mọc tóc” này. Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa hóa - Thể thao và Du lịch hoàn tất hồ sơ và điều kiện để trình nâng cấp di tích tượng đài các chiến sĩ Tây Tiến hy sinh ở Châu Trang là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Một tiết mục trong buổi tọa đàm -  giao lưu.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh sự trân trọng những giá trị tinh thần của Tây Tiến mà Hòa Bình đã làm từng nhận được sự đồng tình, động viên, khích lệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Khi mà Hòa Bình đặt tên con đường mang tên Tây Tiến, thì có lẽ bút phê cuối cùng, bức thư cuối cùng của Bác về Tây Tiến, trong đó có Hòa Bình cách đây 4 năm, bác viết là: “Kính gửi các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, tôi được nghe các đồng chí Tây Tiến báo cáo là lãnh đạo tỉnh và đồng bào Tây Bắc, trong đó có Hòa Bình đã ghi nhận công ơn của Tây Tiến, đã đặt con đường… mang tên Tây Tiến. Xin cám ơn và chúc mừng đồng bào đoàn kết và phát triển”. Bút phê ấy, bức thư ấy có lẽ là cuối cùng nói về Tây Tiến và Hòa Bình”. 

Buổi tọa đàm - giao lưu cũng đã ghi nhận nhiều tâm sự, tâm tình của các chiến sĩ Tây Tiến và thân nhân của họ. Nhà thơ Chu Thị Linh Quang, con gái cụ Chu Đốc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 Tây Tiến ôn lại kỷ niệm gắn với cha mình và nhà thơ Quang Dũng: “Đó là chiều mùa hè năm 1966, nhà tôi ở nơi sơ tán trong 3 gian nhà tranh. Hôm đó tôi chờ mãi không thấy bố tôi về, bất ngờ nhìn ra con đường nhỏ ở bên kia đồi đi sang có hai người, trong đó một người cao to lực lưỡng mặc áo bộ đội mầu xám xám, ông cụ tôi thì gầy gò, hai người ôm nhau đứng dưới trời nắng chang chang. Lúc sau tôi thấy bố tôi cầm tay vị khách ấy bước chân vào nhà, hớn hở giới thiệu: con ơi đây là chú Dũng, người viết bài thơ Tây Tiến mà bố vẫn dạy cho các con học ấy. Tôi sững người… Nhà thơ Quang Dũng đến gần hỏi, cháu có thuộc đoạn nào trong Tây Tiến không? Tôi đọc luôn đoạn thơ yêu thích “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, chú ấy rất xúc động, còn bố tôi rơm rớm nước mắt”.

Nhà thơ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao cũng kể lại một kỷ niệm tuổi thơ gắn với bài thơ Tây Tiến: “Tôi là một thằng bé mà học văn cũng kém lắm cho nên thường phải học thêm ngoại khóa. Nhưng lạ lùng là bài thơ ấy sau khi cô giáo đọc cho tôi nghe, tôi lại cảm nhận rất kỳ lạ, sao bài thơ lại có một hơi thơ hay đến vậy,  cảm thấy mình muốn lên thăm cái vùng Tây Tiến… Tôi về hỏi bố, bố có biết nhà thơ Quang Dũng không. Bố tôi cười nói bố thân với Quang Dũng lắm, hôm nào bác đến chơi bố sẽ gọi ra chào vì khi có khách tôi thường ở trong nhà. Sau đó tôi được gặp nhà thơ…”.

Bác Nguyễn Xuân Sâm, một sĩ quan của Trung đoàn 52 Tây Tiến, bạn thân của nhà thơ Quang Dũng chia sẻ về tình bằng hữu tri kỷ của người lính -bạn thơ như thế này: Hôm ấy Quang Dũng đến tôi chơi, cùng lúc Dương Tường đến. Quang Dũng khoe tôi hai câu thơ mới tâm đắc: “Trung ương còn đóng quanh Hà Nội/ Giày vải Bác Hồ phơi bờ ao. Hay quá! Thế là cả ba cùng uống và chỉ bàn về mỗi hai câu thơ ấy…”.

Thế đấy! Trong những ngày khói lửa Trung ương chuẩn bị lên chiến khu Việt Bắc, người Hà Nội vẫn một lòng tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, một niềm tin tất thắng! Những câu chuyện, những tâm tình của những người thực sự trân trọng giá trị cũng như tâm hồn lãng mạn cách mạng của những người lính Tây Tiến, trong đó có Quang Dũng cho thấy sức lan tỏa của thế hệ đi trước, sự kế thừa các giá trị anh hùng, giá trị nhân văn của các thế hệ tiếp nối. Và điều thực sự đáng tự hào là Hà Nội đã sinh ra thế hệ những con người ưu tú đi vào huyền thoại oai hùng của đất nước, đến giờ nhìn lại vẫn thấy “ta mãi là mùa xanh xưa”

Thanh Thủy
.
.
.