Người Cao Lan giữ gìn làn điệu sình ca

Chủ Nhật, 01/03/2009, 20:59
Dưới một mái nhà nằm sâu hun hút trong thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, có 4 thế hệ người sinh sống. Ở đó có 2 cha con người Cao Lan đang "gắng gổ" vì lẽ sinh tồn cho những câu hát, những nét văn hóa của tộc người mình. Khoảng cách về thế hệ trở nên vô nghĩa, người nọ tiếp nối người kia cũng giống như "tre già thì măng phải mọc vậy".

Thứ dân ca nhập tâm và mê muội

Nói về sình ca, thì không thể quên câu chuyện về nàng Lưu Tam. Bởi thế nên người con Sầm Dừn nói, rồi người cha Sầm Văn kể. Một câu chuyện rất dài từ thủa xa xưa. Tôi kể lại bởi lẽ, hiểu được câu chuyện này là ta đã hiểu về bối cảnh, tâm sự, thôi thúc buộc người Cao Lan hát sình ca.

Nàng Lưu Tam từ khi còn trẻ đã có tiếng là hát hay, hay hát nhất bản. Nàng hát đến mức không ai có thể đối lại, lời hát có nhiều ngữ nghĩa, sắc sâu đến mức làm nhiều người nghẹn thở, tức tối. Người anh trai thấy tiếng hát của em mình "ghê gớm" quá, không cấm được em hát, thì bắt em đi lấy chồng.

Sợ về nhà chồng, em nói ngoa ngắt làm người nhà chồng ghét. Anh ta đưa cho nàng 1 chiếc kéo đã khóa chặt và bảo: "Em về đặt trong buồng, bao giờ kéo mở thì em mới được nói". Lưu Tam làm đúng như lời anh dặn, hằng ngày đều xem kéo, và nàng thấy kéo không mở, nên nàng không nói. Thấy cô con dâu như vậy, nhà chồng không chịu được mới sai 3 chị em chồng mang trả cô về nhà.

Khi đi đến giữa đường (vào buổi sáng sớm) nghe tiếng gà gáy này biết sắp về đến nhà nàng mới cất lên tiếng hát. Tiếng hát ai oán, trách than và có cả những lời "cay nghiệt" dành cho phía nhà chồng. Nàng về ở với anh, đi hát ở hội hè, hay những dịp vui, chơi của bản làng… Cuối cùng sau những lần đi hát nàng Lưu Tam chết, cái chết của người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh.

Nàng Lưu Tam trong câu chuyện kia khác những mô típ nhân vật dân gian bình thường. Nàng không chỉ thông minh, tháo vát, sắc sảo mà còn có thêm nét cay nghiệt khác thường. Những câu hát mà nàng Tam để lại (trong cuốn sách thơ kể chuyện về nàng) đồng thời cũng là những câu hát sình ca mẫu mực. Nó là đại diện cho trí tuệ, sự thông minh của người Cao Lan.

Cụ Sầm Văn kể lại chuyện, trong câu chuyện có lúc cụ cười như một người rất trẻ, vỡ ra niềm vui, sự thâm thúy của những câu hát sình ca của dân tộc mình. Và dường như nàng Lưu Tam là trí tuệ riêng của người Cao Lan vậy.

Cụ bảo: "Sình ca là dân ca nhập tâm và mê muội của người Cao Lan, là tiếng hát của đàn con trai con gái ở các bản. Họ hát đối với nhau vì "tức". Họ hát 1 hôm, rồi lại 2 hôm, rồi hôm nào cũng hát". Hát đối đáp lại nhau ngày qua ngày, tháng qua tháng gần hết cả thời trai trẻ… Bên thua thì muốn hát mãi, bên thắng thì muốn khoe tài thâm. Những câu hát nhiều khi chỉ chân phương mộc mạc như:

"Cây gẫy chết vì tham lắm quả.
Người chết yểu vì miệng nói ngoa.
Quả ớt tuy đắng ăn cả vỏ.
Quả chuối tuy ngọt nhưng khi ăn vẫn phải bỏ vỏ ngoài
Vợ chồng dù xấu tuy chung chăn gối
Tình duyên dù đẹp vẫn có thể chia li".

Người cha mải miết vì đời sau

Người Cao Lan ở thôn Mãn Hoá còn mong mỏi được nghe và hát sình ca.

Người cha Sầm Văn đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm. Chỉ bởi ý nghĩ "cho con cho cháu" mà cụ cất công ghi chép những thứ từ giản đơn đến phức tạp trong văn hóa của người Cao Lan được truyền lại từ nhiều thế hệ.

Thấy tôi đến hỏi về văn hóa, cụ mang ra rất nhiều những cuốn sách, rồi chỉ tôi cách thức chụp lại và giữ. Những thứ trong sách là một khía cạnh nào đó trong văn hóa của người Cao Lan. Nó có thể chỉ đơn giản là sách chọn giờ xây nhà, làm chuồng trâu bò, khâu màn, mua mèo, mua chó hay sâu sắc hơn là những câu sình ca, câu chuyện về làng Tam, hay những cuốn về tâm linh dạy cách cúng ma to, cách cúng ma nhỏ…

Những cuốn sách được xếp ở một góc nhà trên những kệ gỗ không che đậy. Màu sách hoen ố, trên sách phủ đầy bụi bẩn là dấu vết của thời gian và không gian nơi cất giữ. Sách được đóng rất sơ khai, dùng dây dù buộc gáy sách và chất giấy thô ráp ngày xưa. "Mỗi đời họ Sầm chép được vài quyển. Đời trước để lại cho đời sau, thành thử mới được nhiều như vậy", cụ Sầm Văn nói rồi chỉ vào kệ sách.

Bản thân cụ Sầm Văn biết đó là sách quý, nên nhiều người đến xin mua họ trả giá cao nhưng cụ không bán. Bán đi là mất một phần vẹn nguyên, chỉn chu trong kho tàng văn hóa của dân tộc mình. Mất đi là không mua lại được, thế nhưng hằng ngày vẫn ngậm ngùi "Gián chuột đã ăn mất nhiều mà ông không tài nào giữ được".

Trong kho sách quý đó, có một số lượng lớn chép những bài sình ca. Cụ bảo "khi thấy sình ca người hát ít dần, sợ không chép lại thì những câu hát từ ngày xửa ngày xưa của ông cha tôi sẽ mất". Hỏi ông về số lượng, cụ chỉ cười: "Tôi đã chép nhiều lắm. Khó mà đếm hết số bài, số câu". Những câu hát về mọi mặt của tự nhiên (mây, mưa, núi, sông), đời sống (tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, tình làng xóm).

Cụ Sầm Văn đã bước vào tuổi 82, cái thủa sôi nổi vượt đường sá xa xôi đi hát và đối đáp với người làng bên (người ta chỉ hát sình ca với người làng khác, xã khác, hầu như không bao giờ hát với người làng mình) đã qua lâu. Thế nhưng ngồi nói chuyện về sình ca với chúng tôi vẫn minh mẫn, con trai cụ là Sầm Dừn hễ nói "lệch" là cụ bắt sửa lại cho đúng. Tôi chăm chú theo dõi cách cụ bức xúc, cách cụ nằm bắt chân chữ ngũ và còn không nguôi nghĩ ngợi nghĩa và chữ khi ngủ… tôi hiểu rằng; với người đã ở vị trí là người cụ, ông, cha này thì cụ chưa bao giờ ngơi nghỉ trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc Cao Lan.

Ở dưới mái nhà sàn, giữ một kho sách quý nhưng khi nói đến việc bảo quản kho sách cụ như giận như hờn: "Đã có người quản lý văn hóa về hứa cho tôi xin cái tủ đựng sách, bởi cứ phơi ra thế kia thì chuột gián ăn hết. Thế nhưng họ đi lâu rồi mà chẳng thấy quay lại". Trong nhà cụ Sầm Văn còn giữ nhiều hiện vật về cuộc sống của người Cao Lan thế nhưng đáng tiếc là không hề có 1 cơ quan văn hóa cụ thể đứng ra nhận trợ giúp bảo quản. "Những hiện vật ấy theo thời gian cứ hao hụt dần đi" cụ Sầm Văn trăn trở.

Người con nối tiếp không nguôi nghỉ

Kế thừa những kho sách của cha, sự nâng niu văn hóa dân tộc của người cha, Sầm Dừn đem sình ca đi phổ biến. Trước những năm 1989 cái đói, cái nghèo dai dẳng, đồng thời do những biến cố từ xã hội, sình ca dường như bị lãng quên. Người "tiếc" văn hóa của dân tộc như ông cũng chẳng thể làm gì. Mãi sau đó đời sống khấm khá hơn, ông mới cùng bà con ở làng dựng lên băng có hát sình ca. Băng được ghi bằng đài cát xét, chất lượng thấp lên đã dần dần hỏng…

Ngày trẻ Sầm Dừn cũng đi hát, ông nói về sình ca với vẻ hồn nhiên: "Ngày xưa tôi đi hết các làng để hát. Tuy không lấy vợ được bằng sình ca, nhưng tiếng hát sình ca của tôi thì người các làng đều biết". Hồi trẻ thì mang trai cùng làng đi hát, về già Sầm Dừn mang các ông, bà cùng làng đi tham dự những hội diễn văn nghệ. Ông đi đến hội diễn nào cũng "rinh" giải về làng. Nó là minh chứng rõ nhất cho sự giàu, đẹp của văn hóa Cao Lan nói chung và của sình ca nói riêng.

Dựa trên sách đã chép của người cha, ông khôi phục các điệu múa, hát đã bị thất truyền của người Cao Lan. Nó hàm chứa cả khía cạnh tâm linh lẫn văn hóa sinh hoạt đời thường, có thể nhắc đến những điệu tiêu biểu như: Múa cầu lành, bản nhảy Tam Thanh, múa hội lồng tồng, múa khai lộ, múa khai đèn, ơi pá phom… Cũng chép lại thành sách như người cha nhưng Sầm Dừn chép lại bằng tiếng Kinh, ông chờ đến 1 ngày có người đến hỏi, ông sẽ trình bày thuyết phục để họ giúp ông gìn giữ những nét văn hóa của người Cao Lan.

Lật những trang giấy ông viết đã hoen màu, ông tâm sự: "Đã đành người ta không thể giúp dựng thành những bức phim để cho con cháu Cao Lan biết cả về lịch sử, văn hóa. Nhưng tôi và người ở cả thôn này vẫn có 1 nguyện vọng đơn giản hơn đó là mong được giúp để thu 1 đĩa CD khoảng 30 đến 40 phút những bài hát sình ca, để mở trong các dịp lễ tết hay cưới hỏi của làng". Nguyện vọng ấy của ông Dừn chưa được một cơ quan bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống nào nghe thấu…

Sầm Dừn năm nay 59 tuổi, giọng của ông theo thời gian đã yếu dần. Những người còn hát được những bài sình ca trong làng cũng vậy. Nhưng "những câu hát cứ ứa ở trong long, đủ mọi thứ vần điệu thôi thúc" họ hát nữa.

Hôm tôi về nhà ông Sầm Dừn, những người già "khát" hát cũng tìm đến. Họ rầm rì nói chuyện bằng tiếng Cao Lan. Họ kể những câu hát về tình yêu như thời còn trẻ:

Nam hát rằng: "Anh thì ở xa hôm nay đến đây
Gặp em không biết em đã có người tình hay chưa.
Nếu có người tình rồi thì chúc em đẹp duyên đôi lứa
Nếu chưa có người tình thì đừng có trách anh".

Nữ đối lại: "Người yêu chưa có anh ơi
Quẳng dao xuống nước cho đời chứng minh.
Dao nổi thì em bạc tình
Dao chìm xuống nước tình này trắng trong".

Cuộc sống biến chuyển theo thời gian, câu hát sình ca cũng thế. Nhưng ở những thế hệ người Cao Lan còn sống, như cụ Sầm Văn, ông Sầm Dừn thì họ còn một khát khao mãnh liệt (lớn hơn những chuyển biến của đời sống) là giữ lấy trí tuệ của dân tộc mình

Phan Phan.
.
.
.