Ngôn ngữ "teen" trong truyện tranh cổ tích

Thứ Ba, 21/07/2009, 09:57
Bà nhũ mẫu trong "Nghìn lẻ một đêm" phát ngôn: "Anh chàng muốn được hô hấp nhân tạo đây mà"; hay "Hic, đôi trẻ thật đáng thương…"; còn công chúa cũng: "Hic, ta nhớ chàng quá!"…. Tể tướng khi bị vua sai, cũng "Híc, lại bị sai đến chỗ nguy hiểm rồi…".

Ngôn ngữ cũng như lời thoại trong truyện tranh từ lâu đã là đề tài gây phản ứng của báo chí và dư luận. Truyện tranh sex, lời thoại cụt lủn và nội dung nghèo nàn… Tuy nhiên, một vấn đề rất nghiêm trọng đặt ra với truyện tranh, đó là vấn đề ngôn ngữ. Việc sử dụng ngôn ngữ truyện tranh đã ảnh hưởng trực tiếp đến các em học sinh, đối tượng chính của truyện tranh.

Nghìn lẻ một đêm - bộ truyện cổ tích nổi tiếng thế giới mới đây được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền của Artmedia Publishing Co, 2004. Đây cũng là một cách để các cháu lứa tuổi thiếu niên nhi đồng được tiếp cận tác phẩm dễ dàng theo cảm nhận của các cháu.

Mặc dù là tác phẩm nổi tiếng thế giới, nhưng không biết có phải vì đối tượng là các độc giả nhí hay không mà lời thoại rặt những từ ngữ mạnh "rầm, roàng, huỵch…" được thấy rất nhiều trong các tác phẩm truyện tranh hiện nay.

Trong phần truyện "Truyện chàng hoàng tử và cô công chúa kỳ lạ", có xuất hiện một bà nhũ mẫu của cô công chúa. Và rất buồn cười là, nhũ mẫu được vẽ là một bà già nhưng được gán cho những câu nói rất "teen". Khi hoàng tử và công chúa gặp nhau, quá vui sướng vì hai người đã yêu nhau, tác giả cho bà già phát ngôn: "Anh chàng muốn được hô hấp nhân tạo đây mà"; hay "Hic, đôi trẻ thật đáng thương…"; còn công chúa cũng: "Hic, ta nhớ chàng quá!"…. Tể tướng khi bị vua sai, cũng "Híc, lại bị sai đến chỗ nguy hiểm rồi…".

Kể ra thế để thấy rằng, việc sử dụng từ ngữ trong truyện không phù hợp với các nhân vật trong truyện. Bất kể già, trẻ, thần dân hay tể tướng, ai cũng có thể "híc" giống nhau. Nếu đọc trực tiếp tác phẩm chúng ta mới thấy điều này thật khó chịu. Còn trong loạt tập truyện tranh khác, tác giả vô tư đưa những câu nói không chủ ngữ, không vị ngữ vào trong truyện. Những câu nói cụt lủn làm người đọc cảm thấy khó diễn đạt. Cháu bé bên cạnh nhà tôi cứ bắt mẹ đọc truyện tranh cho nghe.

Tuy nhiên, khi đọc, chị mới tá hỏa, nhiều truyện câu cụt câu què, rất khó diễn đạt. Cuối cùng, chị đã tìm ra một cách. Không đọc câu trần trụi như trong sách mà chị phải tự thêm bớt cho câu có đủ ý, dễ đọc, dễ hiểu.

Để giảm bớt chi phí xuất bản, rút ngắn được nội dung, nhiều cuốn truyện tranh ra đời với giọng điệu kể, đã làm mất đi rất nhiều chi tiết, mất đi những ngôn từ trau chuốt, lời lẽ dịu dàng, đằm thắm, khiến cho các cháu nhỏ sẽ ít có khả năng tưởng tượng theo những hình ảnh được tả trong nguyên gốc.

Và tất nhiên, kéo theo đó là sự mất đi toàn bộ những hình ảnh lung linh, huyền ảo, yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hút của một câu chuyện cổ tích. Và điều đó cũng làm thui chột hết khả năng văn chương của các em.

Trước thực trạng trên, bậc phụ huynh thì lo lắng, các em học sinh cứ vô tư nhiễm thứ ngôn ngữ ấy tự lúc nào, còn các đầu nậu cứ… mặc sức phát hành, miễn là thu được lợi nhuận. Và mỗi ngày mới với biết bao cuốn truyện tranh mới được ra lò? Lựa chọn sản phẩm nào tốt cho tâm hồn con trẻ. Xem ra, đây là câu hỏi khó đối với các bậc phụ huynh

Khánh Linh
.
.
.