Ngôi vua V.League và sự thật về đội bóng xứng đáng làm vua

Thứ Ba, 21/07/2009, 10:01
Thì đúng là vị trí số 1 chắc chắn sẽ thuộc về Đà Nẵng. Nhưng ở đời, con người ta đôi khi đứng số 1 nhưng không có nghĩa là mạnh mẽ số 1 và tài năng số 1. Mà với chính những người hâm mộ Đà Nẵng thì suy nghĩ này đã hiện lên rất rõ sau khi chứng kiến những trận thua không tưởng của đội nhà.

1. Trước khi V.League khởi tranh, những thành viên của HA.GL, mà đứng đầu là chủ tịch CLB, ông Đoàn Nguyên Đức đã tự tin xếp mình vào vị trí "số 1". Nhưng sự thực đã rõ: HA.GL đã không thể trở thành số 1 ở mùa giải năm nay. Vậy thì số 1 là ai? Câu trả lời đương nhiên là Đà Nẵng. Mà chẳng phải đến bây giờ sau giai đoạn lượt đi kết thúc, khi Đà Nẵng dễ dàng vượt từ ải nọ đến ải kia thì người thức thời đã nhận ra cái vị trí số 1 trước sau gì cũng nằm trong tay họ.

Thì đúng là vị trí số 1 chắc chắn sẽ thuộc về Đà Nẵng. Nhưng ở đời, con người ta đôi khi đứng số 1 nhưng không có nghĩa là mạnh mẽ số 1 và tài năng số 1. Mà với chính những người hâm mộ Đà Nẵng thì suy nghĩ này đã hiện lên rất rõ sau khi chứng kiến những trận thua không tưởng của đội nhà.

Nếu cái thua của Đà Nẵng trước TPHCM chẳng làm ai bận tâm (vì ai cũng hiểu đấy là trận thua chẳng khác gì "tự sát" để cứu bạn) thì cái thua vỡ mặt trước Bình Dương chiều chủ nhật rồi lại làm người ta phải giật mình.

Xem xong trận đấu này, chính một nhà chuyên môn ngồi trên ghế VIP sân Gò Đậu đã hóm hỉnh thốt lên: Đà Nẵng chắc chắn sẽ lên vua V.League, nhưng Đà Nẵng chắc chắn không phải là đội mạnh nhất V.League. Nói thẳng ra thì theo quan điểm của vị này, Đà Nẵng không mạnh bằng Bình Dương.

2. Sự thực, có phải như vậy? Thật ra nếu chỉ căn cứ vào trận thua 1-4 của Đà Nẵng trước Bình Dương mà đưa ra kết luận như vậy thì quá đỗi hàm hồ, bởi trong bóng đá, phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh cửu. Điều làm cho cái kết luận trên nhận được sự đồng tình của nhiều người, nhiều giới là bởi nó đã được soi chiếu trong cả một quá trình dài, dựa trên nhiều góc độ khác nhau.

Thứ nhất, nhìn về lực lượng, cả nội binh lẫn ngoại binh thì Đà Nẵng vẫn không thể nào so đọ với Bình Dương. Thứ hai, kể từ đầu giải, nếu phong độ Đà Nẵng trải đi một cách đều đều thì với Bình Dương, cảm tưởng như họ chủ động được ngay cả trong những kết quả thắng - thua của mình.

3. Nhìn từ 2 căn cứ trên đây thì rõ ràng là Bình Dương mạnh hơn Đà Nẵng. Vậy thì có phải là một nghịch lý không khi mà mùa giải này đội vô địch lại là Đà Nẵng, chứ không phải Bình Dương? Trước những vấn đề tưởng là nghịch lý như vậy, người ta thường lý giải theo kiểu "bóng đá là một trò chơi của những bất ngờ nối tiếp bất ngờ", cái trò chơi mà ở đó không phải cứ đội bóng nào có lực lượng tốt nhất và có sự chuẩn bị chu đáo nhất là sẽ lên ngôi.

Nhưng thật ra, khi đặt cách giải thích này vào trường hợp Bình Dương - Đà Nẵng người ta sẽ thấy rất nhiều gượng ép. Bởi dân trong làng bóng, ai cũng hiểu nguyên nhân nằm ở một chỗ khác, và rất khác.

Trong lịch sử V.League, các đội bóng sau khi vô địch 2 lần liên tiếp thường có triệu chứng chùng lại để "nhường" chức vô địch ở mùa giải tiếp theo cho đội khác. Làm như thế sẽ được cho là "biết sống", và sẽ được dân trong nghề vị nể. Bằng không, sẽ bị cả làng ghét, để rồi không loại trừ khả năng ở mùa giải ngay sau đó, cả làng sẽ quây lại, đánh hội đồng. 

4. Rõ ràng là ông vua V.League đến bây giờ đã có ngôi có ghế. Nhưng đội bóng thực sự xứng đáng làm vua V.League và có đầy đủ sức mạnh để lên vua V.League thì dường như đã buông cờ trắng ngay từ vạch xuất phát đầu tiên. Có sao đâu, bóng đá Việt Nam là như vậy!

Phan Đăng
.
.
.