Ngôi tháp cổ và hai cuốn kinh cổ xưa bằng đồng quý hiếm

Thứ Bảy, 05/09/2009, 14:37
Ngày 26/3/2009 (tức 21/2 âm lịch), trong quá trình trùng tu ngọn tháp đá Tôn Đức (thờ Minh Hành thiền sư, vị tổ thứ 2 của chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), những người thực hiện đã bất ngờ tìm thấy 2 cuốn kinh cổ bằng đồng trong lòng tháp. Hiện trên cả nước mới phát hiện được 6 cuốn kinh tương tự, trong đó 2 cuốn này có niên đại cổ nhất, vào khoảng thế kỷ XVII.

Phát hiện bất ngờ

Tháp Tôn Đức cao 11 mét, nằm trong quần thể chùa Bút Tháp, được xây dựng từ giữa thế kỷ XVII là nơi đặt xá lị của nhà sư Minh Hành, ông tổ thứ 2 của chùa (viên tịch năm 1659). Tồn tại đã hơn 300 năm, nhưng từ 12 năm nay, trên đỉnh tháp mọc một cây bồ đề lớn, đội cả ngọn tháp lên, rễ cây ăn xuống làm xô 2 tầng tháp, có nguy cơ sụp đổ.

Trước tình trạng đó, Ban quản lý di tích chùa Bút Tháp và một số họa sỹ tâm huyết đã tiến hành tu sửa tháp. Khi dỡ đến tầng tháp thứ 3, những người trùng tu bất ngờ phát hiện một chiếc hộp bằng đá và vôi nung từ trầm tích dưới biển, rất chắc chắn, tạo ra lớp bụi vôi chống ẩm trắng.

Hai cuốn kinh được gói lại để chuẩn bị đưa vào tháp.

Bên trong chiếc hộp đặt 2 cuốn kinh cổ bằng đồng, xung quanh sách được đặt những cuốn sách giấy nay đã mủn và vón cục. Hai cuốn kinh là Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh với 24 lá đồng, gồm 47 trang khắc chữ; và Kim cương kinh, với 33 lá đồng, gồm 63 trang khắc chữ, ngoài bọc lụa gấm hoa xanh. Kích thước của 2 cuốn kinh là 14,4cm x 25cm, nặng khoảng 30kg.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Sơn - trụ trì chùa Bút Tháp: Nội dung cuốn kinh cho thấy nó được Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) khắc tặng Minh Hành thiền sư và được táng theo khi ông viên tịch. Sau đúng 350 năm nằm trong đỉnh tháp, 2 cuốn sách vẫn còn bóng như mới, nét chữ bay bổng, rõ ràng, chứng tỏ kỹ thuật tuyệt vời của ông cha trong việc bảo vệ cuốn sách.

Ngay khi được phát hiện, 2 cuốn kinh đã được báo lên Cục Di sản Văn hóa và tạm đưa về bảo tàng Bắc Ninh để cất giữ và phục dựng. Theo ông Lê Viết Nga - Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh: Sách đồng là hiện tượng khá hiếm gặp trong lịch sử khảo cổ Việt Nam, nên bảo tàng nhất định phải phục dựng một phiên bản của 2 cuốn kinh này. Chỉ có 60 ngày để hoàn thành công việc, Bảo tàng Bắc Ninh đã có những ngày thực sự chạy đua với thời gian.

Ông Nga cho biết: Việc phục dựng 2 cuốn kinh rất phức tạp. Thứ nhất là bảo tàng chưa bao giờ làm các phiên bản sách đồng. Thêm nữa, bản thân việc đi tìm các tấm đồng có độ dày 10 ly, đủ để đúc chữ lên cả 2 mặt sách, cũng rất khó khăn. Các cán bộ bảo tàng đã tìm khắp làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) và phố Hàng Đồng (Hà Nội) để mua nguyên liệu. May mắn là đã tìm được duy nhất một cửa hàng ở phố Hàng Đồng có bán lá đồng đáp ứng được yêu cầu.

Thêm vào đó, tìm được nghệ nhân đúc cũng không phải đơn giản vì nét đúc trên mặt chữ là nét hớt, đòi hỏi kỹ thuật đúc khác hẳn với việc đúc trên mặt chuông, mặt tượng thông thường. Các nghệ nhân vùng Đại Bái, Bắc Ninh, đều từ chối. Sau nhiều thời gian tìm kiếm, bảo tàng tìm được họa sĩ Ngô Lợi tại thành phố Bắc Giang, có đủ "hoa tay" để đúc nét chữ thanh thoát, các nét hất, nét móc.

Để có được "màu thời gian" như cuốn sách cổ, các cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh đã phải dùng nước chè cộng thêm một số thủ pháp "ngón nghề" của các nghệ nhân làng đúc đồng Đại Bái để tạo màu cho các lá đồng mới tinh sang cũ kỹ mà tuyệt nhiên không sử dụng đến nước muối và hóa chất để tránh bị ăn mòn. Tuy nhiên, so với cuốn sách cổ, những trang sách mới cũng chỉ đạt được khoảng bảy, tám phần.

Hoàn trả cổ vật về chùa

Tuy có nhiều băn khoăn về việc sẽ trao trả bản gốc hay bản phục dựng cho chùa Bút Tháp, nhưng thể theo nguyện vọng của tăng ni phật tử trong chùa và bà con nhân dân, ngày 7/7, Sở VH-TT&DL cùng Bảo tàng Bắc Ninh đã làm lễ trao trả hai bộ kinh đồng cho chùa Bút Tháp.

Với cương vị là người làm bảo tàng, ông Lê Viết Nga cho biết: "Chúng tôi muốn giữ lại bản gốc ở bảo tàng, vì nó có giá trị nghiên cứu sau này. Nếu chôn vào tháp bản gốc thì chúng ta vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy nữa. Về sau này, nếu chúng ta muốn nghiên cứu cũng khó có thể lấy ra được, vì ngọn tháp nặng tới hàng trăm kg. Đó còn chưa kể vấn đề tâm linh".

Ông Nga cũng cho rằng, bảo tàng sẽ có điều kiện để bảo vệ 2 cuốn kinh một cách an toàn hơn, vì có phương pháp và chức năng bảo quản, bảo vệ hiện vật. Thêm nữa, bảo tàng cũng có điều kiện trông coi, tránh nạn ăn cắp đồ cổ. "Dù là tháp đá nhưng đạo chích vẫn có thể cạy ra để lấy. Mặt khác nó còn gây ra sự tò mò và không chỉ mất an toàn cho cuốn sách mà còn cho cả nhiều hiện vật giá trị khác của nhà chùa".

Tuy nhiên, sư thầy Thích Thanh Sơn cho rằng: "Cổ nhân xưa khi làm ngôi tháp Tôn Đức (tháp cao thứ 2 sau tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp) đã đặt những tấm đá có mộng, có khớp rất tinh tế. Trong tòa tháp cuốn sách được đặt ở tầng thứ 3, phía trên có những tấm đá nặng tới 900kg và ở độ cao hàng chục mét thì việc trộm cắp cổ vật là rất hãn hữu. Còn việc chiêm ngưỡng cuốn kinh cổ thì du khách thập phương ngưỡng vọng bản phục dựng cũng sẽ hiểu đôi phần về xuất xứ cuốn sách. Bên cạnh đó còn là vấn đề tâm linh của cuốn sách nữa chứ, nên phật tử nhà chùa mong muốn đưa bản gốc vào trong tháp".

Theo các nhà nghiên cứu thì việc phát hiện những cổ vật là sách đồng ở nước ta rất hiếm. Cho tới nay, cả nước mới phát hiện được một số cuốn như: "Cầu Không từ ký" ở Cầu Không, thôn Văn An, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam; 4 cuốn đồng thư triều Nguyễn ở Quảng Nam, cuốn sách đồng làng Mai Phúc (xã Ngọc Thụy, Gia Lâm) và Đông Lao (Hoài Đức, Hà Nội)...

PV KTXH
.
.
.