Ngôi nhà chung của 54 dân tộc Việt Nam

Thứ Hai, 07/02/2011, 08:56
Cuối năm 2010, cùng với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có một sự kiện rất có ý nghĩa trong đời sống văn hoá của đất nước cũng như đồng bào các dân tộc anh em đang sinh sống ở mọi miền đất nước ta; đó là Lễ khai trương hoạt động Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Mặc dù đến thời điểm này, công trình xây dựng Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam mới cơ bản hoàn thành giai đoạn một và còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn rằng, khi hoàn thành nơi đây sẽ trở thành ngôi nhà chung của 54 dân tộc Việt Nam. Đây còn là khu văn hoá quốc gia, nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hoá truyền thống đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.

Nơi hội tụ những tinh hoa

Dường như ở nước nào cũng vậy, để nâng cao đời sống văn hoá lịch sử và truyền thống dân tộc, cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo tàng, các di tích lịch sử, văn hoá… thì việc tái hiện lịch sử, các tinh hoa văn hoá của các dân tộc trở thành một vấn đề bức thiết. Với ý nghĩa lớn lao đó, ngay từ những năm cuối của thế kỷ XX, Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt và quy hoạch; theo đó là thực hiện lễ khởi công. Vượt lên những khó khăn về nguồn vốn và hạ tầng cơ sở, đến nay sau 11 năm, Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cắt băng khánh thành công trình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tại lễ khai trương hoạt động của Làng văn hoa- du lịch các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em Việt Nam đã gắn bó keo sơn, đoàn kết một lòng, chung một khát vọng là độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc, đã vượt qua muôn và khó khăn, hy sinh, cống hiến to lớn về sức người, sức của và cả máu xương của mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 54 dân tộc anh em Việt Nam đã tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thuỷ chung son sắt, chung một ý chí theo Đảng, theo Cách mạng và đã giành được những thắng lợi vĩ đại, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, đất nước ta, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên của độc lập tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, xây dựng một nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững ngày nay. 

Đúng như lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ, trong suốt chặng đường lịch sử đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang ấy, các thế hệ cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp hun đúc nền văn hóa Việt Nam - Một nền văn hóa là thống nhất trong đa dạng, tiên tiến và đậm đà bản sắc Việt Nam, hội tụ, hòa quyện và tỏa sáng những phẩm chất, tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới.

Những thành tựu này đã góp phần làm cho bạn bè trên thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, nghệ thuật mà còn là một Việt Nam có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hoá vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, di sản văn hoá nổi tiếng cả thế giới biết đến và công nhận như: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu Đền - Tháp Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian Văn hóa Cồng - Chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca Trù, Văn bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và Mộc bản Triều Nguyễn và đặc biệt, ngày 1 tháng 8 năm 2010 - Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Còn nhớ, trong thư gửi Đại hội dân tộc thiểu số miền Nam ngay từ đầu năm 1946, Bác Hồ đã viết: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xu Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sinh khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ gìn quyền tự do độc lập của chúng ta".

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Chính phủ đã sớm phê duyệt Quy hoạch tổng thể và đầu tư xây dựng Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam, coi đây là một việc làm thiết thực, biểu hiện sinh động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển văn hoá. Đây là một công trình rất có ý nghĩa, hình thành một trung tâm hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch mang tầm vóc quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống và đặc sắc nhất của 54 dân tộc anh em Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Đồng thời, đây cũng là một địa điểm để giới thiệu các giá trị văn hóa nổi tiếng của nhân loại, nơi giao lưu, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia, các nền văn hóa thế giới.

Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Một cửa sổ nhìn ra thế giới

Đến thăm Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam vào những ngày này, bất kỳ du khách trong và ngoài nước đều có chung cảm nhận: Diện mạo và hình hài của công trình văn hoá này đến nay đã hình thành. Đó là một công trình văn hoá khá đồ sộ được xây dựng trên diện tích 1.544ha; trong đó có 605ha mặt đất, 939ha mặt nước, bao gồm các khu chức năng. Nơi du khách sẽ đặt chân đầu tiên đến đó là các ngôi làng của đồng bào dân tộc Kinh và các làng các dân tộc anh em đang sinh sống ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, miền Nam.

Tiếp nối các ngôi làng đó là các làng nghề truyền thống, các khu trưng bày chuyên đề như Tháp Vọng lâu, Thương Cảng Hội An; vườn cây quý hiếm, vườn thượng uyển. Bên cạnh khu vực này là khu Trung tâm văn hoá, nơi sẽ diễn ra các lễ hội truyền thống của các dân tộc, lễ hội mặt nước… Còn tại khu thể thao dân tộc sẽ có một Trung tâm điều khiển, sân thi đấu, sân quần ngựa và các trò chơi dân tộc.

Tiếp nối các khu vực trên là khu Việt Nam tinh hoa. Đó sẽ là nơi tái hiện các Cụm di tích lịch sử như Di tích Cổ Loa, Đền Hùng, Vịnh Hạ Long, Đà Lạt, Đèo Hải Vân… và ở tại khu: "Đất nước Việt Nam" sẽ tái hiện về các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Khách đến thăm các khu vực này có thể cảm nhận về đất nước Việt Nam thu nhỏ với những diễn biến theo chiều dài của lịch sử. Khu vực tiếp theo sẽ được xây dựng tại Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam là "cửa sổ nhìn ra thế giới". Nơi đây sẽ trưng bày và tái hiện các di sản văn hoá của nhiều quốc gia trên các châu lục.

Công việc xây dựng công trình văn hoá này hiện đang bộn bề với rất nhiều việc phải làm, song khi hoàn thành, khu vực này không chỉ là ngôi nhà chung cho 54 dân tộc Việt Nam mà còn là nơi giáo dục truyền thống, văn hoá - lịch sử. Nơi cảm nhận và phát triển tư duy về một đất nước Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử, một cửa sổ để nhìn ra một thế giới: Hội nhập và phát triển

Minh Đức - Hiền Thanh - CAND Xuân Tân Mão 2011
.
.
.