"Ngôi nhà búp bê" và nỗi buồn chính kịch

Thứ Bảy, 30/06/2007, 13:11
Đêm diễn đầu tiên của vở chính kịch "Ngôi nhà búp bê" của Nhà hát Tuổi Trẻ tại TP HCM chưa nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả như các chương trình hài kịch khác.

Tối 28/6, loạt đêm diễn vở chính kịch "Ngôi nhà búp bê" của Nhà hát Tuổi Trẻ trong chuyến du Nam năm nay chính thức ra mắt khán giả TP HCM tại Nhà hát thành phố.

Dù thông tin về chuyến lưu diễn đã được chuyển tải khá rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin, nếu chưa nói đến mức độ thông tin về "Ngôi nhà búp bê" đậm hơn nhiều so với các chương trình hài kịch: Đời cười 6 "Cờ-bạc-lô-đề", Ai sợ ai, Internet về làng, nhưng thực tế, "Ngôi nhà búp bê" trong buổi đầu tiên thuộc loạt đêm diễn lần này chưa nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả như các chương trình hài kịch khác.

Ám ảnh búp bê…

Một ngôi nhà sang trọng, nhìn đâu cũng thấy những búp bê xinh đẹp là tổ ấm hạnh phúc, hoặc ít nhất thì các thành viên trong ngôi nhà đó đang nghĩ rằng mình hạnh phúc.

Nơi ấy, nàng Nora xinh đẹp, nhí nhảnh bằng lòng với những niềm vui nho nhỏ nàng có được từ sự chăm sóc gia đình. Hạnh phúc của nàng là những món quà mới, rẻ tiền nhưng xinh xắn, đem lại sự thích thú cho ba đứa con yêu; là tất cả những hành động, việc làm hàng ngày chỉ để làm người chồng mà nàng hết mực yêu thương, tôn trọng được hài lòng.

Hạnh phúc riêng duy nhất Nora giữ riêng mình là niềm tự hào về bí mật nỗ lực kiếm tiền để trả món nợ khổng lồ nàng đã vay nhiều năm trước để cứu lấy mạng sống của người chồng nhưng lại nói dối rằng đó là khoản tiền của người cha dành cho nàng trước khi ông về cõi vĩnh hằng.

Sự thật về hạnh phúc được Nora nâng niu bấy lâu nay dần hiện rõ và vỡ òa khi cái bí mật, niềm tự hào của nàng bị công khai, Nora đứng trước nguy cơ phải chịu sự trừng trị, phán xét của pháp luật, dư luận vì đã mạo chữ ký người cha ký vào giấy vay nợ. Nàng chợt nhận ra mình chỉ là một thứ đồ chơi, một thứ búp bê sống được chuyển từ ngôi nhà búp bê của người cha sang ngôi nhà của người chồng luôn mang vẻ ngoài đạo mạo và đáng kính...

Nỗi buồn của chính kịch

Dù đã gây được sự chú ý của dư luận bằng những thông tin về vở diễn xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi "Ngôi nhà búp bê" chính thức ra mắt khán giả TP HCM năm nay, dù giá vào cửa chỉ giới hạn từ 50.000 đồng đến 75.000 đồng/vé, bằng một nửa, 1/3 hoặc chưa bằng 1/3 giá vé một chương trình ca nhạc thông thường nhưng thực tế, những hàng ghế khán giả trong những phút đầu của đêm diễn vẫn vắng đến nao lòng.

Chợt so sánh sự trống vắng này với hình ảnh nghệ sỹ Chí Trung, Trưởng đoàn và nhiều nghệ sỹ khác ăn mặc chỉnh tề, đích thân đứng ra sắp xếp cẩn thận từng tờ rơi theo những hình thức bắt mắt nhất, trang trọng chào khán giả trước lối vào sân khấu, những người từng chứng kiến thời hoàng kim của chính kịch đến tham dự đêm diễn không thể không gợn chút ưu tư, tiếc nuối.

Chất lượng của đêm diễn cũng chưa thể nói rằng đã hoàn toàn thành công. Đã có lúc khán phòng ào ạt tiếng vỗ tay, có những giây phút hồi hộp, khi tưởng như chết lặng theo nỗi đau của nàng Nora xinh đẹp, có khi lại rổn rảng tiếng cười bởi hành vi nhỏ nhen, ích kỷ vặt vãnh đến lố bịch của Topvan, ngài giám đốc ngân hàng, đức ông chồng đầy đạo mạo của búp bê sống Nora, bởi những hành động thật kỳ quặc của trạng sư Krogxtad trong những phút tự đấu tranh tìm lại niềm tin vào sự chân thành của nàng Cristean, người con gái trong mối tình đầu tan vỡ, từng ám ảnh ông gần suốt cuộc đời…

Tuy nhiên, vẫn còn một giám đốc ngân hàng Topvan chưa được đẩy lên đến tận cùng tính cách nhân vật gia trưởng, ích kỷ, vô cảm.

Vai Nora qua diễn xuất của Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh cho người xem một cảm giác vừa đáng thương, vừa đáng giận nhưng chưa thực sự để lại được những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng sau đêm diễn…

N.Hoa
.
.
.