Nghịch lý… múa!

Chủ Nhật, 01/11/2009, 10:55
Chỉ trong vòng 5 năm, số lượng vũ đoàn được thành lập và hoạt động tại TP HCM đã tăng gấp 3 lần. Diễn viên múa sống được bằng nghề, thậm chí nhiều người còn khẳng định múa đang là loại hình nghệ thuật biểu diễn được công chúng quan tâm và ngày càng trở thành nhu cầu lớn trong xã hội… Tuy nhiên, không phải chất lượng các tiết mục, chương trình múa thời gian qua đã tương ứng với sự phát triển của nghệ thuật múa hay việc tăng số lượng các vũ đoàn.

Theo Hội Nghệ sĩ múa TP HCM, tính đến thời điểm này, riêng TP HCM đã có ít nhất 20 vũ đoàn hoạt động "đình đám". Nhiều năm trở lại đây, ít có chương trình ca nhạc lại thiếu sự hiện diện của một trong số các vũ đoàn này. Múa minh họa cho hát đơn, hát tốp, hát hợp xướng.

Múa mở màn, múa kết thúc cho một chương trình quảng bá thương mại, múa nghi thức cho một tiệc cưới. Thậm chí, không ít người xem và cả người tổ chức sự kiện, chương trình biểu diễn ca nhạc còn cho rằng: thiếu múa là thiếu sự  sinh động, vui tươi…

Thực tế, với những vũ đoàn có tiếng tăm: Rạng Đông, Rex, Sao Mai, Bình Minh, Duo, ABC, Phương Việt, việc nghệ sĩ sống bằng nghề, thậm chí có thu nhập khá nhờ múa minh họa không còn là chuyện lạ. Đặc biệt, những ngày lễ, Tết, có khi chạy mệt… không kịp nghỉ.

Cảnh các thành viên vũ đoàn bồn chồn nơi cánh gà, canh từng phút chờ ra sân khấu, vừa hoàn thành tiết mục biểu diễn, nhận tiền thù lao rồi lại vơ vội đồ nghề "chạy sô" sang biểu diễn tại địa điểm khác đã thành chuyện thường ngày với những người tổ chức sự kiện. Không ít lần khán giả vừa thấy vũ đoàn này múa minh họa cho một tiết mục trong chương trình truyền hình trực tiếp của HTV, hơn chục phút sau, chuyển kênh sang xem một chương trình truyền hình trực tiếp khác của VTV9 đã lại thấy họ.

Có cầu ắt có cung. Theo Nghệ sỹ ưu tú Hà Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Múa TP Hồ Chí Minh, riêng Trường Múa TP HCM, bình quân mỗi năm đều có 40 đến 50 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đó là chưa kể các lò đào tạo tư nhân khác… Tại cơ sở đào tạo diễn viên múa nhỏ tuổi của Nghệ sĩ ưu tú Đặng Hùng, cảnh thường thấy mỗi khi chúng tôi có dịp ghé qua là sàn tập luôn đầy ắp các em nhỏ. Phụ huynh nhẫn nại đưa con đến sàn tập, ngồi chen chúc từ khu vực cầu thang đến lối vào sàn tập để đợi đứa con yêu theo các bài tập cho đến hết giờ học chỉ để biến giấc mơ làm diễn viên múa của con và của chính họ thành hiện thực.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, hầu hết các nghệ sĩ đắt sô, sống rất khá bằng nghề hiện nay phần lớn là nhờ múa minh họa và trong đó, không phải tiết mục nào cũng thỏa mãn nhu cầu người xem. Ngay bản thân các nghệ sĩ múa thừa nhận: Vẫn có quá nhiều tiết mục, nhiều chương trình biểu diễn múa khiến người xem, nhất là người xem có chút hiểu biết sâu về múa chuyên nghiệp khó chịu.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP Hồ Chí Minh đã không ít lần than phiền: Tiết mục múa không giống tây cũng chẳng ra ta. Múa dân gian thì nhầm lẫn lung tung, trang phục Chăm không ra Chăm, Tày không ra Tày…

Thử "điểm mặt" lực lượng nghệ sĩ múa đang hoạt động trong các vũ đoàn hiện nay, Nghệ sỹ ưu tú Hà Thế Dũng cũng nhận xét rằng, tỷ lệ diễn viên tay ngang hoạt động biểu diễn múa hiện nay, kể cả trong các vũ đoàn không nhiều, phần lớn các em đều được đào tạo chính quy.

Mà đã theo con đường nghệ thuật, nhất là theo đuổi nghề múa thì ngoài năng khiếu, nhất định phải có đam mê. Riêng Nghệ sĩ nhân dân Trần Kim Quy, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP Hồ Chí Minh khẳng định: Đã có đam mê, có nghề thì ai cũng muốn có cơ hội được làm nghề nghiêm túc, song chuyện cơm áo gạo tiền lại không buông tha ai, kể cả nghệ sỹ múa.

Các diễn viên đổ xô đi múa minh họa để kiếm sống là tất yếu nhưng không hẳn không tâm huyết với nghề. Chỉ có điều, "sân chơi" nào dành cho các nghệ sĩ múa làm nghề nghiêm túc mới là chuyện khó. Không nói đâu xa, tại Liên hoan múa TP HCM lần thứ nhất, Ban tổ chức vẫn lo ít người "đoái hoài" đến, song thực tế các nghệ sĩ rất nhiệt tình tham gia.

Tại lần tổ chức thứ hai này, đã có đến 25 đơn vị công lập và ngoài công lập tham gia. Yêu cầu của Ban tổ chức khá cao: Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm múa độc lập, có chủ đề cụ thể và phải là múa dân gian dân tộc Việt Nam. Chắc chắn, không thể vũ đoàn nào hiện nay của thành phố cũng đủ lực để thực hiện được song nhiều đoàn đã không ngại thuê "thầy" về dựng vở để đi thi…

Chỉ tiếc rằng, những sân chơi mang tính định hướng, đòi hỏi cao hơn về nghệ thuật múa, tính chuyên nghiệp của sân khấu múa hiện nay không nhiều. Kinh phí tổ chức vẫn là bài toán khó mà những người quản lý và người tâm huyết với múa vẫn chưa tìm được kết quả thỏa đáng.

Tạo những bệ phóng tốt hơn cho loại hình nghệ thuật múa, giúp nghệ sĩ thăng hoa và có những tác phẩm đỉnh cao, những chương trình nghệ thuật múa đẳng cấp tương tự như "Vũ" của nữ nghệ sĩ trẻ tài năng Linh Nga thời gian qua vẫn là khoảng trống còn bỏ ngỏ

Ngọc Nguyễn
.
.
.