Nghịch lý đồng tiền

Thứ Sáu, 13/10/2006, 08:18
Chuyện có vẻ như đùa nhưng lại là sự thật. Một ca sĩ có thu nhập 8 triệu đồng cho một lần biểu diễn. Còn một bác sĩ trong một cuộc đại phẫu kéo dài nhiều giờ đồng hồ chỉ có thể được đề xuất thù lao từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng.

Đồng tiền - phần giá trị tượng trưng cũng là chuyện cụ thể cho quyền lợi vật chất được hưởng của con người ta trước một sản phẩm làm ra đem trao đổi hoặc quyền lợi được hưởng sau mỗi việc làm. Nó là phần tất nhiên, tất yếu của công sức lao động.

Có người bảo đồng tiền luôn có mắt. Tôi lại nghĩ không hẳn như vậy. Đồng tiền vốn thông minh. Chỉ một tờ giấy mỏng mảnh thôi mà nó có thể đại diện cho những giá trị. Nó thật quý báu khi được trả đúng giá, đặt đúng chỗ. Cũng thật thiếu sòng phẳng khi nó được trả không đúng giá trị, đúng định lượng.

Tôi đã thực sự phân tâm khi năm ngoái được nghe người ta kháo nhau rồi bàn tán về thu nhập của hai nhà chuyên môn, một ca sĩ và một bác sĩ. Chuyện có vẻ như đùa nhưng mọi người lại bảo là có thật. Người ca sĩ có giọng hát hay ấy đã có thu nhập 8 triệu đồng cho một lần biểu diễn. Và người bác sĩ có đức có tài kia, trong một cuộc đại phẫu kéo dài nhiều giờ đồng hồ chỉ có thể được đề xuất thù lao từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Đây là những con số cụ thể ở một thời điểm cụ thể. Tiền chi cho cuộc đại phẫu cứu mạng sống con người gọi là tiền thù lao và muốn được hưởng phải qua đề xuất. Tiền trả cho người hát, người làm vui cho mọi người gọi là cát-xê, thường là được mặc cả và con số 8 triệu chỉ là một ví dụ khiêm tốn. 

Một người mang sự thư thái đến cho thính giả, khán giả bằng giọng hát, một người mang lại cuộc sống cho bệnh nhân bằng tay nghề cao. Cả hai đều mang lại niềm vui cho cuộc sống, đều ý nghĩa và quan trọng đối với cõi đời này. Chẳng thể phân biệt ai hơn ai, ai quan trọng hơn ai.

Người bị bệnh hiểm nghèo, gia đình họ, những người thân của họ chắc chắn sẽ cần đến màu áo trắng tinh khiết và đôi tay dịu dàng của người bác sĩ hơn người ca sĩ. Những lúc ấy thầy thuốc là cứu tinh của họ. Nói vậy không phải không có lúc ta cần đến tiếng hát, cần đến những giọng ca vàng, dù chỉ một giai điệu nhẹ nhàng thôi nhưng có thể giải tỏa ta khỏi những bức bối, u buồn. Tôi trọng cả hai con người này nhưng chẳng thể làm sao "thông" được với những day dứt trong tâm trạng mình về một sự hết sức vô lý trong cách ứng xử của đồng tiền với họ đang rất cập nhật hiện nay.

Một nhà văn vừa cho ra đời một cuốn tiểu thuyết tâm huyết của mình. Cuốn sách này đã theo đuổi anh dằng dặc hàng chục năm trời. Bao nhiêu lần làm đi làm lại đề cương, lên lý lịch nhân vật. Bản thảo viết tay với bao nhiêu lần giập xóa rồi viết đi viết lại có đến vài ba lần. Những đêm thức trắng, những ngày mất ăn mất ngủ về một chi tiết trong tiểu thuyết, về một thay đổi trong tuyến nhân vật phụ khi phải nhấn mạnh thêm hành động quả cảm của nhân vật chính. Cuộc đời nhân vật trong tiểu thuyết là cuộc đời văn học của tác giả. Biết bao công sức cho hàng trăm trang viết. Mỗi một dòng văn hiện ra là một lao động. Mỗi một chữ nghĩa hiện lên là một công sức. Cuốn tiểu thuyết là một công trình tinh thần của người viết. Nó có một giá trị văn hóa nhất định được duyệt in và chuyển đến tay bạn đọc.

Cuốn sách của nhà văn dày gần năm trăm trang với giá bán đề ở bìa bốn là 50.000 đồng. Cầm cuốn sách trên tay ai cũng khen nó được in rất đẹp và đọc được liền mạch, nhiều vấn đề bổ ích, thú vị có thể rút ra, có thể bàn luận. Người vui và cảm động nhất là nhà văn. Cuốn sách anh thai nghén nay đã mẹ tròn con vuông. Đấy là niềm vui tinh thần vô giá không dễ gì có nhiều trong mỗi đời người. Nhưng được biết số tiền nhuận bút mà nhà xuất bản trao cho tác giả với cách tính có phần ưu ái là 12% theo giá bìa. Nhà văn có số tiền được hưởng từ cuốn sách là 6 triệu đồng.

Nghe nói số tiền đã có phần giảm đi khi tác giả còn phải nộp thuế thu nhập nữa. Chuyện này thật tế nhị và khó nói nên nhà văn không hề nói lại với ai. Người ta chỉ thấy anh im lặng và khẽ mỉm cười nhấm nháp phần thành quả ít ỏi đã được quy ra thành tiền của cuốn tiểu thuyết dày gần năm trăm trang sau những năm tháng dài lao động vất vả.

Nhà văn vốn vậy. Nhiều người coi chữ quý hơn tiền. Khổ một tí chịu được chứ không chịu sướng hơn mà mang tiếng vụ lợi, lý tài. Nhà văn có biết đâu trong lúc anh vui vẻ bằng lòng (hay cầm lòng) với 12% nhuận bút theo giá bìa thì người nhận từ nhà xuất bản mang đi bán sách cho anh theo tư cách người phát hành được hưởng từ 40% đến 50% theo giá bìa cho phát hành phí. Người làm ra chữ ra nghĩa được hưởng giá thấp, còn người buôn giấy bán mực lại được hưởng giá gấp ba, gấp bốn lần người làm ra nó.

Cái nhất thời hơn hẳn cái lâu dài. Đúng như vậy. Là chuyện buồn đấy, nhiều người phản ảnh và ta thán nhưng chậm được khắc phục. Nhưng cũng chẳng phải vì thế mà người viết văn không viết văn nữa. Ngược lại họ vẫn đều đều cống hiến sức lao động trí óc và cần mẫn ngày ngày sáng tạo con chữ vì đấy là sự nghiệp của họ - một thu nhập lớn nhất trong đời mỗi con người.

Các cụ mình bảo: “Đồng tiền nó liền khúc ruột”. Từ xưa đến nay ai cũng cảm thấy đồng tiền quan trọng và thiết thực như thế nào đối với đời sống hàng ngày của con người. Các cụ cũng còn nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Trên đời này có ai là chê tiền khi mà nó phụ thuộc vào sự no đói của chính họ. Có cái khác là cách sử dụng đồng tiền, cách hưởng thụ đồng tiền.

Đồng tiền nào có lỗi. Nó thật sự có giá trị trong cuộc sống khi có sự sử dụng hiệu quả và đúng đắn của con người. Đôi ba ví dụ trên chỉ là một ít trong nhiều nghịch lý đến vô lý của đồng tiền khi mà nó không giữ đúng vai trò định giá và trả giá công bằng cho trí tuệ, sức lao động và sự cống hiến của một đối tượng. Điều bất bình thường này nên được nhìn lại, đánh giá lại. Câu hỏi đã lâu nay rồi mong được giải đáp càng sớm càng tốt. Và người giải đáp không phải là đồng tiền mà là chính con người, những chủ nhân đã sinh ra nó và điều hành nó...

Nhật Văn
.
.
.