Nghịch lý V.League 2006: Vua không lên ngôi

Thứ Bảy, 26/08/2006, 08:30

Những vua săn bàn nội mất ngai vàng ngay trên sân nhà vì không cạnh tranh nổi với những "lính lê dương" tứ xứ. Thế nhưng, khi những "ngoại binh" độc quyền làm vua thì cái danh hiệu "Vua phá lưới" chẳng bao giờ xuất hiện ở đội vô địch. Nghịch lý!

Chuyện các chân sút ngoại "đè sấp, đè ngửa" những tiền đạo nội trên danh sách "Vua dội bom" là chuyện thường ngày ở… V.League trong mấy mùa giải vừa qua. Chẳng nói đâu xa, ngay ở V.League 2006, danh hiệu "Vua phá lưới" cũng tiếp tục ghi danh một cái tên "ngoại": Tiền đạo De Jesus - "mũi giáo thép" của Thép Miền Nam.CSG (18 bàn).

Lại nhớ, mùa giải 2001 - 2002 là mùa giải cuối cùng mà "người mình" được làm "Vua". Đồng thời đây cũng là mùa bóng duy nhất mà "Vua dội bom" cũng đồng thời là nhà vô địch. Cú đúp đó thuộc về tiền vệ đội CSG Hồ Văn Lợi. Năm đó, với 9 bàn thắng, "Tiếu già" đã đóng góp một phần không nhỏ đưa con tàu Cảng cập bến đầu tiên.

Trước đó, ở mùa giải 2000 - 2001 cũng là một cầu thủ nội khác lên ngôi: Đặng Đạo của Khánh Hòa. Tuy nhiên, đó là một cuộc đăng quang trộn lẫn giữa nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và khổ đau. Bởi ngày Đặng Đạo ghi tên mình lên danh hiệu "Vua phá lưới" cũng là ngày anh cầm vé xuống hạng Nhất cùng đội bóng phố biển.

Kể từ năm 2003 đến nay, thời của các "Vua nội" hoàn toàn chấm dứt; mặt trận tấn công của V.League trở thành nơi tôn vinh sự "thống trị" của những chân sút ngoại. Thế nhưng, nghịch lý là kể từ khi những "ngoại binh" độc quyền làm vua, thì cái danh hiệu "Vua phá lưới" của cá nhân lại chẳng bao giờ song hành cùng Cup vô địch của đội bóng.

Điểm lại "xuất xứ" của những ông “Vua ngoại” trong 4 mùa bóng gần đây, người ta dễ dàng nhận thấy họ đều thuộc "biên chế" của các đội bóng nằm ở tốp đầu bảng xếp hạng, nhưng không phải là đội vô địch. Ngoại lệ hay đúng hơn là một sự "xuống cấp", nằm ở V.League mùa rồi, khi De Jesus thuộc sở hữu của Thép-Cảng, đội xếp thứ… 10 trên bảng tổng sắp chung cuộc.

V.League 2003, HAGL là đội vô địch, nhưng "Vua dội bom" là tiền đạo Achileful của đội xếp hạng 3 Nam Định. Tương tự như vậy, 1 năm sau, Hoàng Anh vẫn làm vua và người dẫn đầu danh sách "sát thủ" cầu môn vẫn ở thành Nam: Tiền đạo Amaobi. Điểm khác biệt có chăng chỉ là Nam Định của V.League 2004 đứng ở vị trí á quân. Tiền lệ này tiếp tục được lặp lại ở mùa bóng 2005 và 2006, hai mùa chứng kiến sự đăng quang của GĐT.LA, nhưng "Vua phá lưới" lại ở đội xếp hạng 3 Bình Dương (2005 - Kesley) và hạng 10 Thép Miền Nam-CSG (2006 - De Jesus).

Phải chăng ở V.League, nhưng ông "vua săn bàn" chỉ thích ở "tầng lửng", chứ không nằm ở "tầng thượng"? Càng lạ hơn là sau mỗi lần được "phong vương", người ta lại thấy phong độ của các chân sút ngoại này đi xuống, tỷ lệ nghịch với những lời chèo kéo từ các đội bóng khác. Thậm chí, có "ông Vua" còn "mất tích" vì không có đất sống trong làng bóng. "Vua phá lưới" V.League 2003 Achileful là một điển hình. Hai năm sau ngày đăng quang và sau những lần "ôm cầm sang bến mới" từ Nam Định sang LG.Hà Nội.ACB rồi vào Đà Nẵng, tiền đạo này đã không còn xuất hiện trên sân cỏ V.League.

Thêm một ví dụ khác là trường hợp "Vua dội bom" V.League 2005 Kesley. "Bùng nổ" trong màu áo của Bình Dương ở mùa bóng 2005, nhưng khi chuyển lên phố núi đầu quân cho HAGL, "ông Vua" ngay lập tức trở thành "kẻ tầm thường". Cả mùa giải năm nay, tiền đạo người Brazil này chỉ ghi được vỏn vẹn 5 bàn thắng cho HAGL, chưa bằng số bàn thắng lẻ mà "tân vương" De Jesus ghi được.

Ngay kể cả "Vua dội bom" mùa bóng 2004 Amaobi, tiền đạo khả dĩ vẫn còn "đắt giá" trong "tầm ngắm" của các CLB, thì hiệu suất ghi bàn cũng sụt giảm qua mỗi lần chuyển đổi CLB. Mùa này về khoác áo Bình Dương, Amaobi cũng chỉ có được 6 bàn thắng.

Bấy lâu nay, người ta vẫn luôn ta thán về sự lạm phát của các "ngoại binh" trên chiến trường V.League. Thế nhưng, từ những hiện trạng "mưa, nắng" thất thường của những "ông Vua ngoại" không ngai kể trên, liệu chăng có ai hỏi ngược lại: Phải chăng chính chất lượng và môi trường của V.League cũng đã khiến cho phong độ của các cầu thủ nước ngoài đi xuống?

Và gần giống như một chiếc vòng luẩn quẩn: Khi các "cựu vương" ngoại "thất sủng", các đội bóng lại lao vào cuộc "chạy đua vũ trang" với những cuộc "mua sắm" mà "hồng tâm" không thể bỏ qua chính là những ông "Vua phá lưới" mới đăng quang

Bảo Quyên
.
.
.