Nghịch lý

Thứ Sáu, 18/09/2009, 14:03
Mấy hôm nay, rất nhiều người trong giới bóng đá bàn tán rôm rả quanh một phát hiện rất thú vị của một tờ báo thể thao: Lê Công Vinh chính là cầu thủ đắt giá nhất của CLB Leixoes (Bồ Đào Nha).

Theo "phát hiện" này thì thủ môn Beto, người đã từng bắt chính cho ĐTQG Bồ Đào Nha khi chuyển từ Lexios sang Porto có giá 356.000 USD. Cầu thủ tiền vệ trung tâm của Lexioes mùa trước là Bruno China khi chuyển qua CLB Mallorca danh tiếng của Tây Ban Nha cũng chỉ có mức giá tương tự. Và như thế, cả hai mức giá này đều thua mức giá 7 tỷ đồng, tương đương với 400.000 USD mà CLB T&T Hà Nội phải bỏ ra để có được Công Vinh. 

Câu hỏi đặt ra: Có phải là một nghịch lý không khi Lê Công Vinh - cầu thủ đắt giá nhất Leixoes lại đang là cầu thủ đi học việc? Qua sự kiện này, người ta thấy rất rõ một điều: Giá cả của các cầu thủ Việt Nam đang tăng phi mã, và mức tăng ấy thậm chí đã vượt qua, hoặc chí ít là tương đương với những mức giá của những cầu thủ đang chơi bóng ở Bồ Đào Nha.

Còn về mặt chất lượng, cầu thủ Việt Nam có giỏi tương đương với những cầu thủ đang chơi bóng ở giải chuyên nghiệp Bồ Đào Nha hay không là một điều không trả lời cũng đã rõ như ban ngày. Tới đây, kết luận được đưa ra: Giữa "giá cả" với "giá trị" của một cầu thủ Việt Nam (tất nhiên là những cầu thủ hàng "sao") đang có một độ vênh cực lớn.

Cái "vênh" ấy bắt nguồn từ tư tưởng vung tiền làm bóng đá của một loạt các ông bầu. Cứ nhìn lại những diễn biến trên thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam hơn một chục năm qua sẽ rõ.

Công Vinh là cầu thủ "đắt" nhất Leixoes. Ảnh: Quang Minh.

Năm 2002, Minh Phương bỏ bóng đá Sài Gòn để về ĐT.Long An với cái giá 400 triệu đồng (mà thực chất là 399 triệu đồng) đã được coi là một kỷ lục của kỷ lục. Nhưng 7 năm sau thì con số 400 triệu đồng thực sự chỉ là một con số "nhỏ xíu" trên thị trường chuyển nhượng, và với con số ấy thì người ta mua những cầu thủ nhàng nhàng cũng khó.

Cách đây hai năm, Cao Xuân Thắng - một cầu thủ rất thường của Nghệ An khi về Ninh Bình cũng đã được định giá bạc "tỷ". Cách đây một năm, một cầu thủ thường thường khác là Lưu Ngọc Hùng khi về Ninh Bình cũng được trả cỡ đó.

Những cầu thủ "thường thường" đã vậy, những cầu thủ mà hiện tại được cao là "sao" sở hữu những con số như 4 tỷ, 5 tỷ, 6 tỷ, thậm chí là 7 tỷ như Công Vinh cũng là chuyện hoàn toàn hiểu được.

Mới đây, Ninh Bình đã "vung ra" không dưới 4 tỷ để "tậu" Vũ Như Thành, và Hải Phòng nghe đâu cũng sẽ bỏ ra từng ấy để "tậu" bằng được Phạm Thành Lương. Rõ ràng là các ông bầu bóng đá bây giờ rất bạo chi.

Và chính từ cái xu thế bạo chi (mà có người cho rằng không loại trừ khả năng rửa tiền) đã dẫn đến một nghịch lý: Lê Công Vinh - cầu thủ có giá cao nhất Việt Nam, cũng đồng thời là cầu thủ có giá cao nhất ở CLB Leixos thực chất chỉ là một cầu thủ đi học việc ở Leixos.

Điều này chứng tỏ, với khả năng đá bóng của mình, một cầu thủ có thể kiếm tiền ở Việt Nam dễ dàng hơn và hiệu quả hơn ở Bồ Đào Nha rất nhiều. Và điều này cũng chứng tỏ, cái gọi là "bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam" đang phát triển trên một bệ phóng rất khập khiễng, được tạo nên bởi mối quan hệ khập khiễng giữa "giá cả" và "giá trị" của một cầu thủ.

Đối với bản thân cầu thủ, và đối với sự phát triển nói chung của một nền bóng đá, sự khập khiễng ấy là có lợi hay có hại thì thời gian rồi sẽ trả lời!

Diệp Xưa
.
.
.