Nghệ thuật hàn lâm: Chờ đến hẹn để rồi... hy vọng

Thứ Hai, 11/08/2008, 14:27
Sự kiện được coi là festival của các nghệ sĩ biểu diễn nhạc giao hưởng, vũ kịch tại TP HCM, chương trình "Giai điệu mùa thu 2008" sẽ được tổ chức vào 3 đêm 15, 16 và 17 tháng 8, tại Nhạc viện TP HCM. Vẫn có sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ tài năng, vẫn là lần "ra quân" được đặt nhiều hy vọng: Những ưu việt của nghệ thuật hàn lâm chinh phục được nhiều công chúng hơn, làm cuộc sống đẹp hơn. Thế nhưng…

Muôn sự tại… tiền

Bắt đầu từ tháng 8/2005, "Giai điệu mùa thu", chương trình biểu diễn do Nhà hát nhạc giao hưởng vũ kịch TP HCM đã trở thành cuộc hội ngộ định kỳ của nhiều tài năng trong nghệ thuật hàn lâm, gây được tiếng vang tốt trong lòng công chúng.

Cùng với sự xuất hiện ngày một dày hơn của các nghệ sĩ đã, đang được đào tạo hoặc sinh sống và biểu diễn tại các nước khác nhau, người yêu thích lĩnh vực nghệ thuật này cũng khấp khởi trông đợi một chương trình biểu diễn được tổ chức ngày càng chất lượng hơn và quy mô hơn.

Thực tế, theo kế hoạch, "Giai điệu mùa thu" năm nay quy tụ đến 26 tài năng trẻ thuộc nhiều bộ môn cùng biểu diễn, từ Violon, Piano, Flute, Clairinet cho đến thanh nhạc, chỉ huy và múa. Ngoài đội ngũ các nghệ sĩ trong nước, khá nhiều khách mời đến từ Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Macedonia, Anh, Mỹ. Tiết mục cũng phong phú hơn khi "Giai điệu mùa thu 2008" có sự tham gia của khá nhiều tác phẩm Việt Nam trong các lĩnh vực nhạc không lời, thanh nhạc, múa.

Ngay Ban tổ chức cũng nhận định: Chất lượng của chương trình được chăm sóc, được nâng cao hơn, vừa mang tính chất là một cuộc liên hoan quốc gia và quốc tế…

Tuy nhiên, nếu như năm 2007, "Giai điệu mùa thu" đã phát triển về quy mô tổ chức, không những nâng từ 2 buổi biểu diễn trong lần thứ nhất thành 3 buổi biểu diễn có doanh thu từ bán vé, 1 buổi biểu diễn miễn phí cho học sinh, sinh viên thì năm nay lại quay trở về gói gọn trong 3 đêm duy nhất.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM, bà Nguyễn Thế Thanh khẳng định: Dù đã rất cố gắng nhưng không thể tìm được nguồn tài trợ cho chương trình. Tổng chi phí đầu tư thực hiện đã khoảng trên 1 tỷ. Ngoài 382 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước cấp vé máy bay đi về cho các nghệ sĩ, phần còn lại phải trông chờ vào tiền bán vé. Thế nên, vé mời bị hạn chế tối đa.

Điểm tổ chức biểu diễn chương trình năm nay (Nhạc viện TP HCM) cũng ít hấp dẫn khán giả so với các năm trước nhưng Ban tổ chức vẫn phải sử dụng vì Nhà hát thành phố đang trong quá trình sửa chữa.

Chân lý không thuộc về số đông

Còn nhớ, cũng trước thời điểm công diễn "Giai điệu mùa thu 2007", bà Nguyễn Thế Thanh cũng từng phát biểu: Một nhà hát quy mô hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế cho nghệ thuật hàn lâm trong tương lai sẽ "mọc lên" tại Lê Duẩn, quận 1, thay thế Công ty Xổ số kiến thiết hiện nay. Trụ sở Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, 212 Nguyễn Trãi, quận 1 sẽ được giao lại cho Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn.

Tuy nhiên, đến nay, đã sau 1 năm (không kể nhiều năm dự kiến trước đó), kế hoạch này vẫn nằm trên giấy. Tất nhiên, một trong số lý do chậm trễ quan trọng nhất cũng là vì kinh phí. Khoản tiền 1.340 tỷ cho việc xây mới nhà hát vẫn là con số mà UBND TP phải thận trọng khi cân nhắc.

Thiếu một điểm biểu diễn phù hợp, thù lao biểu diễn không cao trong khi sự khổ luyện gấp nhiều lần so với nhiều nghệ sĩ biểu diễn ca nhạc khác là một thiệt thòi mà các nghệ sĩ theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật này phải chấp nhận.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Vương Thạch, Phó Giám đốc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch làm một phép so sánh nho nhỏ rằng: Một nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng không những phải qua quá trình đào tạo dài trong trường lớp, mà ngay rất nhiều năm sau đó vẫn là cả quá trình khổ luyện, học hỏi không ngừng.

Với vũ ba lê càng khắt khe hơn, khổ luyện là thế mà tuổi thọ nghề cũng rất ngắn, mức tuổi lý tưởng thường chỉ dưới 30. Trong khi đó, với một ca sĩ biểu diễn nhạc trẻ thì mất khoảng bao lâu để học hỏi và trưởng thành?

Nhưng chúng ta không thể so sánh thù lao của một ca sĩ hát nhạc nhẹ với nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật hàn lâm. Ngay trên thế giới, người ta cũng không thể đem so sánh thù lao biểu diễn của một ca sĩ như Madona với một nghệ sĩ hát opera danh tiếng khác.

Chúng ta không thể lấy lượng khán giả để làm tiêu chí so sánh giữa nghệ thuật đỉnh cao với nghệ thuật mang tính đại chúng. Các nghệ sĩ càng không phải vì thế mà không "cháy" hết mình với nghề. Cụ thể là cho đến hôm nay, các nghệ sĩ trong và ngoài nước vẫn tiếp tục dành nhiều tâm huyết cho "Giai điệu mùa thu 2008".

Được biết, sau những tiếng vang từ chương trình, mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức có lời mời 79 nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát đến Tokyo biểu diễn vào đầu tháng 10/2008.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, nước Cộng hòa nhân dân Lào cũng vừa có văn bản mời 80 nghệ sĩ của Nhà hát sang Lào biểu diễn 2 đêm vào dịp cuối năm và Nghệ sĩ ưu tú Trần Vương Thạch, Võ Đăng Tín với tác phẩm "Đồng khởi" cũng sẽ xuất hiện trên sân khấu cùng dàn nhạc của Macedonia theo lời mời đến từ quốc gia này.

Rất nhiều kế hoạch đầu tư trang thiết bị, ưu tiên đào tạo đội ngũ nghệ sĩ tài năng trẻ trong nghệ thuật hàn lâm cũng đã, đang được chính quyền thành phố tích cực triển khai…

N.Hoa
.
.
.