Nghệ thuật đích thực không thể nhạt

Thứ Năm, 23/02/2006, 09:23

Kẻ thù của nghệ thuật, không gì khác, chính là căn bệnh nhạt. Bởi vì nghệ thuật chính là sản phẩm của những phút đi đến tận cùng cảm xúc của người nghệ sỹ. Mà khi anh chỉ sáng tạo nửa vời hay anh giả vờ sáng tạo, thì tác phẩm nghệ thuật đó chỉ là một cái xác hời hợt, nhạt nhòa.

Ấy thế nhưng, vào những ngày này của thế kỷ hai mốt, nghĩa là khi những tự do sáng tạo được đề cao và tôn trọng, chúng ta vẫn thường xuyên phải ăn những món fastfood nghệ thuật giống hệt nhau. Những đĩa nhạc hời hợt, những bộ phim giả cầy, những cuốn sách tô vẽ đi bên lề đời sống… Tất cả những điều đó là hệ quả tất yếu của một đời sống nhạt nhẽo, một đời sống mà ở đó người nghệ sỹ không dám sống hết mình, không dám thẳng thắn với ham muốn của mình và không biết chán những gì lặp lại…

Tất nhiên, không thể phủ nhận nghệ thuật trước hết là thứ dành cho những tài năng. Bởi có những người cả đời viết văn, có khi đổ cả máu tươi trên trang viết, mà vẫn không có những tác phẩm lớn. Tài năng là cái cần thiết cho mỗi nghệ sỹ. Nhưng tôi cho rằng, trong những trang viết mà nhà văn đó tâm huyết cả đời, lao động cật lực, dẫu không có những trang tài hoa lấp lánh nhưng sẽ có những trải nghiệm sâu sắc, những trang ấm áp và nhân văn. Đó chính là món quà của cuộc sống dành cho người chăm chút và chuyên cần với con chữ…

Nhà văn chính là người đi đến cùng những số phận, đi đến cùng nỗi cô đơn của con người. Nhưng nếu chúng ta cứ ngày ngày ngồi trong những căn phòng máy lạnh rỉ rả, sáng đưa vợ đi làm, chiều tan sở đón con, mọi việc tuần tự như thế thì dường như những góc khuất, những va đập của đời sống chẳng bao giờ chạm vào đời ta, những số phận bên ngoài phận sự và công việc của ta sẽ không bao giờ xuất hiện. Và cái sự công chức hóa nhà văn đã biến mọi thứ trở nên vừa phải, mọi tác phẩm đều thẳng thắn thơm tho và chúng không làm chết ai. Chỉ có điều, người đọc không màng tới nó, cũng không hề cảm thấy mình vừa bỏ lỡ một cơ hội quý giá để khám phá những điều mới mẻ.

Khi một tác phẩm nghệ thuật xuất hiện, người ta cần xem nó có ấn tượng hay không. Rồi sau đó mới nói đến chuyện nó hay tới đâu, nó ấn tượng thế nào. Và người nghệ sỹ, không gì khác, chính là phải đi đến tận cùng con đường của mình, dù con đường đó có nhiều đau đớn, gặp nhiều sự hắt hủi. Ấy là khi người nghệ sỹ bộc lộ hết bản lĩnh của mình.

Sự đổi dòng liên tục của các trào lưu nhạc trẻ thời gian qua cũng chính là việc giới ca, nhạc sỹ hiếm người có cá tính và đủ bản lĩnh để đi đến cùng với lựa chọn đầu tiên. Sự nhạt nhẽo là quá rõ ràng, nó thể hiện ở sự trùng lặp, sự hời hợt trong cả lối sống và phong cách biểu diễn và các ca sỹ như những con tắc kè hoa, tha lôi gương mặt mình vào tất cả những gì mà họ tưởng như là thị hiếu của khán giả.

Trong môi trường ấy, những người khôn ngoan và dám sống với dòng nhạc của mình đến cùng sẽ có những thành công không thể phủ nhận. Đó là Đàm Vĩnh Hưng với dòng nhạc thị trường sôi động, đó là Duy Mạnh đi đến tận cùng của sến thành thị, đó là Mỹ Tâm với dòng teenpop dễ nhớ, dễ thuộc, là Quang Dũng với dòng nhạc tiền chiến… Những giọng ca ấy có thể sẽ bị nhiều búa rìu, có thể bị những người làm nghề đánh giá không cao, nhưng họ thực sự là ngôi sao, là đỉnh cao trong dòng nhạc mà họ lựa chọn.

Sự nhạt nhẽo vốn là căn bệnh trầm kha của văn nghệ Việt Nam. Bởi những gì được coi là thành tựu trong các lĩnh vực nghệ thuật đều là những đứa con được các nghệ sỹ mang nặng đẻ đau, được khai sinh trong những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Một tác nhân dẫn đến căn bệnh nhạt chính là sự nể nang, dĩ hòa vi quý và không ai dám nghe những lời nghịch nhĩ. Thế mới có chuyện một lời nói thật mà có những nghệ sỹ thù nhau suốt đời.

Sự nể nang không chỉ làm cho văn nghệ nhạt nhẽo mà còn làm cho đời sống văn nghệ không lành mạnh. "Nể quá phải dùng", đó là lời thường xuyên của các vị biên tập khi nói về những tác phẩm nhạt nhẽo xuất hiện đều đặn. Và không hiểu cố tình hay vô ý, không ít văn nghệ sỹ của chúng ta cứ lạm dụng chữ "nể" đó để sản xuất hàng loạt tác phẩm không cảm xúc. Thế nên mới có chuyện cười ra nước mắt, sau mỗi kỳ báo Tết, người ta thường thống kê xem nhà thơ X, tác giả Y có mấy chục bài thơ trên báo Tết, được mấy chục triệu nhuận bút…

Ai cũng thích khen. Nhưng nếu phê bình chính xác và thiện ý thì lẽ ra phải nhận được sự cảm ơn của người làm nghệ thuật mới phải. Thế nhưng, nếu có một bài viết nghiêm túc và khách quan trên báo, ngay lập tức tác giả đó bị coi là kẻ chặt chém nghệ sỹ, là kẻ bắn súng vào nghệ thuật…

Một bài thơ hôm nay ý tứ giống hệt ngày hôm qua, chỉ thêm vài từ lóng lánh khác nhau, một họa sỹ tự vẽ lại những bức tranh của mình đem đi bán, một đạo diễn dựng các vở diễn giống hệt nhau, các lễ hội cùng xuất hiện trước công chúng tương tự nhau, một ca sỹ hát (lip sync) cả trăm lần một bài hát mà không thấy chán… chính là sự kinh niên của bệnh nhạt. Những điều đó tưởng như chẳng chết ai nhưng nó sẽ bào mòn sự sáng tạo, nó là đất màu cho cỏ dại dễ dãi nảy mầm. Cứ bảo sao nghệ thuật Việt Nam chẳng có gì để so với thế giới, có được gì khi chúng ta không nghiêm khắc với chính mình?

Dạ Yến
.
.
.