Nghệ sỹ nhân dân Xuân Quý: Tuồng là máu thịt của đời tôi

Thứ Bảy, 30/04/2016, 12:24
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình - một trong những cái nôi hát Chèo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng Xuân Quý lại học và trở thành diễn viên của bộ môn nghệ thuật Tuồng truyền thống.

\

Sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, Xuân Quý dễ dàng trúng tuyển vào lớp diễn viên Tuồng Bắc của Nhà hát Tuồng Việt Nam (khóa 1979 – 1983). Đối với Xuân Quý, những năm tháng học tập trong trường thật sự là thời gian khổ luyện. Đúng như lời các bậc tổ nghề truyền dạy: “Sinh vì nghệ, tử vì nghệ”.

Tốt nghiệp loại giỏi, Xuân Quý về công tác tại Đoàn Tuồng Bắc - Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nhưng chưa đầy một năm sau đó nhà hát lại điều Xuân Quý sang làm diễn viên của Đoàn Tuồng Nam. Đây cũng là thử thách lớn đối với một diễn viên trẻ như anh. Mặc dù vẫn là nghệ thuật Tuồng nhưng giữa hai dòng Tuồng Bắc và Tuồng Nam có rất nhiều sự khác biệt. Khác biệt về hệ thống vũ đạo, khác biệt cả về làn điệu hát và hình thức biểu diễn.

Đó là những khó khăn bước đầu, song cũng là những thuận lợi căn bản, tạo động cơ tích cực để Xuân Quý lao vào học tập, khám phá, hiểu biết thêm một hình thức nghệ thuật nữa của Tuồng. Nhờ vậy, anh trở thành một trong số ít diễn viên trẻ của nhà hát nắm khá vững đặc thù cơ bản của cả hai dòng Tuồng Bắc và Tuồng Nam.

Giọng hát ngọt ngào, vang, sáng cùng với thân hình cân đối và gương mặt luôn rạng rỡ đã tạo cho Xuân Quý có một chỗ đứng rất riêng trong dàn diễn viên của nhà hát. Điều ấy khiến ta dễ hiểu khi thấy anh được các đạo diễn tin tưởng giao đảm trách nhiều vai chính trong nhiều vở mới thuộc đủ loại đề tài khác nhau.

Khi nhập vai, nghệ sỹ Xuân Quý luôn sáng tạo, để không lặp lại mình.

Ngoài việc thay thế một số vai chính của các nghệ sĩ gạo cội, Xuân Quý lần lượt được thử sức mình trong hàng loạt vai: Thân Cảnh Phúc trong vở Phò mã Thân Cảnh Phúc, Năng Danh - vở Triệu Đình Long cứu chúa, Bồ Lật - vở Bạch Viên Tôn Cát, Lưu Toàn Địch - vở Thất Hiền Quyến, Trịnh Lang - vở Chiếc bóng oan khiên, Trọng Thủy - vở Hận Loa thành và vai Trương Đồ Nhục trong vở diễn cùng tên...

Đề tài truyền thống và lịch sử luôn là thế mạnh quen thuộc của nghệ thuật Tuồng. Song khi đi vào đề tài hiện đại quả là khó khăn, nan giải. Xuân Quý đã được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận khi thể hiện nhiều vai chính trong các vở về đề tài hiện đại. Vai cán bộ Hiệp trong vở “Rừng thức” – tác giả: Hà Đình Cẩn, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Phương là một ví dụ. Hiệp là giáo viên ở miền xuôi.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xung phong đem cái chữ đến cho dân bản, thắp sáng ngọn lửa niềm tin cuộc sống ở những vùng rừng núi hẻo lánh, xa xôi. Anh thật sự là “Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Nhân vật không phải là những ông vua, bà chúa, nên việc sử dụng trang phục, hóa trang, vũ đạo không thể theo lối cũ của Tuồng truyền thống. Xuân Quý đi sâu tìm hiểu, chọn lọc, vận dụng những nguyên tắc cơ bản từ các vai mẫu một cách tinh tế, hợp lý để tạo dựng nhân vật.

Không lạm dụng luyến láy trong hát, không lạm dụng các trình thức múa ước lệ trong diễn nhưng chân dung cán bộ Hiệp vẫn được khắc họa sống động và chân thực. Xuân Quý đã đưa nhân vật của sân khấu Tuồng hiện đại tới gần người xem hơn, có sức thuyết phục hơn. Vai diễn là minh chứng điển hình cho sự thành công trong quá trình sáng tạo, đưa Tuồng đi vào đề tài hiện đại, ca ngợi cuộc sống mới, con người mới.

Ước muốn chinh phục được khán giả bằng chính những vai diễn Tuồng nên khi ra sân khấu, Xuân Quý thường nghiên cứu tỉ mỉ, chắt lọc từng chi tiết, từng động tác để mỗi lần diễn, mỗi lần xuất hiện trước khán giả là mỗi lần sáng tạo, không lặp lại mình. Cứ vậy, Xuân Quý đi từ thành công này đến thành công khác. Anh đã đoạt giải Vàng cuộc thi Tiếng hát hay ngành Tuồng năm 1992 tại tỉnh Hải Dương và lần lượt giành 6 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc trong các cuộc thi, các cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Hơn ba mươi năm qua, bên cạnh hoạt động biểu diễn ở nhiều vùng miền trong nước và quốc tế, Xuân Quý còn tham gia Hội đồng Nghệ thuật của nhà hát. Ngoài việc thường xuyên dạy các khóa diễn viên Tuồng, diễn viên Rối, lớp Biên kịch hệ chính qui của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, anh còn được mời dạy vai mẫu cho lớp Tập huấn diễn viên và nhạc công nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn mở tại thành phố Đà Nẵng năm 2013.

Bề dày hoạt động sáng tạo nghệ thuật đã đem đến cho Xuân Quý niềm vinh dự lớn bằng những phần thưởng thật đáng trân trọng: Nghệ sĩ Ưu tú (2007), Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, nhiều năm được công nhận là Chiến sĩ Thi đua của ngành, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đầu năm 2016 mới đây, Xuân Quý lại được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân. Nghĩ về nghề, Xuân Quý tâm sự: “Thấm thoắt tôi vào nghề đến nay đã được ba mươi bảy năm. Giờ đây, Tuồng đã là máu thịt của đời tôi. Mong rằng lớp diễn viên trẻ hôm nay sẽ yêu Tuồng hơn, tận tâm tận lực học hỏi, luyện rèn để cùng các thế hệ cha anh đi trước giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc ngày một tốt hơn”.

Trịnh Vũ Thìn
.
.
.