Hài nhạt, nhảm phủ sóng truyền hình:

Nghệ sĩ, nhà sản xuất cùng 'khát' kịch bản hay

Thứ Bảy, 10/01/2015, 12:15
Với sự nở rộ của các kênh truyền hình, các kênh trực tuyến, nhu cầu về chương trình hài ngày càng nhiều trong khi kịch bản cho hài đang là một khoảng trống lớn thì việc hài nhạt, hài nhảm theo nhau ra đời và phủ sóng rộng rãi sẽ còn tiếp diễn...

Qua thời hoàng kim "làm mưa làm gió" ở các tụ điểm sân khấu nhưng "mảnh đất" cho diễn viên hài "canh tác" vẫn không hẳn hẹp khi hàng loạt các chương trình hài liên tục phủ sóng trên kênh truyền hình của nhiều nhà đài từ địa phương đến trung ương hay các kênh của truyền hình cáp. Chỉ có điều, là chương trình được phát sóng nhằm mang lại tiếng cười vui cho khán giả nhưng rất nhiều chương trình, người xem muốn cười cũng... cười không nổi? Vì đâu?

Chia sẻ trong ngày chương trình "Gặp nhau để cười" ra mắt, chuẩn bị phát sóng trên VTV9 và Jet Studio, mới đây diễn viên hài Tiết Cương kể rằng, rất nhiều người quen từng hỏi anh, vì sao lâu lắm rồi không thấy chương trình hài như gala cười hay Gặp nhau cuối tuần trên VTV3 ngày trước?

Là người trong nghề, bản thân Tiết Cương cũng thấy tiếc nhưng anh cũng không biết lý do chương trình phải dừng lại. Anh và các nghệ sĩ đều mong muốn có một chương trình hài tương tự, đủ sức hấp dẫn và lấy lại lòng tin của hài với khán giả truyền hình.

"Gặp nhau để cười" là một trong những chương trình mà anh và các đồng nghiệp đặt nhiều hy vọng. Thế nhưng, nếu dốc hết "vốn liếng" cho chương trình, nghệ sĩ hài dễ mất "miếng cơm manh áo".

Theo kế hoạch của nhà sản xuất, "Gặp nhau để cười" sẽ bao gồm đến 240 tập, phát sóng ròng rã từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Để tạo sức hấp dẫn và sự mới mẻ cho chương trình, nhà sản xuất dự tính sử dụng đến 3 format chương trình khác nhau cho 3 giai đoạn sản xuất, phát sóng.
Hình ảnh chọc cười khán giả kém duyên trên sóng truyền hình.

Giai đoạn đầu, phần lớn tận dụng những kịch mục có sẵn của các nghệ sĩ, nhóm hài. Điều này dẫn đến một nghịch lý là nếu chương trình phát sóng rộng rãi, khán giả biết hết kịch bản, nghệ sĩ hài đưa kịch mục này đi diễn ở các tụ điểm sẽ khó lòng bán được vé. Còn lên sóng truyền hình, nghệ sĩ "dễ có tiếng nhưng không có miếng" nên ít ai dại dột tung hết mảng miếng độc đáo nhất của bản thân, của nhóm cho nhà đài.

Thực tế, với hầu hết các chuỗi chương trình hài phát sóng trong thời gian dài trên truyền hình, nhà sản xuất thường tuyên bố các tập phát sóng sẽ bám sát các sự kiện, vấn đề nóng trong xã hội và phản ánh chúng qua lăng kính hài hước, tạo tiếng cười cho người xem. Tuy nhiên, với rất nhiều chương trình, khán giả liên tục phải xem những màn chọc cười gượng gạo, có khi đến sống sượng. Lý do đưa ra để biện minh đầu tiên vẫn là lỗi thiếu kịch bản hay.

Về chương trình hài không tạo được tiếng cười hợp lý, ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio - một trong những đơn vị đảm nhận vai trò sản xuất của khá nhiều chuỗi phim, chương trình hài đang phát sóng trên truyền hình cho biết, đúng là cuộc sống này ngộn ngộn các vấn đề. Nhưng, nhìn ra và nắm bắt vấn đề, chuyển tải thành kịch bản dưới lăng kính hài hước thì không dễ và không phải ai cũng có khả năng. Thiếu kịch bản hay cho hài là một trong những khó khăn mà nhà sản xuất thường phải đối mặt...

Với sự nở rộ của các kênh truyền hình, các kênh trực tuyến, nhu cầu về chương trình hài ngày càng nhiều trong khi kịch bản cho hài đang là một khoảng trống lớn thì việc hài nhạt, hài nhảm theo nhau ra đời và phủ sóng rộng rãi sẽ còn tiếp diễn...

Ngọc Nguyễn
.
.
.